Hiện tại, cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraina đã bước sang năm thứ ba và không có dấu hiệu nào cho thấy rằng nó sẽ sớm chấm dứt.
Trong suốt khoảng thời gian qua, để hỗ trợ cho quân đội của Tổng thống Zelensky, Phương Tây đã liên tục gửi cho họ những khoản viện trợ khổng lồ cả về tiền bạc và vũ khí.
Thế nhưng, chừng đó có vẻ như vẫn là chưa đủ để đánh bại người Nga và lấy lại những vùng lãnh thổ đã mất.
Vì vậy, có lẽ đã đến lúc Phương Tây cần can thiệp quân sự mạnh tay và trực tiếp hơn vào tình hình Ukraina nếu như họ vẫn muốn có một chính quyền thân thiện với mình tồn tại ở Kiev nhằm ngăn chặn sức ảnh hưởng của Nga đến phía tây Châu Âu.
Câu hỏi ở đây là: Phương Tây, hay cụ thể là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO sẽ phải làm gì và làm như thế nào?
Quan trọng hơn, liệu những hành động đó sẽ có hiệu quả như được kỳ vọng?
Nội dung bài viết
I. Kiev đang thiếu gì và NATO có thể giúp đỡ như thế nào?
Sau hai năm, có vẻ như người Nga đang dần chiếm thế thượng phong và chiến thắng mới đây ở Avdiivka là một minh chứng rõ ràng. Chúng ta không biết liệu điều này ảnh hưởng ra sao đến kết cục của cuộc chiến, tuy nhiên có thể chắc chắn rằng Ukraina sẽ khó chiếm lại những lãnh thổ đã mất, trừ khi NATO tham gia sâu hơn vào chiến sự. Vậy hiện tại Kiev đang thiếu gì và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương có thể giúp đỡ như thế nào?
Kể từ khi cuộc chiến nổ ra cho đến bây giờ, Không quân Vũ trụ Nga vẫn đang chiếm ưu thế trên bầu trời, bất chấp phần lớn lực lượng bị chặn không cho vượt qua tiền tuyến. Tuy nhiên, chỉ riêng những chiến dịch ở tiền tuyến của họ thôi đã đủ khiến Ukraina chịu tổn thất nặng nề chứ chưa nói đến các phi vụ không kích sâu trong lãnh thổ. Do đó, một việc hết sức quan trọng mà Kiev cần làm để duy trì nỗ lực chiến tranh là giữ máy bay chiến đấu của Nga tránh xa hoạt động hậu cần và vận chuyển vũ khí ra mặt trận. Hay nói đơn giản, họ cần bắn hạ càng nhiều càng tốt ngay khi chúng tiếp cận tiền tuyến ở khoảng cách vài chục km. Mặc dù ý tưởng nghe thì có vẻ hay, nhưng những hạn chế trong lực lượng không quân và số lượng thiết bị giám sát độ cao thấp nên Ukraina chưa thể hiện thực hóa nó.
Ngoài ra, quân đội Kiev hiện tại thực sự không thể cứ thế đôi công sòng phẳng bằng tên lửa và pháo binh với người Nga trên mặt đất như cách đây một năm, phần vì thiếu đạn dược và cả chính xe pháo, phần vì đối thủ đã tập trung pháo binh để tăng mức độ hiệu quả cho những cuộc bắn phá. Bên cạnh đó, tương tự như đối với không quân địch, Ukraina cần trấn áp các đơn vị pháo, tên lửa và đạn tuần kích, hay còn gọi là UAV tự sát đang triển khai sức mạnh từ cách xa tiền tuyến, đồng thời phải liên tục pháo kích vào chiến tuyến của quân Nga trước khi phát động tấn công. Không chỉ có vậy, họ cũng phải vô hiệu hóa các máy bay không người lái cỡ trung đang làm nhiệm vụ trinh sát chiến trường. Chỉ khi những điều này được thực hiện, các cuộc tiến công trên mặt đất của quân đội Kiev mới có thể được tiến hành với hiệu quả cao.
Một điểm chung của tất cả những vấn đề vừa được nêu đó là không hề dễ để NATO can thiệp giúp đỡ Ukraina giải quyết chúng, vì những lý do chính trị và kinh tế. Nếu NATO thực sự hỗ trợ Ukraina, các quốc gia thành viên thuộc tổ chức sẽ phải chi một khoản nhiều hơn tổng số tiền mà họ đã từng bỏ ra cho đến nay. Song song với đó là một nguyên nhân nhạy cảm và tế nhị hơn rất nhiều, đó là chính trị. Trên thực tế, chúng ta đã được biết những biểu hiện cho thấy Phương Tây ngại “va chạm” trực tiếp với Moskva, chẳng hạn như gửi vũ khí đến cho Kiev nhưng lại không cho phép sử dụng chúng tấn công các mục tiêu nằm trên lãnh thổ Nga. Hiện nay, rủi ro chính trị lớn nhất mà việc NATO can thiệp quân sự có thể gây ra là đẩy căng thẳng lên cao, đến mức nổ ra một cuộc xung đột hạt nhân. Tuy vậy, cho đến nay thì các thành viên NATO vẫn chưa làm gì khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin phải cho họ biết rằng “vua không nói chơi” và sẵn sàng biến những đe dọa thành sự thật bằng cách mở khóa kho đồ chơi nguyên tử to nhất thế giới của mình. Vì lẽ đó, việc NATO từ từ bổ sung lực lượng và tăng cường sự hiện diện ở Ukraina theo những cách gián tiếp được đánh giá là vô cùng hợp lý bởi điều này không phạm vào lằn ranh đỏ được ông Putin vạch ra.
II. Cách NATO giúp Ukraina giành ưu thế trên không
Vậy liệu NATO có thể ngăn cản Không quân Nga triển khai sức mạnh cùng lúc chiếm lĩnh bầu trời để phục vụ hoạt động trinh sát và không kích?
Cho đến nay, hầu hết các hệ thống phòng không được Phương Tây chuyển giao cho Ukraina không phải được lấy từ kho vũ khí đang hoạt động của họ mà thay vào đó là những hệ thống mới được ra lò. Tuy nhiên, do vấn đề nguồn vốn bị phân bổ hạn chế trong khi phải tăng cường sản xuất để đáp ứng đủ nhu cầu của Kiev nên số lượng hệ thống phòng không viện trợ đã không được nhiều như lẽ ra có thể có. Do đó, NATO đã phải gửi đi những hệ thống nằm trong kho dự trữ cũ của mình và mặc dù màn thể hiện sức mạnh của chúng ở chiến trường Ukraina vẫn rất đáng để mong đợi, thế nhưng số lượng này thường không nhiều. Vì vậy, một nỗ lực nghiêm túc của NATO nhằm tranh giành quyền kiểm soát bầu trời Ukraina chắc chắn sẽ cần có sự tham gia của các hệ thống tên lửa đối không đang trong biên chế chiến đấu với con số được huy động phải lớn hơn rất nhiều. Và khoảng mười khẩu đội Patriot của Hoa Kỳ sẽ là một khởi đầu tốt.
Cho đến nay, Washington mới chỉ chuyển giao cho Kiev một hệ thống loại này và chúng sẽ phối hợp tác chiến với nhiều khẩu đội tên lửa phòng không khác, một số là các quốc gia khác viện trợ, trong khi một số khác chỉ đơn giản là mua mới từ nhà sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều tiền hơn được gửi đến cho Kiev đồng nghĩa với tốc độ xuất xưởng của các hệ thống phòng không mới được nâng cao. Đồng thời, quá trình đào tạo để binh sĩ sử dụng chúng có thể được thực hiện nhanh chóng và gần như chắc chắn là sẽ đạt thông thạo chỉ trong khoảng thời gian cần thiết để chuyển tên lửa đến Ukraina.
Ấy vậy nhưng, hệ thống radar và tên lửa trên mặt đất không thể làm được tất cả mọi việc. Ngay cả khi NATO thay thế mới những con hàng bị bay màu hoặc mất vào tay người Nga thì vấn đề vẫn còn, đó là tên lửa không thể bắn những gì mà nó không thể nhìn thấy và một chiếc máy bay hoạt động ở độ cao thấp cách mặt đất khoảng 90m, sẽ chỉ bị phát hiện ở phạm vi gần 50km. Trong khi đó, bản thân radar không thể được đặt ngay tại tiền tuyến mà nó phải ở sâu trong lãnh thổ Ukraina nếu không muốn bị pháo binh, tên lửa hay UAV tự sát của đối phương cho lên bảng đếm số. Vì vậy, bất kể hệ thống phòng không mà NATO chuyển giao cho Kiev có xịn đến thế nào, chúng vẫn khó có khả năng ngăn chặn Không quân Nga triển khai sức mạnh ra đến tiền tuyến.
Đó là lý do tại sao NATO cần tập trung vào lực lượng máy bay chiến đấu. Hiện tại, Ukraina đã sẵn sàng nhận vài chục chiếc F-16 Fighting Falcon trong năm 2024 và đây là con số tối đa mà không quân nước này có thể vận hành ngay lập tức. Lý do là bởi họ đang thiếu phi công, trong khi việc đào tạo phi công lại từ đầu để làm quen với một chiếc chiến đấu cơ hoàn toàn mới và tác chiến hiệu quả chỉ trong một năm là hoàn toàn bất khả thi.
Do đó, nếu NATO thực sự nghiêm túc với ý tưởng về một cuộc chiến trên không ở Ukraina, họ sẽ phải tăng cường lực lượng máy bay, cả về số lượng và chất lượng. Thay vì chỉ chuyển giao cho Kiev các biến thể F-16 cũ với công nghệ từ cuối thế kỷ trước, NATO cần xuất kho những con hàng mới nhất và tốt nhất thuộc dòng này là F-16V Viper và phần lớn gánh nặng sẽ đặt lên vai không ai khác ngoài Hoa Kỳ, anh cả của tổ chức và cũng là quốc gia khai sinh F-16. Theo nguồn tin chưa được xác nhận, mỗi năm nước này có khả năng chế tạo mới và hiện đại hóa khoảng 50 chiếc F-16. Với tốc độ được dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng này thì chỉ trong một đến hai năm, hầu hết F-16 của Không quân Mỹ sẽ được nâng cấp lên tiêu chuẩn V. Tuy nhiên, chỉ vài trăm chiếc F-16 là không đủ, NATO sẽ muốn chuyển giao cả những chiến đấu cơ thế hệ thứ năm F-35 Lightning II cho Ukraina và thực sự là họ đang cân nhắc làm vậy.
Trong trường hợp đó, Kiev sẽ nắm trong tay ba loại máy bay chiến đấu bao gồm F-16 đời cũ, F-16 bản nâng cấp và F-35, từ đó triển khai chúng cho những nhiệm vụ khác nhau. Cụ thể, F-16 cũ sẽ mang vũ khí tầm xa để triển khai sức mạnh đến mặt trận đồng thời tránh rơi vào nguy hiểm, trong khi đó F-16 hiện đại hóa sẽ hỗ trợ F-35 chiến đấu trực tiếp ngoài tiền tuyến và thực hiện những phi vụ có mức độ rủi ro cao hơn như phá hủy cơ sở hạ tầng, các hệ thống phòng không hoặc đánh chặn máy bay Nga. Bên cạnh đó, theo ước tính thì Kiev sẽ cần ít nhất 500 chiến đấu cơ để kế hoạch chiếm lĩnh bầu trời đạt hiệu quả. Con số này nghe thì có vẻ nhiều nhưng với một quốc gia sở hữu diện tích hơn 600.000km2 như Ukraina thì thực sự không phải vậy.
Xét riêng việc duy trì nhiệm vụ tuần tra trên không đã cần đến 150 chiếc F-16 cùng hoạt động và khi tính đến tổn thất không đến từ không chiến cũng như do các cuộc tấn công của Nga vào căn cứ Ukraina, Kiev gần như phải vắt kiệt khả năng của lực lượng 500 chiếc chiến đấu cơ, nhằm giành quyền kiểm soát bầu trời. Trên thực tế, số lượng máy bay lý tưởng nhất là càng nhiều càng tốt, thậm chí một hay hai nghìn chiếc cũng có thể là con số Ukraina mong muốn. Thế nhưng như đã nói, nhằm tránh đẩy căng thẳng đến mức xung đột hạt nhân, NATO hiện tại chỉ có thể tiếp cận gián tiếp và với cách này thì việc tìm đủ phi hành đoàn tình nguyện và bố trí nhiều máy bay hơn ở Ukraina là sức quá khó khăn. Ấy là chưa kể đến lực lượng đông đảo cũng như khả năng thiên về không chiến nhiều hơn là tấn công mặt đất của Không quân Nga sẽ buộc NATO phải duy trì một lực lượng lớn chỉ để đánh đuổi họ ra khỏi vùng trời Ukraina. Về mặt lý thuyết, điều này là hoàn toàn có thể thực hiện được nếu như các yếu tố chính trị cho phép.
Cùng với máy bay chiến đấu, NATO sẽ phải chuyển giao cho Kiev rất nhiều vũ khí đi kèm và hứa hẹn tiêu tốn một lượng không hề nhỏ trong kho dự trữ của họ, chẳng hạn như các loại tên lửa chống bức xạ AARGM-ER cho F-35 và HARM cho F-16. Ngoài ra còn là hàng ngàn tên lửa hành trình, hàng chục nghìn bom dẫn đường chính xác SDB và StormBreaker. Bên cạnh đó, khả năng cao NATO sẽ tăng đáng kể năng suất chế tạo bom JDAM để gửi đến Ukraina. Thế nhưng, điều quan trọng là họ cần bổ sung cho Kiev các nền tảng trinh sát và giám sát. Tất nhiên, các radar hiện đại trên máy bay chiến đấu, ví dụ như Mắt Rồng và DB-110 trên F-16 có thể được sử dụng để thu nhận hình ảnh từ khoảng cách. Tuy nhiên với nhu cầu của chiến trường hiện đại là chưa đủ và đó là lý do mà Ukraina cần đến những loại thiết bị bay không người lái trinh sát, chẳng hạn như Bayraktar TB2. Nhờ kích thước to lớn với chiều dài 6,5m, sải cánh 12m, trọng tải cất cánh 700kg, nó có thể mang theo nhiều thiết bị giúp tăng cường khả năng theo dõi ở khoảng cách xa mà không cần phải tự đặt mình vào nguy hiểm. Đồng thời, không loại trừ khả năng NATO đưa vào triển khai các máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không AWACS để bao quát khu vực rộng hàng trăm km. Thêm vào đó, Hoa Kỳ cũng có thể sẽ sử dụng các mẫu máy bay không người lái hiện đại như Reaper hay “dơi trắng” siêu tàng hình RQ-180 để hỗ trợ Kiev.
Đến đây, NATO gặp một vấn đề khá là hóc búa về mặt chính trị. Đến nay, nhìn chung thì dù các máy bay chiến đấu mà Ukraina vận hành đôi khi được bảo dưỡng, sửa chữa và nâng cấp ở nước ngoài nhưng hầu hết chúng đều nằm tại các căn cứ trong nước, sẵn sàng chiến đấu từ những vị trí đó, cũng như hứng chịu rủi ro về thiệt hại do quân Nga gây ra. Do vậy, nếu như NATO muốn những chiến đấu cơ được đem đi viện trợ trở về nguyên vẹn thì một phương án có thể suy nghĩ đến là cho chúng cất cánh từ chính lãnh thổ của những nước thành viên. Đương nhiên, các máy bay được giao nhiệm vụ sẵn sàng phản ứng nhanh vẫn sẽ phải đóng quân tại Ukraina vì đơn giản là nếu không thì sẽ không có thời gian triển khai kịp thời. Thậm chí, NATO cũng có thể tạo ra một quy trình chiến đấu cẩn trọng hơn. Theo đó các máy bay tiên tiến với giá thành đắt đỏ như F-35 sẽ đồn trú bên ngoài Ukraina và khi cần chúng sẽ bay đến một điểm trung gian bên trong nước này để thực hiện sứ mệnh.
Tuy nhiên, điều này chắc chắn sẽ được xem là hành động gây leo thang căng thẳng trong mắt người Nga và họ tất nhiên sẽ cố gắng bắn hạ càng nhiều máy bay NATO càng tốt. Mặc dù vậy, phản ứng của Moskva sẽ chỉ dừng lại ở mức đó và các căn cứ trong NATO vẫn sẽ an toàn. Ngược lại, máy bay chiến đấu của tổ chức này cũng không tấn công căn cứ trên đất Nga và họ có thể hài lòng khi tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraina như phương tiện chiến đấu mặt đất, máy bay quân sự hay tên lửa hành trình.
Ngoài ra, còn đó một bài toán khác mà NATO cần phải giải quyết nếu muốn giúp Kiev làm chủ bầu trời. Thêm nhiều máy bay tham chiến đồng nghĩa với thêm nhiều quân nhân không phải người Ukraina, bao gồm cả phi công và nhân viên hỗ trợ bởi như đã nói, Kiev thiếu một lượng lớn nhân sự có khả năng vận hành các phi cơ hiện đại. Điều này rất có thể sẽ chọc giận người Nga và để lách luật, những binh sĩ NATO xuất hiện ở Ukraina phải chiến đấu trên danh nghĩa lính đánh thuê cho quân Kiev. Tuy nhiên, do phần lớn ngân sách của chính quyền ông Zelensky hiện nay là do Phương Tây tài trợ, nên về cơ bản thì quân nhân NATO vẫn do NATO trả lương. Nghe thì có vẻ lằng nhằng, thế nhưng cách thanh toán và mối liên hệ theo kiểu gián tiếp như vậy sẽ giúp tránh đẩy xung đột leo thang.
III. Cách NATO hỗ trợ Ukraina chiến đấu dưới mặt đất
Tất nhiên, trong một cuộc chiến tranh hiện đại thì chỉ riêng sức mạnh không quân là không đủ để tạo ra sức hủy diệt cần thiết, giá thành của chiến đấu cơ thì quá đắt và lại không có sẵn để sử dụng với số lượng đủ nhiều. Vì vậy Ukraina sẽ cần thêm tình nguyện viên hoặc lính đánh thuê của NATO để giúp vận hành các hệ thống chiến đấu dưới mặt đất.
Dù rằng có thể sẽ không có đầy đủ một kíp lái xe tăng hay khẩu đội pháo binh hoặc tên lửa bao gồm toàn các chiến binh ngoại quốc, nhưng chỉ một thành viên trong nhóm có kinh nghiệm, là đã có thể giúp những đồng đội người Ukraina chiến đấu hiệu quả hơn. Cùng với đó, một quân nhân lão làng sẽ có khả năng hỗ trợ bảo trì phương tiện giữa mỗi lần triển khai chiến đấu, giúp tăng tuổi thọ khí tài, điều mà Kiev rất cần khi mà các gói viện trợ đang có dấu hiệu giảm bớt.
Không chỉ có vậy, để đấu lại với nguồn hỏa lực mặt đất dồi dào đến từ năng lực sản xuất quốc phòng mạnh mẽ, kết hợp với hỗ trợ đến từ các quốc gia thân thiện của Nga, khối NATO sẽ phải nói lời chia tay với rất nhiều đạn pháo và tên lửa dự trữ của mình. Ngoài ra, những vũ khí như hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS và thậm chí cả tên lửa tấn công chính xác hoàn toàn mới PrSM cũng cần được sử dụng một cách thoải mái thay vì tiết kiệm.
Bên cạnh đó, trước thực tế rằng pháo binh Ukraina đang bị Nga làm cho suy yếu một cách trầm trọng, có khả năng NATO sẽ cần phải gửi thêm khoảng một nghìn khẩu pháo M109 cùng nhiều loại pháo cho Kiev. Tại sao lại là M109? Đơn giản vì tuy nó không phải là hệ thống tốt nhất nhưng là mẫu pháo phổ biến của Phương Tây và có thể được gửi với số lượng lớn một cách hết sức nhanh chóng. Đồng thời chúng sẽ được vận hành bởi các khẩu đội chủ yếu là quân nhân Ukraina với sự hỗ trợ của tình nguyện viên hoặc lính đánh thuê của NATO. Bằng cách sử dụng các “cựu” binh sĩ NATO cho những nhiệm vụ ít phải ló mặt trực tiếp ngoài chiến trường, họ sẽ chịu ít thương vong hơn rất nhiều. Và đây là một điều vô cùng quan trọng chủ yếu liên quan đến vấn đề chính trị. Nếu có công dân Hoa Kỳ và EU thiệt mạng trong chiến tranh, dư luận trong nước sẽ ít bức xúc hơn nếu đó là tình nguyện viên và họ đem về được nhiều tiền. Song song với đó, phía Nga cũng sẽ khó để xác định hay có cớ để phàn nàn về con số quân nhân Phương Tây đang hoạt động ở Ukraina.
Đổi lại, NATO sẽ phải trả một cái giá đắt theo đúng nghĩa đen. Lý dó là vì một số tình nguyện viên hoặc lính đánh thuê, nhất là những người có chuyên môn cao, chẳng hạn như phi công chiến đấu có thể đòi hỏi tiền lương rất cao lên tới hàng triệu đô một năm. Và đó cũng là cách duy nhất để thuyết phục những người quân nhân từ bỏ sự nghiệp đầy hứa hẹn ở NATO để chuyển sang làm lính đánh thuê không danh không phận.
Ngoài ra, Ukraina không thể tiến hành chiến tranh một cách hiệu quả nếu không tấn công các căn cứ hậu cần, kho bãi và nhà máy của Nga không chỉ ở Crimea (Crưm). Thực tế, họ đã cố gắng làm vậy nhưng nước này có quá ít vũ khí để thực hiện một chiến dịch quy mô lớn và bền vững. Mặc dù NATO vẫn có thể duy trì chính sách can dự gián tiếp bằng cách không triển khai tên lửa của mình nhắm vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, nhưng họ sẽ phải làm gì đó để tạo điều kiện cho Kiev. Về cơ bản, tên lửa hành trình giá rẻ hoặc máy bay không người lái cảm tử sẽ là những phương án phù hợp. NATO có thể sản xuất các bộ phận và linh kiện với số lượng lớn, sau đó đưa đến Ukraina để lắp ráp thành phẩm. Nhờ đó, Kiev sẽ mặc nhiên sở hữu những vũ khí gắn mác Made in Ukraina với chất lượng Phương Tây và thoải mái sử dụng trong khi NATO không phải nhận cáo buộc gây leo thang căng thẳng.
IV. Cách NATO giúp đỡ Ukraina về mặt con người
Thế nhưng, suy cho cùng thì với tất cả khả năng trinh sát hay hỏa lực mạnh mẽ được được bổ sung thì những con người phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, trực tiếp đối diện với hiểm nguy ngoài tiền tuyến vẫn là binh sĩ Ukraina.
Mặc dù Kiev đang gặp rắc rối về nhân lực nhưng đây là vấn đề mà tiền có thể giải quyết được. Trong một buổi họp báo vào hồi cuối năm 2023, Tổng thống Zelensky đã nói rằng quân đội Ukraina cần huy động thêm nửa triệu binh sĩ nữa và điều này sẽ tiêu tốn khoảng 12 tỷ euro. Cùng với đó, khi xét đến rằng cần sáu dân thường Ukraina nuôi một lính thì nước này sẽ phải có thêm ba triệu lao động làm việc để trả lương cho quân số bổ sung.
Theo một số chuyên gia, giải pháp cho vấn đề này có thể là các nước Phương Tây tiếp quản hoàn toàn nền kinh tế tài chính của Ukraina cũng như gửi thêm nhiều lương thực, nhu yếu phẩm và tiền bạc. Nhờ đó, sẽ có ít người Ukraina cần phải làm việc để duy trì quân đội hơn, dẫn đến nhiều người sẵn sàng chiến đấu hơn. Vì vậy, đây sẽ là một nỗ lực tốn kém nhưng nếu đem so sánh với số tiền mà Phương Tây từng đổ vào các cuộc chiến trong quá khứ thì còn lâu mới bằng. Quan trọng hơn, động thái này nhắm đến mục đích xa hơn là xây dựng lực lượng một cách chậm rãi và chắc chắn, để rồi cuối cùng khiến người Nga kiệt sức.
Thực sự mà nói, tình hình đang hết sức nhạy cảm và đây là phương án khả thi duy nhất vì bất kỳ một hành động leo thang căng thẳng nhanh chóng và đột ngột nào cũng có thể dẫn đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Trái lại, nếu như Moskva phải đối mặt với những thay đổi dần dần trên mặt trận được thực hiện trong thời gian dài, vài năm chẳng hạn, thì họ sẽ khó mà tìm ra cái cớ để biến lời đe dọa của mình thành sự thật. Vậy nếu NATO công khai gửi hàng trăm ngàn quân của mình tới Ukraina thì sao?
Không khó để khẳng định đây chắc chắn là các chiến binh tinh nhuệ hơn rất nhiều những con người mà ông Zelensky đang có và họ sẽ giúp mang lại một chút tiến bộ trên chiến trường. Sự khác biệt lớn nhất là thay vì chuẩn bị dần dần trong nhiều năm, một cuộc tấn công tấn công tổng lực của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương sẽ chỉ cần nửa năm để sẵn sàng tiến hành. Đương nhiên, nhược điểm của hoạt động quân sự kiểu như vậy này là mối đe dọa hạt nhân sẽ hiện hữu rõ ràng hơn bao giờ hết, dư luận trong nước nổi sóng vì không thể chấp nhận hàng trăm nghìn nhân mạng bị thiệt hại trong thời gian ngắn và kho vũ khí gần như trống rỗng sau một chiến dịch. Đó là lý do mà nó khó có khả năng xảy ra. Thay vào đó, tấn công gián tiếp và tiết kiệm nguồn lực để đối phó với những kẻ thù đang ngồi im chờ thời cơ đục nước béo cò, như Trung Quốc chẳng hạn, sẽ là một lựa chọn khôn ngoan hơn rất nhiều.
Và vừa rồi là những phân tích của KTQS về những cách mà NATO có thể dùng để can thiệp quân sự sâu hơn vào chiến sự ở Ukraina và giúp quân đội Kiev chống lại người Nga. Theo quý vị và các bạn, liệu họ sẽ hành động như thế nào trong thời gian sắp tới? Mức độ hiệu quả ra sao? Đồng thời, ở bên kia chiến tuyến, Moskva sẽ làm gì để đối phó và một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba có thể diễn ra hay không? Hãy đừng ngần ngại để lại ý kiến của mình bên dưới phần bình luận.