Đây, là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, một trong những quốc gia bị trừng phạt, cô lập và gặp thách thức về kinh tế bậc nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, bất chấp tình trạng nghèo khó, họ vẫn đang không ngừng mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình, từ khoảng 30 đầu đạn tính đến tháng 1 năm 2023 lên tới 200 vào năm 2027.
Không chỉ nhiều, vũ khí hạt nhân của Triều Tiên còn tỏ ra khá chất lượng với sức công phá từ 100 đến 300 kiloton, gần tương đương với bom B61 của Hoa Kỳ. Ngoài ra, nước này có thể đã lắp ráp được 20 – 30 đầu đạn phóng bằng tên lửa đạn đạo tầm trung.
Tất cả những điều này đã đặt ra một câu hỏi: Trong điều kiện kinh tế yếu kém và tách biệt với thế giới, thì tiền cho chương trình hạt nhân của Triều Tiên đến từ đâu?
Nội dung bài viết
I. Khái quát về cách kiếm tiền của Triều Tiên
Trong con mắt của Phương Tây, Triều Tiên dù tuyên bố là một quốc gia theo chủ nghĩa xã hội, thế nhưng thực chất lại là một nước tư bản. Lý do là bởi chế độ của họ được thiết kế và vận hành với mục đích giữ cho tiền tài chỉ chảy theo một hướng duy nhất, đó, là vào túi Kim Jong Un và các thuộc hạ của ông ta.
Mặc dù vậy, không may cho chế độ này, các đợt trừng phạt liên tiếp của Liên Hiệp Quốc đã khiến việc điều hướng dòng tiền trở nên khó khăn hơn. Bị cấm vận và cô lập có nghĩa là Triều Tiên không thể bán những mặt hàng có giá trị nhất của mình như than đá, quặng sắt và kẽm một cách hợp pháp. Việc thiếu kết nối với thị trường quốc tế khiến Bình Nhưỡng mất đi nguồn ngoại tệ quan trọng, đặc biệt là đô la Mỹ mà họ cần để mua hàng hóa từ nước ngoài.
Để giải quyết vấn đề đó, Triều Tiên đã thành lập Cục 39 – một cơ quan bí mật đặc trách việc duy trì quỹ ngoại tệ cho lãnh đạo đất nước. Một số nguồn tin không chính thức cho rằng Cục 39 đi vào hoạt động từ đầu những năm 1970 và kể từ đó, họ đã kiếm tiền về cho chế độ bằng nhiều hoạt động bất hợp pháp khác nhau. Tầm quan trọng của tổ chức này lớn đến mức, theo những người đào tẩu khỏi Triều Tiên nhấn mạnh, tiêu diệt nó đồng nghĩa với việc giết chết lãnh tụ và giới tinh hoa của nước này. Năm 2013, truyền thông Hàn Quốc đưa tin rằng ông Kim Jong Un, con trai Chủ tịch Triều Tiên lúc ấy là Kim Jong Il, đang cất giữ số tài sản trị giá 5 tỷ USD ở bảy quốc gia khác nhau, qua đó cho thấy Cục 39 đã thành công phần nào trong việc né tránh các lệnh trừng phạt quốc tế và giữ tiền tiếp tục chảy vào túi nhà họ Kim.
Với việc đảm nhận trọng trách to lớn như vậy, tổ chức này đương nhiên có một vị trí vững chắc ở cao tầng của Đảng Lao động cũng như trong hệ thống phân cấp của nhà nước Triều Tiên. Không chỉ nắm trong tay “quỹ đen” của chế độ, Cục 39 còn có quyền kiểm soát Ban Chỉ đạo và Tổ chức Quốc gia, vốn là một cơ quan thuộc Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên có trách nhiệm thực hiện các chỉ thị và lời dạy của các lãnh tụ Kim Nhật Thành và Kim Jong Il. Có thể thấy, quyền lực của Cục 39 không chỉ bao phủ kinh tế mà còn mở rộng ra cả lĩnh vực tư tưởng, cũng tức là có tầm ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của xã hội Triều Tiên. Do đó, khi thực hiện nhiệm vụ của mình, cơ quan này được phép thực thi nhiều hoạt động bất hợp pháp mà không bị lên án. Bên cạnh đó, hàng ngũ của Cục 39 được cho là bao gồm các quan chức nhà nước, thường dân và thậm chí là cả người nước ngoài. Đối với nhân viên là công dân Triều Tiên, những người này đều thuộc tầng lớp tinh anh có đặc quyền nhất ở đất nước, khiến cho các vị trí công việc trong cơ quan có tính cạnh tranh rất cao. Một số tin đồn cho rằng bà Kim Yo Jong, em gái của đương kim Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un chính là người đứng đầu Cục 39.
Năm 2007, dữ liệu thành phố của Bình Nhưỡng đã bị rò rỉ và tuồn ra khỏi đất nước. Nó tiết lộ rằng rằng trụ sở chính của Cục 39 nằm gần những vị trí quyền lực nhất đất nước ở ngay trung tâm thủ đô. Tòa nhà chia làm sáu phòng ban với tổng số nhân viên lên tới hàng ngàn người, và đó mới là chỉ tính riêng số lượng được tuyển dụng ở Bình Nhưỡng. Họ được cấp cho phương tiện đi lại, có sân golf riêng để giải trí, một trang trại đà điểu riêng cung cấp thực phẩm, gửi tiền ở ngân hàng riêng và con cái họ không phải học chung trường mẫu giáo với những đứa trẻ khác. Từ trụ sở này, Cục 39 điều khiển hoạt động của hàng trăm cá nhân và công ty trải khắp Triều Tiên. Họ kiểm soát việc khai thác quặng sắt, kim cương, than đá, dệt may và tập trung chủ yếu vào xuất khẩu hàng hóa cũng như tìm kiếm nguồn ngoại hối thông qua buôn bán hàng trắng, lao động cưỡng bức, buôn lậu, gian lận bảo hiểm và hầu hết mọi loại hoạt động bất hợp pháp khác có quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, bất chấp tất cả những điều đó, cái tên Cục 39 chưa bao giờ được nhắc tới công khai bên ngoài lãnh thổ Triều Tiên, nhờ vậy cơ quan này trở nên vô hình trước các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, đồng thời có thể giấu kín danh tính các nhân viên đang làm việc cho nó. Theo Giáo sư Remco Breuker, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Leiden, Hà Lan, Cục 39 ở bên ngoài Triều Tiên không được gọi là Cục 39, vì vậy rất khó áp dụng biện pháp trừng phạt lên một thực thể mà trên danh nghĩa là không tồn tại.
II. Buôn bán ma túy
Như đã nói, một trong các phương thức kiếm tiền của Cục 39 là buôn bán “cái chết trắng”. Tuy nhiên, do đây là một vấn đề nhạy cảm và ít thông tin cụ thể nên KTQS sẽ chỉ nói ngắn ngọn.
Từ khi đi vào hoạt động từ đầu những năm 1970, Cục 39 phải nói là vô cùng tích cực đẩy mạnh sản xuất và buôn bán hàng trắng trên quy mô lớn. Theo chính phủ Mỹ, từ năm 1976 đến năm 2003, Triều Tiên đã dính líu tới hơn 50 vụ việc được xác minh ở ít nhất 20 quốc gia, phần lớn trong số đó liên quan đến các quan chức và nhân viên ngoại giao của nước này. Mặc dù vậy, sự kiện nổi tiếng nhất về hoạt động mua bán “cái chết trắng” của Triều Tiên chính là vụ tàu hàng Pong Su của nước này đã cố gắng đưa 50kg bạch phiến vào Australia hồi tháng 4 năm 2003. Được biết, số “bánh khảo” đó có giá trị thị trường khoảng 50 triệu USD và lý do cho cái giá trên trời như vậy là bởi chúng có độ tinh khiết sánh ngang với đá xanh của thầy Bạch trong phim Breaking Bad. Không may cho nó, phi vụ đã thất bại. Tàu Pong Su sau đó đã cố gắng chạy thoát nhưng sau bốn ngày, nó cuối cùng đã bị Cảnh sát Liên bang và lực lượng đặc nhiệm của Australia bắt giữ.
Kể từ khoảng năm 2010 đến nay, các thông tin từ Bộ Ngoại giao và Cơ quan DEA của Hoa Kỳ cho biết hoạt động buôn bán hàng trắng thực hiện trực tiếp bởi Triều Tiên đã giảm mạnh. Thế nhưng, nhìn từ một góc độ khác, điều này có thể đồng nghĩa với việc Bình Nhưỡng đã học được cách che giấu dấu vết tội phạm của mình. Cùng với đó, trong bối cảnh thiếu thông tin nội bộ đáng tin cậy, mức độ sản xuất và buôn bán “cái chết trắng” của Triều Tiên hiện nay vẫn còn là một điều bí ẩn.
III. Làm tiền giả và rửa tiền
Bên cạnh buôn lậu và ma túy thì từ lâu, làm tiền giả và rửa tiền là một trong những hoạt động kinh doanh chính của Cục 39.
Ông Koh Young Hwan, một cựu quan chức ngoại giao Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc vào năm 1991 đã cáo buộc rằng từ những năm 1980, Cục 39 đã thiết lập đường dây làm tiền giả ở Kinshasa, thủ đô của Cộng hòa Dân chủ Congo. Cụ thể. Triều Tiên đã thay đổi số 1 được in trên tờ một đô và thay thế bằng mệnh giá 100. Để rửa tiền, người Triều Tiên đã đổi đô la Mỹ giả lấy nội tệ Congo thông qua các đại lý bất hợp pháp. Tiền địa phương sau đó được gửi vào ngân hàng, đổi lại bằng đô la Mỹ thật và mang về trụ sở của Cục 39 ở Bình Nhưỡng bởi Young Hwan cùng các đồng sự của ông ta. Qua thời gian, những nỗ lực làm tiền giả của tổ chức này ngày càng tinh vi hơn và cuối cùng, Triều Tiên đã sản xuất ra những tờ 100 đô la có chất lượng cao đến mức chỉ những chuyên gia được đào tạo chuyên nghiệp mới có thể phân biệt. Thậm chí chúng đã được Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ, lực lượng chịu trách nhiệm bảo vệ sự toàn vẹn của đồng đô la và điều tra các tội ác chống lại hệ thống tài chính nước Mỹ, gọi là “supernote”, hay siêu tiền giả.
Không chỉ ở Congo, những tờ tiền giả này đã được tìm thấy ở nhiều quốc gia khác nhau như Iran, Li-băng, Nga, Trung Quốc, Campuchia và Ireland. Cho đến hiện nay, vẫn không có thống kê nào đáng tin cậy về số lượng tiền giả mà Triều Tiên đã sản xuất, Tuy nhiên, trong phân tích chi tiết về hoạt động tội phạm của nước này, Tiến sĩ Sheena Chestnut Greitens ước tính rằng có khoảng từ 15 triệu đến 250 triệu USD tiền giả được sản xuất mỗi năm, trước khi họ từ bỏ để chuyển sang các hoạt động tội phạm khác. Liệu nhà nước Triều Tiên có liên quan trực tiếp hay không? Và làm thế nào để có được những máy in tinh vi cần thiết vẫn chưa rõ ràng bởi như Tiến sĩ Greitens lưu ý, phần lớn chi tiết về hoạt động làm giả bị cáo buộc của Triều Tiên đến từ những người đào thoát cấp cao mà tài khoản của họ không thể được xác minh.
IV. Buôn lậu vũ khí
Ngoài ra, Cục 39 cũng nhúng tay vào hoạt động buôn lậu vũ khí quy mô lớn.
Một số khách hàng lớn nhất của Triều Tiên là Iran, Hezbollah, Hamas, Myanmar và Syria. Trong đó, Syria là quốc gia đã có tình bạn lâu đời với nhà họ Kim khi từ những năm 1960, Chủ tịch Kim Nhật Thành và Tổng thống Hafez al-Assad, cha của Tổng thống đương nhiệm Bashar al-Assad đã là những người bạn thân. Trong cuộc chiến tranh Ả Rập – Israel những năm 1960 và 1970, các phi công Triều Tiên đã thực hiện các nhiệm vụ cùng Lực lượng Không quân Syria. Sau đó, các kỹ thuật viên Triều Tiên đã giúp phát triển kho tên lửa đạn đạo của Syria và xây dựng một nhà máy điện hạt nhân có khả năng sản xuất plutonium, chất có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân. Thêm vào đó, như một bằng chứng cho mối quan hệ thân thiết giữa Damascus và Bình Nhưỡng, theo Bruce Bechtol, cựu chuyên gia phân tích về Triều Tiên tại Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ, Triều Tiên đã cung cấp sự đào tạo và hỗ trợ cho chương trình vũ khí hóa học của Syria, ít nhất là từ những năm 1990.
Đến năm 2011, vào thời điểm cuộc nội chiến ở Syria bắt đầu, đã có những nghi ngờ rằng Triều Tiên đang gửi thiết bị và chia sẻ kiến thức chuyên môn để duy trì chương trình vũ khí hóa học của Tổng thống Assad. Bảy năm sau, báo cáo của các chuyên gia Liên Hiệp Quốc đã cho thấy Triều Tiên sử dụng tàu hàng mang cờ và tên giả, hoạt động dưới danh nghĩa các công ty bình phong để vận chuyển vũ khí đến các bạn hàng của mình, bao gồm cả Damascus. Một số mặt hàng có thể kể đến là gạch chống axit, van và nhiệt kế – những vật liệu và thiết bị thường được sử dụng trong xây dựng nhà máy sản xuất chất hóa học. Con tàu được cho là có liên kết với một công ty thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Syria SSRC, vốn là cơ quan giám sát các chương trình vũ khí hóa học và tên lửa đạn đạo của nước này. Thậm chí, các kỹ thuật viên tên lửa của Triều Tiên cũng bị phát hiện đang làm việc tại một số cơ sở chế tạo vũ khí bên trong lãnh thổ Syria.
Theo các chuyên gia, sự giúp đỡ của Triều Tiên trong việc trang bị vũ khí Syria là rất quan trọng đối với chiến thắng của chính quyền Tổng thống Assad trong Nội chiến Syria. Gần đây hơn, Triều Tiên đã cung cấp cho Nga đạn pháo và tên lửa mà nước này rất cần cho cuộc chiến ở Ukraina. Đổi lại, Triều Tiên có thể nhận được sự nâng cấp cần thiết cho lực lượng không quân lỗi thời của mình. Có thể nói, cuộc chiến ở Ukraina và lò lửa Trung Đông đang bùng cháy chính cơ hội mở rộng hoạt động buôn lậu vũ khí của Cục 39.
V. Gian lận bảo hiểm
Không chỉ có vậy, cơ quan này cũng kiếm tiền phi pháp thông qua gian lận bảo hiểm.
Theo đó, Cục 39 đã thành lập nhiều chi nhánh trên khắp thế giới và ký hợp đồng với các công ty bảo hiểm lớn ở Châu u. Một trong những phương pháp lừa đảo ưa thích của họ là tái bảo hiểm cho các máy bay trực thăng Mi-8 sắp hết tuổi thọ của mình. Lúc đầu, Cục thanh toán phí hàng tháng theo đúng thỏa thuận nhưng sau đó phá hủy các máy bay để thu tiền bảo hiểm. Bên cạnh đó, hỏa hoạn, những sơ suất trong quá trình vận chuyển và thảm họa tự nhiên như lũ lụt cũng là những phương thức nhận tiền bồi thường bất hợp pháp được Cục 39 ưa chuộng. Thông qua nguồn tin từ công ty bảo hiểm, những người đào thoát khỏi Triều Tiên và cơ quan thực thi pháp luật, các chuyên gia tin rằng Bình Nhưỡng đã hút về hàng trăm triệu đô la từ các phi vụ lừa đảo bảo hiểm do Cục này thực hiện.
VI. Tội phạm mạng
Chưa dừng lại ở đó, tội phạm mạng cũng là một phần quan trọng trong hoạt động của Cục 39.
Ngay từ những năm 1980, Triều Tiên đã nhận ra tầm quan trọng của máy tính và vì vậy, chính phủ nước này đã lựa chọn tin tặc ngay từ khi còn nhỏ từ những học sinh tài năng nhất xuất thân từ tầng lớp thượng lưu ở Bình Nhưỡng. Sau đó họ được huấn luyện kỹ năng máy tính trong hệ thống internet khép kín của đất nước và cuối cùng, những người giỏi nhất sẽ được tuyển dụng vào Cục 39. Ngoài ra, theo các nhà giám sát lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, tội phạm mạng của Triều Tiên được thực hiện bởi những nhóm như Lazarus, Andariel và Kimsuky dưới sự kiểm soát của cơ quan tình báo nước này là Tổng cục Trinh sát.
Năm 2014, vụ tội phạm mạng nổi tiếng nhất liên quan đến tin tặc Triều Tiên xảy ra khi một nhóm tự xưng là “Những người bảo vệ hòa bình” tấn công Sony Pictures, nhà phát hành bộ phim The Interview, một phim hài về âm mưu ám sát ông Kim Jong Un. Các cuộc tấn công đã thành công trong việc hạn chế sự xuất hiện của The Interview và ngăn chặn việc bộ phim được phổ biến rộng rãi. Thế nhưng đây chỉ là một con số nhỏ so với mức độ tội phạm mạng rộng lớn của Triều Tiên.
Ba năm sau vụ Sony Pictures, một cuộc tấn công mạng quy mô lớn diễn ra sử dụng mã độc WannaCry, khiến hơn 300.000 máy tính ở 150 quốc gia khác nhau bị lây nhiễm, gây ra thiệt hại có thể lên tới hàng tỷ USD. Thủ phạm của vụ tấn công đã ra yêu sách mỗi máy tính bị lây nhiễm virus phải thanh toán tiền chuộc 300 – 600 USD bằng Bitcoin. Vào thời điểm đó, từ đánh giá sơ bộ về loại mã độc này, các chuyên gia bảo mật Phương Tây tin rằng cuộc tấn công có nguồn gốc từ Triều Tiên hoặc các cơ quan làm việc cho nước này. Vào tháng 12 năm 2017, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh chính thức khẳng định rằng Triều Tiên đứng sau vụ tấn công.
Như đã nói, các hacker đứng sau vụ WannaCry đã yêu cầu nạn nhân thanh toán tiền chuộc bằng Bitcoin, vốn là một loại tiền được mã hóa và đây cũng là một đối tượng được nhắm đến bởi chương trình tội phạm mạng của Cục 39. Theo các giám sát viên Hàn Quốc, kể từ năm 2017 đến 2023, các tin tặc có quan hệ với chính phủ Triều Tiên đã đánh cắp tài sản ảo có tổng trị giá 1,2 tỷ USD, trong đó riêng năm 2022 con số này là 630 triệu. Vào tháng 5 năm 2023, bà Anne Neuberger, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia về Công nghệ Mạng và Công nghệ Mới của Nhà Trắng, tuyên bố rằng các hoạt động tội phạm mạng của Triều Tiên đang tài trợ cho một nửa chương trình tên lửa của nước này, qua đó cho thấy tầm quan trọng của tin tặc thuộc Cục 39 đối với chế độ. Điều ấn tượng nhất là Triều Tiên chỉ có khoảng 1.000 địa chỉ IP đang hoạt động và với cơ sở hạ tầng internet hạn chế như vậy, họ vẫn có khả năng gây ra thiệt hại nghiêm trọng ở nước ngoài, chứng tỏ kỹ năng của tin tặc Triều Tiên và tính hiệu quả của Cục 39 trong việc đào tạo.
VII. Hoạt động kiếm tiền công khai
Tuy nhiên, chính quyền Bình Nhưỡng không phải lúc nào cũng kiếm tiền bằng các hoạt động trong bóng tối. Song song với những hoạt động ngầm của Cục 39, họ cũng đã tìm ra phương pháp công khai và sáng tạo để lách các lệnh trừng phạt.
Năm 2015, Triều Tiên đã tài trợ và xây dựng Bảo tàng Toàn cảnh Angkor ở Siem Reap (Xiêm Riệp), Campuchia. Nó được tạo ra bởi bàn tay của các nghệ sĩ thuộc Xưởng Nghệ thuật Vạn Thọ Đài của Bình Nhưỡng, nơi chịu trách nhiệm cho ra đời tất cả các tác phẩm nghệ thuật tuyên truyền ở Triều Tiên, chẳng hạn như hai bức tượng khổng lồ bằng đồng của các cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và Kim Jong Il. Đổi lại, Triều Tiên sẽ thu được tất cả lợi nhuận mà nó tạo ra trong 10 năm đầu tiên. Sau khi thời hạn đó kết thúc, Triều Tiên và Campuchia sẽ chia đều số tiền thu được. Bên cạnh đó, Nhóm Dự án Hải ngoại Vạn Thọ Đài đang được nhận được đề nghị từ khắp nơi trên thế giới để tạo ra những công trình nghệ thuật hoành tráng và mang tính tuyên truyền, chẳng hạn như hai bức tượng của cố Tổng thống Zimbabwe là Robert Mugabe trị giá 5 triệu USD.
Đây cũng không phải những ví dụ duy nhất về các hoạt động kiếm tiền hợp pháp của Bình Nhưỡng mà cùng với đó, họ cũng đã dấn thân vào ngành công nghiệp thực phẩm và dịch vụ ăn uống. Theo đó, Triều Tiên đã thành lập hơn 100 nhà hàng ở nước ngoài với nhân viên phục vụ thường là phụ nữ có ngoại hình hấp dẫn được chọn bao gồm sinh viên đến từ Vạn Thọ Đài hoặc các gia đình trung thành với chế độ. Thế nhưng, bất chấp nhân thân tốt thì về cơ bản, họ bị đối xử không khác gì tù nhân và bất kỳ nỗ lực trốn thoát nào cũng sẽ gây ra hậu quả tương tự như cố gắng vượt biên khỏi chính Triều Tiên. Ngoài ra, nhiều người Triều Tiên, chủ yếu là phụ nữ đã được đưa đến làm việc trong các công xưởng dệt may ở Trung Quốc và chịu sự đối xủ giống như những nhân viên nhà hàng vừa được nêu. Các nhân công này được nhiều công ty dệt may Trung Quốc ưa chuộng vì không cần trả lương nhiều như lao động trong nước. Mặc dù vậy, nhằm nhấn mạnh cam kết tuân thủ các chuẩn mực và nguyên tắc quốc tế, nhiều quốc gia đã cho đóng cửa các cơ sở kinh doanh của Bình Nhưỡng trên lãnh thổ nước mình. Ví dụ như vào năm 2019, Phnôm Pênh đã ra lệnh chấm dứt hoạt động của Bảo tàng Toàn cảnh Angkor và nhiều nhà hàng ở nước mình, đồng thời cho 115 công nhân viên Triều Tiên hồi hương.
Song song với việc thiết lập hoạt động kinh doanh, Triều Tiên cũng nhận gia công hàng hóa cho nước ngoài. Ví dụ, theo một cuộc điều tra do chuyên gia về Triều Tiên, Giáo sư Remco Breuker tiến hành, các công ty dệt may Trung Quốc sẽ nhận đơn đặt đặt hàng từ các thương hiệu thời trang quốc tế, sau đó thuê xưởng của Triều Tiên sản xuất rồi bằng một số phép biến hóa đơn giản, các pháp sư Trung Hoa đã có sản phẩm may mặc xuất khẩu ra nước ngoài dưới cái mác Made in China nhưng trên thực tế, chúng được làm ra bởi lao động Triều Tiên. Một số người đào thoát Bắc Triều Tiên từng bị giam trong các trại tập trung cũng nói rằng họ bị buộc phải gia công hàng dệt may để xuất khẩu.
Không chỉ có vậy, Cục 39 còn cử người Triều Tiên ra nước ngoài thực hiện nhiều dự án xây dựng khác nhau, một số thậm chí còn diễn ra ở Liên minh Châu u. Những người đàn ông này làm việc theo ca dài tới 20 giờ một ngày, tất cả đều chịu sự giám sát chặt chẽ của các đặc vụ chính phủ và chỉ được đồng lương bèo bọt khoảng 120 đến 150 USD mỗi tháng. Phần tiền còn lại từ phía đầu tư, đương nhiên, chảy vào túi nhà nước. Theo Marzuki Darusman, phóng viên đặc biệt về tình hình nhân quyền ở Triều Tiên của Liên Hiệp Quốc, vào năm 2015, có hơn 50.000 công nhân Triều Tiên lao động ở nước ngoài, tạo ra khối tài sản khoảng 1,5 tỷ euro mỗi năm cho chính quyền Bình Nhưỡng và con số đã tăng lên kể từ đó. Năm 2019, theo báo cáo ước tính có 80.000 lao động Triều Tiên ở Trung Quốc, 40.000 người ở Nga và nhiều hơn nữa đang rải rác ở các khu vực từ Đông Nam Á, Châu Phi cho đến Peru. Tổng cộng, hiện có tới 150.000 người Triều Tiên có thể đang làm việc ở nước ngoài, đồng nghĩa với công việc kinh doanh của Cục 39 đã đạt thành công lớn.
Thêm vào đó, người Triều Tiên thậm chí còn sáng tạo trong cách họ sử dụng đại sứ quán và lãnh sự quán. Ví dụ, họ đã xây khách sạn trong khuôn viên đại sứ quán của mình ở Berlin một khách sạn gọi là City Hostel Berlin dành cho khách du lịch. Tuy nhiên, chính quyền Đức đã ngăn chặn hoạt động này theo các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc và nỗ lực này chỉ thành công vào năm 2020. Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng cũng sử dụng các kênh ngoại giao của mình theo những cách quan trọng khác, không chỉ để kiếm tiến mà còn để luân chuyển dòng tiền. Đối với Triều Tiên, giá trị mà hoạt động này đem lại là gần như không thể đong đếm bởi dành cho những ai chưa biết, vận chuyển một lượng lớn ngoại tệ bằng tiền mặt qua các cảng hàng không là chuyện vô cùng khó khăn. Với tấm hộ chiếu ngoại giao, các nhân viên thuộc Cục 39 làm việc tại lãnh sự quán và đại sứ quán Triều Tiên có thể mang tiền về nước mà không thể bị hải quan ngăn cản. Để rồi, khi trở lại thủ đô Bình Nhưỡng, một phần số tiền đó sẽ đổ vào ngân sách của các chương trình vũ khí hạt nhân.
Theo những người đã đào thoát khỏi Triều Tiên, các lệnh trừng phạt quốc tế mặc dù là trở ngại nhưng lại không có đủ tác động để ngăn chặn khả năng kiếm tiền của chính quyền họ Kim. Điều này càng đặc biệt đúng khi Trung Quốc và Nga không hề tích cực thực thi các lệnh trừng phạt, thậm chí cả hai nước cũng đã ngăn chặn việc áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung. Giờ đây, với quan hệ mua bán vũ khí ngày càng thắt chặt giữa Moskva với Bình Nhưỡng nhằm đáp ứng nhu cầu của cuộc chiến ở Ukraina, Cục 39 thậm chí sẽ có nhiều thị trường hơn để bán vũ khí cũng như các biện pháp né tránh các lệnh trừng phạt quốc tế học được từ người Nga. Tiền vẫn sẽ tiếp tục về và kho đồ chơi hạt nhân của ông Kim Jong Un vẫn sẽ không ngừng mở rộng.
Vậy quý vị và các bạn có cảm nhận gì về mạng lưới tài chính bí mật của Triều Tiên? Phương Tây nên áp đặt các lệnh trừng phạt như thế nào để có hiệu quả hơn, nhất là khi Moskva, Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đang xích lại gần nhau hơn? Hãy đừng ngần ngại để lại ý kiến bên dưới phần comment để cùng tham gia bàn luận với những người khác.