Đây là bà Lê Thị Thu Thủy, một cánh tay đắc lực của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và được mệnh danh là “Nữ hổ tướng ngành ô tô Việt Nam”.
Vào ngày 15 tháng 8 năm 2023, vị nữ phó tướng này đã rung chuông ra mắt và đưa VinFast trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên niêm yết trên sàn Nasdaq.
Kết thúc phiên giao dịch, cổ phiếu VinFast vượt lên trên ngưỡng 37 USD, giúp vốn hóa công ty tăng trưởng đầy ấn tượng.
Chiếu video
Mặc dù rất tham vọng chinh phục thị trường toàn cầu song sức mạnh thực tế của VinFast vẫn vấp phải nhiều hoài nghi.
Nội dung bài viết
I. Đường đến NASDAQ
VinFast được thành lập vào năm 2017 bởi Vingroup, một tập đoàn đa ngành, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản và bán lẻ.
Người sáng lập, đồng thời cũng là Chủ tịch Tập đoàn hiện nay, là ông Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất Việt Nam với tài sản ròng ước tính gần 5 tỷ USD. Năm 2017, ông Vượng quyết định thành lập một doanh nghiệp sản xuất ô tô mang tên VinFast.
Ý tưởng của cụm từ VinFast là “Việt Nam – Phong cách – An toàn – Sáng tạo – Tiên phong”, có lẽ thể hiện rõ mong muốn phát triển ngành công nghiệp sản xuất ô tô tại Việt Nam.
VinFast bắt đầu bằng việc sản xuất ô tô chạy bằng xăng, với hai dòng sản phẩm nổi bật nhất là Fadil và Lux.
Vào cuối năm 2021, công ty bất ngờ trình làng chiếc xe điện đầu tiên mang tên VF e34. Giá niêm yết khi đó của cả xe và pin rơi vào khoảng 900 triệu đồng, tương đương 30.000 USD.
Đầu năm 2022, VinFast đưa ra một quyết định chiến lược là loại bỏ việc sản xuất ô tô động cơ đốt trong và tập trung hoàn toàn vào xe điện. Song hành cùng sự chuyển hướng đó là mục tiêu vươn ra khỏi biên giới Việt Nam. Đây là một mục tiêu phù hợp, bởi nếu xét về quy mô thì thị trường trong nước vẫn còn quá nhỏ.
Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt xấp xỉ 8 triệu đồng một tháng. Với mức thu nhập này, rõ ràng phần đông người dân sẽ không có đủ khả năng để sở hữu cho mình một chiếc ô tô. Vì vậy, dù dân số đã vượt mốc 100 triệu người, song doanh số bán ô tô trong năm 2022 chỉ đạt hơn 500.000 chiếc. Đó là một kỷ lục của nền công nghiệp xe hơi Việt Nam.
Tuy nhiên, khi so sánh với con số gần 14 triệu chiếc bán ra mỗi năm tại Mỹ, mức kỷ lục trên vẫn còn rất khiêm tốn. Do đó, để trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu, VinFast buộc phải mở rộng kinh doanh ra nước ngoài. Và họ chọn Mỹ là một trong những điểm đến đầu tiên. VinFast mở phòng trưng bày ở California và chấp nhận đặt chỗ từ khách hàng. Họ cũng vận chuyển 999 ô tô điện đến Bờ Tây của Mỹ vào tháng 11 năm 2022 và tiến hành giao đến tay khách hàng Mỹ chỉ 4 tháng sau đó.
Và không lâu sau, VinFast đã thành công gắn tên mình lên Nasdaq, một trong những sàn chứng khoán lớn nhất toàn cầu. Nỗ lực thâm nhập thị trường Mỹ của VinFast diễn ra chỉ trong 2 năm. Tuy nhiên, mọi chuyện có lẽ đã khó khăn hơn nhiều nếu không có nhân vật sau…
II. Bản chất của vụ niêm yết
Đây là Lawrence Ho, con trai “vua sòng bài” quá cố Stanley Ho, cũng là chủ tịch của Black Spade Capital. Ông được cho là nhân vật đã giúp VinFast niêm yết trên sàn Nasdaq, thông qua thương vụ sáp nhập với một công ty thuộc hệ sinh thái của mình là Black Spade Acquisition. Đó là một “công ty mua lại theo mục đích đặc biệt”, hay SPAC. Về bản chất, SPAC là một công ty vỏ bọc và không kinh doanh, mua bán bất kỳ hàng hóa hay dịch vụ nào. SPAC được lập ra nhằm một mục đích duy nhất là tìm và sáp nhập với một công ty đối tượng để đưa công ty đó lên sàn chứng khoán.
Trong trường hợp này, Black Spade đã hợp nhất với VinFast để đưa VinFast lên sàn Nasdaq. Sau thương vụ, SPAC sẽ nắm 1% cổ phần VinFast. 99% cổ phần còn lại được sở hữu bởi tập đoàn mẹ là Vingroup. Điều đáng nói là cổ đông của Black Spade đã nhanh chóng rút vốn bằng việc bán lại hơn 80% cổ phần của mình. Theo Reuters, số vốn bị rút ra có giá trị khoảng 147 triệu USD. Hành động này khiến số tiền VinFast huy động được từ thương vụ chỉ còn khoảng 28,5 triệu USD, một con số rất khiêm tốn so với tốc độ đốt tiền của họ.
Từ khi chuyển hoàn toàn qua sản xuất xe điện, VinFast ghi nhận hai khoản lỗ liên tiếp là gần 50.000 tỷ đồng và hơn 57.000 tỷ đồng lần lượt cho năm 2022 và 2023.
Điều đó có nghĩa VinFast đang đốt hơn 2 tỷ USD một năm. Cho đến nay, nguồn hỗ trợ chính của VinFast vẫn là Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng. Vào năm 2023, VinFast đã nhận được khoản tài trợ 500 triệu USD từ Vingroup, cùng hạn mức tín dụng 1 tỷ USD. Họ cũng được ông Vượng trợ lực 1 tỷ USD, tương đương khoảng 20% tài sản của ông. Điều này nâng tổng thanh khoản của VinFast lên mức 2,5 tỷ USD. Với tốc độ đốt tiền như trên, con số 2,5 tỷ USD nhận được từ Vingroup và ông Vượng có thể bốc hơi chỉ trong vòng một năm. Do đó có thể nói, thương vụ niêm yết thông qua SPAC chỉ đem về cho VinFast một số tiền rất nhỏ. Vậy còn mức định giá 85 tỷ USD sau ngày đầu niêm yết có ý nghĩa gì?
III. Mức định giá vô lý
Người Việt Nam có câu “một lần bất tín, vạn lần bất tin”. Tuy nhiên, câu nói ấy có lẽ không áp dụng cho các doanh nghiệp xe điện lên sàn tại Mỹ. Trong năm 2020 và 2021, rất nhiều công ty xe điện đã ra mắt công chúng với mức định giá vô lý. Điều này đã diễn ra không chỉ một lần.
Hãy nhìn vào 2 ví dụ sau của Lucid và Rivian. Trong năm 2021, cả hai doanh nghiệp xe điện này đều thực hiện niêm yết thông qua công ty rỗng, hay SPAC. Lucid và Rivian lần lượt được định giá ở mức cao ngất ngưỡng là 91 triệu USD và 121 triệu USD. Tuy nhiên, từ đó đến nay, giá trị của cả hai đều liên tục lao dốc. Việc sở hữu những mã cổ phiếu này rõ ràng là quyết định sai lầm của mọi nhà đầu tư.
Nói về trường hợp của VinFast, dù có là bước đột phá lớn của doanh nghiệp Việt đi nữa thì đợt niêm yết vừa qua khả năng cao sẽ tiếp nối trào lưu trên. Hãy nhìn vào diễn biến giá cổ phiếu VFS của VinFast trong 15 ngày đầu giao dịch trên sàn Nasdaq, tức từ ngày 15 đến ngày 31 tháng 8. Giá cổ phiếu đã nhảy vọt từ 22 USD một cổ phiếu khi chào sân lên gần 90 USD một cổ phiếu chỉ sau gần 2 tuần giao dịch. Điều này đã đẩy định giá thị trường dành cho VinFast vượt xa các hãng xe có tiếng khác như Mercedes-Benz, BMW, và Ford khi tăng từ 85 tỷ USD lên xấp xỉ 190 tỷ USD. Con số này lớn gấp gần 5 lần tổng vốn hóa của ba ngân hàng Vietcombank, BIDV và VietinBank trên sàn HoSE, tính đến hết tháng 2 năm 2024.
Tuy nhiên, chỉ hơn 1 tháng sau, mọi thứ đã xoay chiều đối với VinFast. Cổ phiếu VinFast đã chạm mức 7,49 USD vào ngày 11 tháng 10, kéo giá trị vốn hóa công ty hơn 10 lần, xuống còn 17,5 tỷ USD. Lý giải cho biến động mạnh trong thời gian ngắn này, nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân nằm ở khối lượng cổ phiếu được giao dịch tự do trên thị trường của VinFast là quá thấp. Trong hơn 2,3 tỷ cổ phiếu VFS được lưu hành, chỉ có khoảng 4,5 triệu cổ phiếu VFS được tự do giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ. Khi có quá ít số lượng cổ phiếu được tự do giao dịch thì chỉ một áp lực mua nhỏ cũng có thể đẩy giá cổ phiếu đó lên mức vô lý.
Do đó, con số định giá khổng lồ trong những ngày đầu giao dịch của VinFast không phản ánh bất kỳ giá trị thực hay sức mạnh tài chính nào cả. Nếu tạm gác lại kỳ vọng của thị trường, liệu VinFast có đang thực sự kinh doanh tốt?
IV. Vinfast trong nước
Đây là Trần Văn Hoàng, chủ kênh Youtube GoGo TV với hơn 600 nghìn người đăng ký.nVào năm 2021, Youtuber này dính vào vụ lùm xùm với VinFast sau khi đăng tải một video về mẫu xe Lux A2.0. Tuy nhiên, theo sau chia sẻ tích cực đó, người này tỏ ra thất vọng về chất lượng xe trên nhiều khía cạnh, từ lốp xe, cần gạt mưa, cho đến một số âm thanh kỳ lạ khi đạp phanh và mở cửa xe. Chỉ sau 2 tháng trải nghiệm, Hoàng đã phải mang xe đi sửa chữa hơn 10 lần.
Ngay lập tức, VinFast đã kiện Youtuber này vì hành vi “Thông tin sai sự thật, gây thiệt hại về uy tín và vật chất cho thương hiệu xe VinFast” và thành công yêu cầu việc gỡ bỏ video. Tuy nhiên, video của Hoàng nhanh chóng được đăng tải lại trên một số kênh khác. Chia sẻ của Hoàng có thể không đại diện cho trải nghiệm của toàn bộ người dùng Việt Nam. Nhưng cách VinFast mạnh tay xử lý những đánh giá trái chiều trên không gian mạng như trên lại vô tình ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của họ trong nước. Đã 2 năm trôi qua, có lẽ những video đánh giá như vậy đã không còn là điều VinFast quá quan tâm.
V. Vinfast ở Mỹ
Tháng 3 năm 2023, VinFast đã bàn giao những chiếc xe điện đầu tiên tại Mỹ. Tính đến tháng 3 năm 2024, tức một năm sau, VinFast hiện đang bán hai mẫu xe là VF8 và VF9 tại đây. Trong đó, phiên bản rẻ nhất là VF8 Eco, sở hữu phạm vi hoạt động 264 dặm và mức giá 46.000 USD. Vì lắp ráp tại Việt Nam nên xe điện VinFast không đủ điều kiện nhận khoản tín dụng thuế trị giá 7.500 USD theo đạo luật giảm lạm phát của Chính phủ Mỹ. VinFast đang xây dựng một nhà máy ở Bắc Carolina nhằm cho phép họ chạm tay đến khoản trợ giá đó. Tuy nhiên, theo kế hoạch mới nhất, phải đến năm 2025 thì nhà máy này mới chính thức đi vào hoạt động.
Để dễ hình dung, hãy làm một phép so sánh. Đây là chiếc xe điện ID.4 Pro của Volkswagen. Chiếc xe có phạm vi hoạt động là 275 dặm và được bán với mức giá khoảng 44.000 USD. Vì được lắp ráp tại Mỹ nên hãng xe Đức có thể khấu trừ khoản tín dụng thuế 7.500 USD vào giá bán của mẫu xe này. Điều này giúp giá bán thực tế của mẫu ID.4 Pro giảm xuống chỉ còn 36.500 USD, thấp hơn 20% so với mẫu VF8 Eco, nhưng lại sở hữu phạm vi hoạt động tốt hơn. Xe Model Y của Tesla cũng là một trường hợp tương tự, khi có phạm vi hoạt động vượt trội hơn là 310 dặm nhưng giá bán sau khi khấu trừ tín dụng thuế chỉ ở mức 32.000 USD.
Rõ ràng tính cạnh tranh của VinFast với các thương hiệu lớn tại Mỹ là khá thấp. Nếu bỏ qua vấn đề giá thành, liệu chất lượng xe có giúp VinFast thay đổi cục diện được không?
Khi nói đến những chiếc VF8 đầu tiên được bán ở Mỹ, các tạp chí đánh giá ô tô hàng đầu tại đây đều đưa ra nhận xét không mấy tích cực. Mặc dù đánh giá cao nỗ lực của VinFast, song hai tạp chí “Car And Driver” và Motor Trend lại cho rằng VF8 có nhiều lỗi và chưa đủ sức thuyết phục người dân Mỹ bỏ tiền ra mua. Tạp chí Road&Track và Jalopnik thậm chí còn tiêu cực hơn khi mô tả VF8 là “không thể chấp nhận” và khẳng định mẫu xe này chưa sẵn sàng cho thị trường Mỹ. Nếu dạo một vòng quanh các diễn đàn nổi tiếng như reddit, bạn cũng sẽ bắt gặp khá nhiều đánh giá không tốt về VF8 nói riêng và VinFast nói chung. Điểm chung của những bình luận này đều nhắm vào các lỗi kỹ thuật của xe, bao gồm sự cố với hệ thống làm lạnh hay tính năng hỗ trợ người lái bằng giọng nói. Một số còn than phiền về trục trặc với màn hình điều khiển. Tồi tệ hơn, vào tháng 5 năm 2023, chỉ 2 tháng sau lần giao xe đầu tiên, VinFast buộc phải thu hồi toàn bộ 999 xe VF8 do lỗi phần mềm trên màn hình hiển thị thông tin. Theo Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường bộ Quốc gia Mỹ, trục trặc này có thể làm tăng nguy cơ va chạm, bởi người lái xe không thể nhìn thấy các thông tin quan trọng trong khi lái.
Việc một hãng xe phải thu hồi sản phẩm của mình vì lý do an toàn không phải là chuyện hiếm. Thậm chí, một số trường hợp thu hồi xe còn có quy mô lớn hơn rất nhiều lần, đặc biệt là vụ thu hồi 6,5 triệu xe Toyota trên toàn cầu vào năm 2015. Tuy nhiên, sự cố xảy ra với VinFast chỉ trong vòng 2 tháng sau khi giao xe lại không phải là một dấu hiệu tốt.
Đứng trước thách thức tại Mỹ, VinFast đã làm gì?
VI. Vinfast ở những thị trường khác
Đầu năm 2024, VinFast đã công bố thay đổi bộ máy lãnh đạo. Ông Phạm Nhật Vượng sẽ tiếp quản vị trí Giám đốc Điều hành thay cho bà Lê Thị Thu Thủy.
Bà Lê Thị Thu Thủy sẽ chuyển từ vai trò Tổng Giám đốc VinFast sang đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị của ông Phạm Nhật Vượng. Lý do được đưa ra là để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển kế tiếp.
Chỉ 1 ngày sau, VinFast công bố kế hoạch thâm nhập vào Ấn Độ với dự án nhà máy sản trị giá 2 tỷ USD. Với tổng cộng 4,25 triệu xe bán ra trong năm 2023, Ấn Độ đã trở thành thị trường bán ô tô lớn thứ ba toàn cầu. Tuy nhiên, tiềm năng cho VinFast ở Ấn Độ là khá thấp, bởi phần lớn thị trường xe điện tại đây hiện vẫn đang thuộc về một doanh nghiệp nội địa là Tata Motors.
Bên cạnh Ấn Độ, VinFast cũng nhắm đến thị trường Indonesia khi đã trình làng nhiều sản phẩm tại Triển lãm Ô tô Quốc tế Indonesia 2024, cùng ý định đầu tư nhà máy trị giá 200 triệu USD vào năm 2026. Việc gia nhập bước đầu gặp thuận lợi khi 3 doanh nghiệp Indonesia đã đăng ký mua 600 xe điện VinFast. Tuy nhiên, nhiều khảo sát thị trường cho thấy người dân địa phương vẫn còn e dè việc sở hữu xe điện. Tâm lý lo ngại này xuất phát từ giá trị bán lại thấp cùng sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng trạm sạc. Một thách thức khác là mức độ sở hữu ô tô cá nhân tại Indonesia còn khá thấp, với chỉ 99 xe trên 1.000 người. Khả năng cao nhà máy VinFast tại đây sẽ cung cấp xe điện cho các thị trường lân cận như Thái Lan, Singapore, và Malaysia, do những thị trường này đều sử dụng xe tay lái nghịch giống Indonesia.
VinFast cũng có kế hoạch đưa 3.000 xe VF8 vào thị trường Châu u, và dự kiến phân phối nhiều mẫu xe vào thị trường Oman tại Trung Đông. Có thể thấy ông Vượng đang đẩy mạnh việc mở rộng thị trường.
Tuy nhiên, rất khó để nhận định về tương lai của VinFast, khi các vấn đề cốt lõi về chất lượng sản phẩm và nguồn lực tài chính vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Liệu VinFast có đang quá mạo hiểm?
Có thể!
Liệu VinFast có nguy cơ phá sản?
Cũng có thể!
Nhưng ngay cả Tesla của tỷ phú Elon Musk còn từng sắp đệ đơn phá sản nhưng giờ đây vẫn trở thành một trong những công ty lớn nhất thế giới, thì VinFast không hẳn đã hết hi vọng.