5000km
Nhìn vào con số này, bạn liên tưởng đến điều gì?
Khoảng cách từ Việt Nam đến Úc
Chiều dài của sông Hoàng Hà, Trung Quốc – một trong 10 con sông dài nhất thế giới
Hay độ dài gần tương đương của bán kính Trái Đất.
Tất cả những liên tưởng đó không sai. Thế nhưng, bạn không cần phải nghĩ đến những thứ xa xôi như vậy đâu.
Bởi vì ngay tại Việt Nam, cũng có một thứ được xây dựng dài đến 5000km như vậy.
Nội dung bài viết
I. Bối cảnh
Hãy nhìn vào bản đồ này.
Đây chính là tuyến đường ống dẫn xăng dầu từ biên giới phía bắc Việt Nam kéo dài đến miền nam Việt Nam với tổng chiều dài 5000km. Nó được xây dựng trong 7 năm Chiến tranh Việt Nam từ 1968 – 1975.
Nếu chỉ xét về chiều dài thì có lẽ đây là hệ thống đường ống dẫn dầu dài nhất thế giới lúc bấy giờ.
Thủ tướng Trung Quốc Chu n Lai lúc bấy giờ cũng phải thừa nhận: “Tôi không ngờ là Việt Nam lại làm được đường ống xăng dầu dài đến 5000km”
Vậy tại sao lại phải xây dựng một đường ống dẫn xăng dầu dài đến 5000km như vậy?
Trở lại năm 1954
Sau thất bại cuối cùng ở Điện Biên Phủ, Pháp thua cuộc.
Pháp buộc phải kí vào hiệp định Giơ – ne – vơ, kết thúc chiến tranh tại Việt Nam.
Tại đây, các bên tham gia đồng ý tạm thời chia Việt Nam thành 2 nửa Bắc – Nam ở vĩ tuyến 17 (dọc bờ sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị).
Quân Việt Minh tại miền Nam sẽ rút về Bắc, còn quân Pháp tại miền Bắc sẽ rút về Nam.
Miền Bắc do lực lượng Việt Nam dân chủ cộng hòa (VNDCCH) của Hồ Chí Minh nắm quyền.
Miền Nam sẽ do Quốc gia Việt Nam tạm giữ. Cho những ai chưa biết thì Quốc gia Việt Nam là một chính quyền thân với Pháp, do cựu hoàng Bảo Đại làm quốc trưởng, với nhiệm vụ hỗ trợ Pháp chống lại phong trào của phe cộng sản.
Theo hiệp định, cả 2 miền Bắc – Nam sẽ tiến hành tổng tuyển cử thống nhất vào tháng 7/1956. Khi đó, người Pháp sẽ phải rút khỏi miền nam Việt nam.
Đương nhiên rồi, người Pháp không thích điều này. Còn một kẻ khác cũng không thích điều này. Đó là Mỹ.
Nhưng tại sao bỗng dưng Mỹ lại quan tâm đến Việt Nam – một đất nước nhỏ bé mà Mỹ từng phớt lờ như vậy?
“ Nếu cuộc bầu cử diễn ra theo kế hoạch, có thể 80% dân số sẽ bầu cho Hồ Chí Minh thay vì quốc trưởng Bảo Đại…Việt Minh gần như chắc chắn sẽ thắng.” Đây là báo cáo của CIA gửi cho Tổng thống Mỹ – Dwight Eisenhower.
Kết quả này không có lợi cho Mỹ. Nếu miền nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản sẽ như một liều thuốc kích thích phong trào Cộng sản và Giải phóng dân tộc trên toàn Đông Nam Á và Châu Á.
Vì thế, Mỹ nhất định không thể để tổng tuyển cử được diễn ra
Mỹ đã bắt tay với Ngô Đình Diệm, thành lập một chính phủ chống cộng ở miền nam Việt Nam.
Với sự hậu thuẫn của Mỹ, Diệm nhanh chóng lật đổ chính phủ Bảo Đại. Quốc gia Việt Nam đổi thành Việt Nam cộng hòa.
Ngay sau khi lên nắm quyền, ông ta đã bác bỏ tổng tuyển cử. Người Mỹ tạm đạt được mục đích của mình.
Lúc này, ở ngoài bắc, dân chúng giận dữ vì hiệp định Giơ – ne – vơ bị phá vỡ. Chính quyền VNDCCH cũng không thể kiên nhẫn thêm được nữa.
Còn tại miền nam việt nam, chính quyền Ngô Đình Diệm củng cố quyền lực thông qua nhiều biện pháp mạnh, bao gồm cả bạo lực. Sự sợ hãi và phẫn nộ lan ra khắp dân chúng. Một tổ chức chống lại Mỹ và chính quyền Sài Gòn được thành lập với tên gọi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam, mà Mỹ hay gọi là Việt Cộng. Tổ chức này có sự hậu thuẫn của chính quyền VNDCCH.
Người Mỹ dần mất niềm tin vào Ngô Đình Diệm. Sau những hỗn loạn nội bộ, Ngô Đình Diệm bị ám sát trong cuộc đảo chính năm 1963.
Lúc này, người Mỹ không thể tin tưởng vào ai nữa. Họ quyết định trực tiếp tham gia cuộc chiến này.
CHIẾN TRANH VIỆT NAM
Đây là một cuộc chiến giữa hai phe.
Một bên là quân đội VNDCCH và quân Giải phóng cùng sự giúp đỡ từ Liên Xô và Trung Quốc.
Một bên là Mỹ và chính quyền Sài Gòn cùng sự giúp đỡ của một số nước đồng minh thuộc phe Tư Bản.
Năm 1965
Mỹ đưa rất nhiều quân đội trực tiếp tham chiến ở miền Nam Việt Nam. Đồng thời, Mỹ mở rộng hoạt động lực lượng không quân và hải quân tại đây.
Lúc bấy giờ, chính quyền VNDCCH đứng trước hai nhiệm vụ quan trọng. Một là vực dậy nền kinh tế ở miền Bắc. Hai là đấu tranh giành lại miền Nam từ Mỹ và chính quyền Sài Gòn, tiến tới thống nhất hai miền.
Xác định mục tiêu, chính quyền VNDCCH khẩn trương chuẩn bị cho cuộc tiến công quy mô lớn trên toàn miền Nam. Trong đó, chiến lược chi viện cho quân Giải phóng tại nam Việt Nam là một trong những kế hoạch quan trọng và chủ chốt.
Quân đội VNDCCH đã tái xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh thành một mạch tiếp tế chính yếu.
Trên con đường này, có ba mặt hàng được vận chuyển chủ yếu. Thứ nhất là lương thực, thực phẩm. Thứ hai là vũ khí, đạn dược. Thứ ba là xăng dầu.
Nhưng, tại sao phải vận chuyển xăng dầu?
Trên chiến trường, máy bay và xe tăng muốn hoạt động thì cần phải có xăng dầu.
Ô tô muốn vận chuyển lương thực, vũ khí cũng cần phải có xăng dầu.
Do đó, xăng dầu là một trong những mặt hàng tiếp tế quan trọng số một lúc bấy giờ.
Thiếu tướng Hoàng Kiền – Nguyên tư lệnh công binh: “Trong các loại hàng tiếp tế đưa vào chiến trường thì khó nhất là xăng dầu.”
II. Xăng dầu – Mặt hàng tiếp viện chủ lực
Giai đoạn đầu, xăng dầu được vận chuyển bằng xe cơ giới.
Nhìn những hình ảnh này bạn sẽ hình dung được cách vận chuyển xăng dầu lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, Cách này dần bộc lộ những yếu điểm.
Thứ nhất, đi đoạn đường từ Bắc vào Nam thì xe đã tiêu thụ hết 1/3 số xăng dầu mang theo. Chưa kể phải chở ngược thùng ra Bắc mới có thể tiếp tục vận chuyển thêm.
Thứ hai, cách vận chuyển này không đảm bảo được điều kiện bí mật. Xe chở xăng dầu luôn là mục tiêu săn lùng của không quân Mỹ. Hầu hết xe chở xăng đều không thể vượt qua các trọng điểm.
Lượng xăng dầu chi viện dần cạn kiệt.
Trước tình thế này, nhiều phương án được đưa ra.
Phương án thứ 1, đổ xăng vào túi ni lông, giấu trong ba lô và gùi qua các trọng điểm. Thế nhưng biện pháp này đã không thể triển khai lâu dài. Bởi nó không mang lại hiệu quả về cả về số lượng và chất lượng. Trung bình mỗi binh lính chỉ gùi được khoảng 1 lít xăng. Thậm chí, nhiều người đã thiệt mạng vì bị ngộ độc chì trong xăng dầu.
Phướng án thứ 2 là vác từng căn xăng, lợi dụng dòng chảy của sông, suối thả trôi các thùng phi xăng. Nhưng, phương án này cũng không đem lại hiệu quả cao. Vì phải mất tận 2 tuần mới vận chuyển vào đến miền nam nhưng chỉ đủ dùng cho 2 ngày. Vấn đề là cách này cũng không dễ dàng qua mắt được quân đội Mỹ.
Thiếu tướng Hoàng Kiền – Nguyên tư lệnh công binh
“Có 1 đêm mà vần được 29 phi xăng qua nhưng chết 30 người. Mỗi một phi xăng đối lấy một mạng người.”
Việc tiếp xăng dầu cho tuyến vận tải cơ giới đến đây xem như bế tắc.
T4/1968, Nhu cầu tiếp viện xăng dầu vào chiến trường miền Nam ngày càng lớn.
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên gửi điện báo về Bộ chỉ huy VNDCCH: “Do thiếu xăng, xe phải ngừng hoạt động. Nếu không chuyển kịp xăng và lương thực vào, có nguy cơ hàng vạn bộ đội bị đói.”
Thời điểm đó, Mỹ đã dần nhận ra kế hoạch tiếp viện từ miền bắc cho quân Giải phóng ở Nam Việt Nam. Bằng mọi giá, Mỹ phải cắt đứt con đường chi viện này.
Hãy nhìn vào biểu đồ này.
Đây là tổng số tấn bom mà quân đội Mỹ đã thả trong chiến tranh Viêt Nam từ năm 1965 đến năm 1970. Đỉnh điểm là năm 1968, Mỹ đã thả hơn 1,4 triệu tấn bom xuống Việt Nam.
Trong đó, các chiến dịch ném bom của Mỹ tập trung vào miền Bắc Việt Nam, biên giới Lào, Campuchia và đường mòn Hồ Chí Minh nhằm tiêu diệt các vị trí quân sự và các tuyến tiếp viện của phe cộng sản.
Trước tình thế này, Quân đội VNDCCH không thể vận chuyển xăng dầu theo các phương thức cũ. Đã đến lúc cần phải có một cách khác an toàn và bí mật hơn.
III. Sáng kiến – Triển khai
Trong một lần làm việc tại Liên Xô, Võ Nguyên Giáp – Đại tướng chỉ huy quân đội VNDCCH đã chứng kiến cách vận chuyển xăng dầu của Liên Xô bằng một đường ống dã chiến.
Đây lại loại ống bằng thép, phi 100li, có khớp nối 2 đầu.
Tổng chiều dài cả đường ống là 100km, được nối từ từng đoạn ống nhỏ 6m.
Trong cuộc họp khẩn với Ban chỉ huy quân sự VNDCCH để tìm phương án giải quyết cho vấn đề vận chuyển xăng dầu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề nghị áp dụng đường ống này.
Trước đề nghị đó, cả cuộc họp đều im lặng. Bởi có lẽ ai cũng nghi ngờ với mức độ khả thi của nó. Tại sao vậy?
Để trả lời được câu hỏi này, hãy làm một phép so sánh giữa tình hình của Liên Xô và Việt Nam khi ấy.
Thứ nhất, Liên Xô có hệ thống phòng không cực tốt, cộng với sự yểm trợ của lực lượng pháo binh. Còn Việt Nam thì không. Liệu nó có đủ sức để chống chọi với sự tàn phá của quân đội Mỹ hay không.
Thứ hai, những đường ống dã chiến của Liên Xô không dài quá vài chục km. Thời điểm đó, ngay cả với các cường quốc khác, việc xây dựng và lắp đặt một đường ống dẫn dầu dài hàng nghìn km là việc chưa từng có tiền lệ.
Thứ ba, tại Liên Xô, đường ống này chỉ phục vụ cho chiến dịch trong thời gian ngắn từ 7 -10 ngày. Còn Việt Nam là phục vụ chiến tranh dài hạn. Liệu tuyến ông có thể tồn tại và bền vững trong suốt cuộc chiến không? Chưa kể quãng đường từ bắc vào nam phải đi qua địa hình rừng núi phức tạp. Việc vận chuyển và xây dựng đường ống liệu có đảm bảo được yếu tố an toàn và bí mật?
Tất nhiên, bất cứ một phương án nào đều sẽ có những rủi ro của nó. Nhưng, nếu không thử tìm lời giải thì bài toán đó vẫn sẽ mãi chỉ nằm trên giấy.
Vậy chính quyền VNDCCH đã giải quyết từng bài toán đó như thế nào?
“…”
Sau nhiều lần bàn bạc, kế hoạch xây dựng tuyến ống dẫn xăng dầu Trường Sơn được giao cho Tổng cục Hậu Cần đảm nhiệm.
Các nước XHCN đồng ý viện trợ cho chính quyền VNDCCH. Trong đó,
Liên Xô viện trợ 8 bộ ống và nhiều máy bơm cao áp.
Trung Quốc viện trợ 45 bộ ống.
Tiệp Khắc viện trợ 100 xe chở ống chuyên dụng
Nhiều nước đồng minh khác đã chi viện thêm 45 bộ ống dẫn dầu.
Ngày 12/4/1968, một đơn vị xây dựng tuyến ống có mật danh “công trường 18” được thành lập. Hành trình xây dựng đường ống vận chuyển xăng dầu bắt đầu.
Nghệ An là nơi xây dựng tuyến ống đầu tiên. Tuyến ống dài 42km, mang mật danh là X42, kéo dài từ Nam Thanh (Nghệ An) đến Nga Lộc (Hà Tĩnh).
Cuối năm 1968, Đường ống dẫn xăng dầu tiếp tục mở rộng. Một phần hướng ra Bắc để tạo nguồn cung xăng dầu ổn định. Một phần hướng vào Nam bảo đảm cho việc vận chuyển xăng dầu vào chiến trường.
Tuyến ống hướng ra Bắc nối từ tổng kho dự trữ xăng dầu lớn nhất của miền Bắc đặt tại Nhân Vực (nay thuộc Thường Tín, Hà Nội) vào đến Nghệ An.
Tuyến dẫn vào Nam được chia làm 2 ngả Tây và Đông Trường Sơn. Hướng Tây Trường Sơn xuất phát từ Hà Tĩnh qua đèo Mụ Giạ (Quảng Bình), qua biên giới sang đến trung Lào và tiếp tục đi sâu xuống hạ Lào.
Hướng Đông Trường Sơn đi theo đường 10 vào Quảng Trị, qua Huế, đến KonTum, vượt đèo Đá Bàn (Quảng Ngãi) có độ cao hơn 1.000m.
Hai tuyến này hợp nhất tại Play Khốc (KonTum) – ngã ba biên giới Lào, Việt Nam, Campuchia.
Mùa xuân năm 1972, Mỹ trở lại tàn phá miền Bắc, phong tỏa các cảng biển như Hải Phòng, Cẩm Phả…Nguồn cung xăng dầu bị cắt đứt.
Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của Trung Quốc, xăng dầu vẫn đi qua được biên giới phía Bắc. Đường ống tiếp tục mở rộng, nối từ biên giới phía Bắc về Hà Nội.
Đầu năm 1973, để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công, đường ống phía Nam tiếp tục được xây dựng dọc theo biên giới Campuchia vào đến Bù Gia Mập – Bình Phước.
Đến năm 1975, tuyến ống cuối cùng dẫn xăng dầu vào chiến trường miền Nam Việt Nam được hoàn thành. Cả hệ thống đường ống có tổng chiều dài 5000km.
Trong đó, tuyến ống Tây và Đông Trường Sơn là cung đoạn được xây dựng khó khăn và phức tạp nhất. Tổng chiều dài của 2 tuyến ống này là hơn 700km. Địa hình mà tuyến ống đi qua chủ yếu là rừng già, đồi núi, cùng nhiều đoạn phải vượt sông lớn. Qúa trình xây dựng đường ống phải đối mặt với vô vàn vấn đề nan giải, đặc biệt là sự phá huỷ của không quân Mỹ.
Đơn cử như cung đường vượt qua đèo Mụ Giạ (tỉnh Quảng Bình). Suốt 3 tháng thi công vẫn không thể đưa xăng qua đèo. Không quân Mỹ bắn phá từng ngày từng giờ. Nhiều bãi đá đã bị bom phá huỷ, nghiền thành bột.
Bắc Việt đã sử dụng kế nghi binh bằng cách xây dựng tuyến ống khác cách xa điểm bị Mỹ bắn phá. Đồng thời, vẫn cho người khắc phục tuyến ống cũ để lừa Mỹ. Nhờ vậy, tuyến ống mới được vận hành thông suốt. Sau sự việc này, quân đội Bắc Việt đã rút ra kinh nghiệm: Không làm đường ống cạnh đường mòn HCM để tránh bị Mỹ phát hiện.
Đặc biệt, tuyến ống vượt dãy Trường Sơn ở cửa khẩu đường 18 là nơi đọ sức quyết liệt nhất với không quân Mỹ. Tất cả các chỗ đường ống có thể đi qua đều bị B-52 và đủ loại bom chà đi xát lại. Đừng trước tình thế ấy, quân đội Bắc Việt đã chấp nhận mạo hiểm. Đó là đưa đường ống vượt đỉnh 911 – đỉnh cao nhất trong khu vực Tây Trường Sơn, với độ cao gần 1000m.
Các kỹ sư xây dựng tuyến ống nhận định, Mỹ sẽ không đánh vào đỉnh này. Bởi không ai nghĩ rằng có thể đưa chiếc máy bơm nặng gần 3 tấn lên đặt trên đỉnh núi cao như thế. Thực tế lúc bấy giờ, thế giới nói chung và nước Mỹ nói riêng, cũng chưa có quốc gia nào làm điều đó. Tính toán ấy đã đúng. Người Mỹ đã không lường tới việc này.
Tuy nhiên, việc lắp đặt và xây dựng một đường ống trên đỉnh núi cao như thế cũng là điều không tưởng. Để thi công, quân đội Bắc Việt phải vác bộ hơn 7000 bộ ống và hàng chục tấn thiến bị máy móc.
Bạn cứ thử tưởng tượng như khi bạn leo 1 đỉnh núi cao gần 1000m nhưng phải vác trên vai một chiếc ống dài 6m với cân nặng 40kg, bạn sẽ biết điều đó khó khăn đến mức nào.
Thiếu tá Nguyễn Phúc Môn, kỹ sư thủy lực thi công đường ống kể lại: “Mỗi ống nặng 38 -41 kg nhưng phải hai người mới đưa lên được. Một người dùng bao tượng gạo buộc ống lên vai, người kia buộc ngang thắt lưng để dùng tay bám vào cây rừng, kiệu cái ống lên. Có những chỗ ống thẳng đứng. Đưa được 1 cây số tương ứng 176 ống đã là kỳ công. Thế mà hàng ngàn cây số như để thấy được sự vất vả ấy là quá lớn”.
Ngày 22-12-1969, xăng đã vượt qua đỉnh 911, vào đến Bản Cọ (Quảng Trị).
IV. Điều KHÔNG THỂ trở thành CÓ THỂ
Sau 7 năm xây dựng, hệ thống đường ống dẫn xăng dầu với tổng chiều dài gần 5000 km, bắt đầu từ biên giới phía Bắc kéo dài đến miền Nam Việt Nam đã hoàn thành.
Nhiều đoạn có tới bốn đường ống chạy song song, cùng một lúc có thể vận chuyển nhiều loại xăng dầu khác nhau.
Đúng 21h30p ngày 14-3-1975, xăng đã vào đến miền Nam Việt Nam.
Từ đây, xăng được tiểu đoàn xe vận tải tiếp nhận và vận chuyển vào sâu trong chiến trường, cấp cho các quân đoàn Giải phóng.
Trên toàn bộ hệ thống đường ống xăng dầu, có tổng cộng 114 trạm bơm đẩy với sức bơm 600-800m3/ngày đêm.
Hơn 100 kho xăng dầu. Mỗi kho có sức chứa trên 300.000 m3
Trong 7 năm, 5,5 triệu m3 xăng dầu đã được cấp cho chiến trường miền Nam Việt Nam.
600 tấn xăng dầu được cấp mỗi ngày trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975.
77.000 tấn xăng và 18.000 tấn dầu diezen được chi viện trong 55 ngày đêm chiến dịch Hồ Chí Minh.
Đây thực sự là một điều không tưởng. Nhưng nó đã xảy ra.
Trong lịch sử vận chuyển xăng dầu trên thế giới thời điểm đó, chưa có quốc gia nào lắp một đường ống dẫn dầu dài như vậy và cao như vậy.
Điều đó đã lý giải vì sao con đường này được mệnh danh là huyền thoại. Như đánh giá của tướng không quân Mỹ, Harry Aderholt: “Đường ống xăng dầu của Việt Nam là huyền thoại có thật”.
Trong cuốn ”Đường mòn Hồ Chí Minh-con đường dẫn tới tự do”, tác giả Virginia Louise Morris đã viết: “Người Việt đã vượt lên người Mỹ về tầm nhìn xa, đã xây dựng cơ sở hạ tầng của một hệ thống kho xăng dầu và một hệ thống đường ống dài 5.000km chạy từ biên giới Việt-Trung, dọc ngang Trường Sơn về tới Đông Nam Bộ… Đây là dự án khủng khiếp…”.
7 năm đưa xăng dầu vượt Trường Sơn, quân đội Bắc Việt không chỉ đương đầu với sự đánh phá của không lực Mỹ bằng một ý chí quyết tâm mà còn là sự đấu trí bằng kỹ thuật.
Cùng với đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ, trên biển và trên không, hệ thống đường ống dẫn xăng dầu xuyên Trường Sơn đã khiến Mỹ không thể cắt đứt được kế hoạch chi viện của Bắc Việt cho quân Giải phóng ở miền Nam Việt Nam. Để rồi dẫn đến kết quả …
Tổng thống Mỹ – Gerald Ford: “War’s Viet Nam is over”.