“Chúng ta không thể nói về sự mệt mỏi vì chiến tranh ngay bây giờ, bởi vì nếu nhượng bộ thì Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thắng và điều đó sẽ đồng nghĩa với một thảm họa đối với chúng ta. Vì vậy đó là lý do tại sao phải nỗ lực ngay bây giờ.”
-Thủ tướng Estonia Kaja Kallas–
Vậy là cuộc xung đột lớn nhất châu Âu kể từ đại chiến thế giới 2 đã bước sang năm thứ 3
Lợi thế chiến trường đang dần nghiêng về phía đội quân của Moscow, với đà tiến nhanh hơn cả giá vàng hiện tại.
Còn ở phía bên kia đại dương, chính quyền Mỹ cũng như các nước phương Tây đang bận rộn với quá nhiều vấn đề từ nhập cư, LGBT đến môi trường, thay vì dồn toàn sức hỗ trợ cho Ukraine.
Các phân tích cho thấy Ukraine đang dần đánh mất cơ hội chiến thắng trước Nga cũng ngày càng trở nên phổ biến.
Vậy đâu là những dấu hiệu để người ta đưa ra những lập luận như vậy? Và liệu nó có khả năng trở thành sự thực không?
Tất cả sẽ được hé lộ trong video ngày hôm nay.
Nội dung bài viết
I. Giải thích nguyên nhân dẫn đến tình thế hiện tại của Ukraine
Nhưng trước khi đi vào nội dung chính, chúng ta cần quay trở lại thời điểm tháng 5/2022. Lúc này, quân đội Ukraine vừa giành được chiến thắng nhờ chiến thuật cầm cự, phòng ngự dàn trải và phản công tập trung, kết hợp nghi binh theo hướng Kharkiv. Quân Ukraine sau đó đã có cơ hội chiến đấu gần như ngang hàng, với một lực lượng mà đúng ra mạnh hơn họ rất nhiều trong một thời gian ngắn. Nhưng càng về sau, lợi thế chiến trường lại ngày càng ngả về phía đội quân của Moscow. Các thành trì quan trọng của quân Kiev liên tiếp bị chiếm đóng dẫn đến sự bế tắc thể hiện trong các động thái từ những binh sĩ đang trực tiếp tham chiến, đến chính quyền trung ương. Tuy nhiên, một cuộc chiến lớn như tại Ukraine quả thực luôn tồn tại rất nhiều bước ngoặt bất ngờ. Nếu không phải người tự tin thái quá, thật khó có ai khẳng định chính xác, rằng liệu sẽ có một cuộc tấn công chớp nhoáng kết thúc chiến tranh, hay trận đánh đảo ngược thế cờ nào sẽ xuất hiện?
II. Dấu hiệu 1: Ukraine càng ngày càng cạn vũ khí, phương tiện chiến tranh
Dấu hiệu đầu tiên chúng ta có thể thấy đã bộc lộ rõ ở Ukraine ngay từ trận Bakhmut và điều đó càng thể hiện rõ ràng hơn kể từ trận Addivvka. Vâng, đó chính là sự thiếu hụt vũ khí, đạn dược trầm trọng của quân Ukraine.
Trong những ngày đầu tiên diễn ra chiến sự, Ukraine lâm vào tình thế bất ngờ trước đòn tấn công từ nhiều đường, nhiều hướng của Nga. Nhưng rất may mắn là họ vẫn còn một lượng lớn phương tiện chiến tranh đồ sộ như các xe tăng T-64, T-80U sở hữu thông số chiến đấu không hề thua kém các dòng T-72B3, T-90 của Nga. Người Nga có tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander thì Ukraine cũng đưa vào sử dụng dòng OTR-21 Tochka từ thời Liên Xô, tuy thua kém khá xa đối thủ về độ chính xác và tính năng bổ trợ, nhưng vẫn hết sức đáng gờm. Trong thời gian đầu, phương Tây mới chỉ cung cấp cho Ukraine những vũ khí hạng nhẹ, mang tính cá nhân như hệ thống phòng không vác vai Stinger, súng phóng lựu Matador nhưng dần về sau, các hệ thống pháo binh, xe tăng, thiết giáp cũng dần được chuyến đến cho lực lượng vũ trang Kiev.
Rõ ràng, sở hữu phương tiện chiến tranh là một chuyện, nhưng duy trì chiến đấu bằng số lượng lớn phương tiện chiến tranh có nguồn gốc xuất xứ phức tạp như vậy lại là một chuyện khác. Nhờ ưu thế tuyệt đối về Hải quân, không quân và lực lượng tên lửa hành trình, Nga đã phá hủy phần lớn các cơ sở sản xuất quốc phòng quan trọng và đường xá của Ukraine. Việc sản xuất, cung cấp linh kiện cho các loại vũ khí mới đối với Ukraine cũng rất khó khăn. Ngoài ra, chỉ một thời gian ngắn sau khi tiếp nhận các vũ khí hiện đại của phương tây như lựu pháo tự hành PzH 2000, xe tăng Leopard thì vấn đề thiếu thốn phụ kiện để sửa chữa, bảo trì chúng của chính quyền Kiev đã trở nên rất khó khăn Điều này khiến Ukraine bị hạn chế rất nhiều trong khả năng phát động một cuộc phản công cường độ cao hướng về phía đối phương.
Đối với đạn dược, phía Moscow luôn sẵn sàng cho kẻ thù cơ hội sử dụng quỹ tín dụng còn cao hơn cả EXB khi cứ 1 quả đạn pháo Ukraine bắn ra, phía Nga thường trả lại gấp 10 lần như thế. Rõ ràng, một quốc gia đã trải qua nhiều tháng bị giải phóng mặt bằng bằng bom đạn và tên lửa dẫn đường cùng các trận oanh tạc ngày đêm, thì tất nhiên không thể so với một phần nhỏ của Nga- vốn được mệnh danh là công xưởng sản xuất vũ khí lớn nhất hành tinh.
Nhờ nguồn nguyên liệu dồi dào và cơ sở hạ tầng sẵn có, với những sản phẩm như một quả đạn pháo 152 mm có giá khoảng 600 USD khi được sản xuất ở Nga, trong khi một quả đạn pháo 155 mm có giá gấp 10 lần khi được sản xuất ở phương Tây. Nguồn cung đạn, tên lửa cho Kiev từ phương Tây thoạt nhìn có vẻ rất dồi dào nhưng lại thiếu đồng bộ, lại phải chịu hàng tá quy trình rườm rà, thất thường.
Điều đó ngăn cản lực lượng Ukraine nhắm mục tiêu vào các tài sản quan trọng nằm sâu trong lãnh thổ Nga, nơi tập trung thiết bị hạng nặng và nhân lực. Các báo cáo từ tiền tuyến cho thấy một số đơn vị pháo binh chỉ hoạt động với 10% nguồn cung cấp cần thiết. Trong nỗ lực bảo tồn đạn pháo, các sĩ quan Ukraine đã chỉ đạo đơn vị phòng không chỉ nhắm vào các mục tiêu cụ thể. Tuy nhiên, các chỉ huy mặt đất cho rằng, chiến lược này không đủ để chống lại đối thủ được trang bị tốt hơn và luôn sẵn sàng tấn công quy mô lớn bất kỳ lúc nào mà không cần suy nghĩ đến chuyện thiếu hụt đạn dược.
Hơn nữa, không quân Nga gần như làm chủ bầu trời với các máy bay chiến đấu hoạt động ngày đêm cùng lượng tên lửa tấn công vượt trội. Lực lượng phòng không và không quân Kiev chỉ có thể thực hiện chiến thuật phòng thủ, quấy phá một cách rất hạn chế. Ukraine đã thúc ép Mỹ và các đối tác quốc tế khác của nước này mua máy bay F-16 kể từ giai đoạn đầu cuộc xung đột hơn một năm trước. Tuy nhiên, các quan chức Kiev đang gặp khó khăn trong việc đạt được bất kỳ tiến triển nào trong bối cảnh lo ngại về phản ứng có thể xảy ra của Moscow.
Dù Tổng thống Volodymyr Zelensky đã nói rằng sản xuất trong nước là chìa khóa để Ukraine có thể duy trì khả năng phòng thủ của mình nhưng trên thực tế, Ukraine hiện tại chỉ có thể tự sản xuất một số nguyên liệu thô, đặc biệt là thép. Loại vũ khí duy nhất họ có thể tự tin đó chỉ là đạn cho súng cối và máy bay không người lái cỡ nhỏ.
Mykhailo Fedorov, Bộ trưởng chuyển đổi kỹ thuật số, cho biết tại một hội nghị vào tháng 2/2023 rằng: “Đối với một số mặt hàng quan trọng, chẳng hạn như máy bay không người lái đã thay đổi cách thức chiến tranh diễn ra, Ukraine đã sản xuất được 90% những gì họ cần”.
Trong thời gian gần đây, nhất là sau khi bại trận ở Avdiivka, Ukraine đã cho thấy sự phụ thuộc của mình vào các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái. Các cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào lực lượng trên biển của Nga đã giữ cho các tuyến đường trong khu vực đủ thông thoáng để nối lại hoạt động vận chuyển ngũ cốc. Các cuộc tấn công bằng UAV cũng góp phần hạn chế Nga lựa chọn bắn tên lửa vào lãnh thổ Ukraine từ các tàu ngoài khơi và làm suy yếu khả năng phòng thủ của Nga đối với Crimea cũng như vị thế của Nga ở Biển Đen. Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine cũng ngày càng được tiến hành ở sâu bên trong lãnh thổ Nga trong những tháng gần đây.
Tuy nhiên, lợi thế trong các cuộc tấn công theo kiểu số lượng bù chất lượng bằng máy bay không người lái của Ukraine qua thời gian cũng tỏ ra kém hiệu quả hơn. Các lực lượng Nga đã thích ứng với nhiều chiến thuật mà đối thủ của mình đã sử dụng trong mùa hè năm ngoái, bao gồm cả việc tiến hành các cuộc tấn công phối hợp quy mô lớn sử dụng nhiều loại UAV.
Kể từ cuối năm 2022, Nga đã sử dụng kết hợp hai máy bay không người lái sản xuất trong nước là Orlan-10 (máy bay không người lái trinh sát) và Lancet (máy bay không người lái tấn công) để tiêu diệt hệ thống pháo có giá trị cao, cho đến máy bay chiến đấu và xe tăng. Ukraine đã vượt qua Nga về số lượng các cuộc tấn công bằng UAV ngay từ đầu cuộc xung đột, nhưng nước này không có tổ hợp máy bay không người lái nào sánh được với hai loại UAV mới nguy hiểm trên của Nga.
Bên cạnh đó, khả năng tác chiến điện tử vượt trội của Nga cho phép nước này gây nhiễu và nghi binh tín hiệu giữa UAV của Ukraine và người điều khiển chúng. Nếu Ukraine muốn vô hiệu hóa UAV của Nga, lực lượng của họ sẽ cần những khả năng tương tự. Trong khi đó, hầu hết các loại vũ khí do phương Tây cung cấp đều hoạt động kém trước các hệ thống phòng không và các cuộc tấn công điện tử của Nga. Đặc biệt, vũ khí của Mỹ thường có thể bị khắc chế thông qua việc gây nhiễu GPS.
Các quan chức Ukraine ước tính rằng, Nga hiện có thể sản xuất hoặc mua khoảng 100.000 UAV mỗi tháng, trong khi Ukraine chỉ có thể sản xuất một nửa số lượng đó. Cùng với đó, một trong số những máy bay không người lái được Nga lựa chọn là Shahed lại rẻ hơn nhiều so với các đạn tên lửa được phóng ra hệ thống phòng không cần thiết nhằm vô hiệu hóa chúng.
Theo một số phân tích cho thấy chính sách viện trợ của phương Tây đang mâu thuẫn với chính họ. Phương Tây vừa muốn giúp Ukraine đánh Nga, nhưng lại không muốn viện trợ vũ khí dồi dào, gây tổn hại đến khả năng phòng thủ trong nước, lại càng không muốn tạo điều kiện để chính quyền Kiev tạo được bước đột phá trên chiến trường ngay khi họ có cơ hội tốt nhất, châm ngòi cho các hành động quân sự mang danh trả đũa đến từ phía Nga. Như Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Medvedev đã không ít lần cho biết Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu Ukraine phản công thành công. Số tiền viện trợ mà phương Tây cam kết dành cho Ukraine hầu như vẫn chỉ dừng lại trên giấy tờ. Tiêu biểu như dự luật hỗ trợ hơn 60 tỷ USD cho Kiev vẫn đang bị mắc kẹt tại Hạ viện Mỹ. Ukraine buộc phải trông đợi vào các cam kết viện trợ nhỏ hơn như gói 3,2 tỷ USD của Pháp, vốn chỉ bằng 1/4 tổng giá trị thùng xốp mang nhãn TML. Nguồn hàng viện trợ đến Ukraine vì vậy cũng thỉnh thoảng bị ngắt quãng, nhỏ giọt, khiến Kiev không đủ lực để đánh một trận tất tay với Moscow.
Có thể thấy rằng không thể thiếu vũ khí, phương tiện chiến tranh. Sự thiếu thốn về hai thứ này có thể nói là quan trọng nhất và là nguồn gốc dẫn đến hàng loạt dấu hiệu tiếp theo, để người ta có thể khẳng định rằng Ukraine đã hoàn toàn bỏ lỡ cơ hội đánh bại Nga
III. Dấu hiệu 2: Bế tắc chiến thuật
Và chúng ta không thể không đề cập đến sự bế tắc chiến thuật của quân đội Kiev trên chiến trường hiện tại.
Dù có muốn phớt lờ như thế nào đi chăng nữa thì dựa vào kết quả từ những ngày đầu tiên khi xung đột mới bắt đầu, quân đội Nga đã thành công trong việc dồn quân đến biên giới, tuyên bố không có ý định chiếm đóng lãnh thổ Ukraine rồi bất ngờ phát động cuộc tiến quân. Tốc độ tấn công quá nhanh của Nga, kết hợp với sự hưởng ứng hết mình của 2 lực lượng ly khai miền đông đã đưa Ukraine vào thế trong đánh ra, ngoài đánh vào. Hàng loạt địa bàn trọng yếu ở miền Đông, có tới 15% lãnh thổ Ukraine đã lọt vào tay Nga. Để có thể hạn chế khả năng quân đội Nga tận dụng tốt các vị trí chiến lược như vậy, Ukraine buộc phải phát động phòng thủ chủ động bằng cách tấn công giành lại các vị trí chủ chốt. Điều này tạo nên một tính huống trớ trêu là Nga vốn dĩ là lực lượng tiến quân từ bên ngoài vào, nay lại được che chở bằng các phòng tuyến dài dằng dặc, được tạo nên trong thời gian ngắn bằng các phương tiện cơ giới đồ sộ.
Theo lẽ thường, để một bên tấn công có thể giành chiến thắng nếu hội tụ đủ ít nhất một trong 5 yếu tố bao gồm:
1: Có khả năng tập trung số lượng lớn quân số, phương tiện vào một vị trí nhỏ, áp đảo đối phương
2: Khả năng di chuyển cơ động hơn đối phương
3: Có khả năng triển khai hỏa lực yểm trợ vượt trội
4: Chiếm được vị trí trọng yếu, có thể triển khai quân vào khai thác các điểm hở trong phòng tuyến đối phương
5: Có lực lượng hỗ trợ từ sau lưng quân địch
Trớ trêu thay đối với Ukraine là trong thời điểm hiện tại, nước này không đạt được bất kỳ yếu tố nào trong số trên. Sau thời điểm năm 2022, Nga đã không để cho Ukraine triển khai đòn đánh nghi binh khi họ liên tục bổ sung binh lính sang, không để phòng tuyến bị suy yếu vì lý do quân lực, từ đó triển khai đi tấn công vị trí khác. Ngoài ra, lợi thế về phương tiện cơ giới, nguồn nhiên liệu bổ sung cũng cho phép Nga di chuyển linh hoạt đến các vị trí khác nhau, giúp vô hiệu hóa mọi chiến thuật tấn công chớp nhoáng.
Điều đó cũng dẫn đến tình trạng bế tắc chiến thuật hiển nhiên của Ukraine hiện tại. Suốt từ đầu năm 2024 đến nay, Ukraine hầu như không giành thêm được bất kỳ vùng lãnh thổ quan trọng nào. Thành công của họ chủ yếu là từng đợt tập kích vào các vùng Belgorod hoặc đánh bom các tuyến đường hậu cần của Nga. Các chiến thuật du kích – bao gồm hoạt động phá hoại, đột kích, ám sát có chủ đích và cố gắng làm nổ tung các kho đạn dược, đường ống dẫn dầu và đường sắt – trở nên quan trọng hơn khi hai bên không đạt được tiến bộ đáng kể ở tiền tuyến. Có thể thấy hình thái chiến tranh của họ qua thời gian dần chuyển sang hình thái thấp hơn, từ quy ước- tiêu hao rồi đến hiện tại là tác chiến phi đối xứng, với các đòn tấn công quấy phá nhằm bù đắp cho thất bại liên tiếp trên các chiến trường quy ước. Tuy nhiên Ukraine cũng không phải lực lượng theo kiểu không còn gì để mất, không có điểm nào quan trọng để phòng thủ như Taliban hay Hamas và việc Nga tiến quân sang nước này cũng dễ dàng hơn, so với việc phải vượt qua đại dương để duy trì chiến tranh như Hoa Kỳ. Việc đặt mục tiêu giành lại lãnh thổ và bảo đảm niềm tin cho phương Tây cũng khiến đất nước này khó có thể chuyển hẳn về một hình thái chiến tranh phi đối xứng lâu dài.
Đã thế, mọi chuyện càng khó khăn hơn đối với Ukraine đến mức có thể khiến viễn cảnh họ giành được thắng lợi là gần như bất khả thi.
IV. Nga lần đầu tuyên bố trong tình trạng chiến tranh với Ukraine
“Chúng ta đang trong tình trạng chiến tranh. Xung đột bắt đầu với chiến dịch quân sự đặc biệt, nhưng khi phương Tây tham gia chiến sự bên phía Ukraine, mọi chuyện đã trở thành cuộc chiến tranh. Tôi tin là vậy, mọi người nên hiểu rõ điều đó”
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov
Nếu như trước kia, phía Moscow thường sử dụng khái niệm “Chiến dịch quân sự đặc biệt”, mục tiêu phi quân sự hóa, phi phát xít hóa Ukraine mỗi khi đề cập đến cuộc xung đột này và cực kỳ hạn chế gọi đó là chiến tranh thì sau ngày 23/3/2024, họ đã không ngần ngại sử dụng thuật ngữ này.
Ông Peskov sau đó cũng khẳng định lại, rằng hoạt động của Nga tại Ukraine vẫn được coi là “chiến dịch đặc biệt” về mặt pháp lý. “Dù vậy, trên thực tế nó đã là cuộc chiến tranh, vì phương Tây ngày càng tăng mức độ can thiệp trực tiếp vào xung đột”, quan chức Điện Kremlin cho hay.
Phát ngôn viên Peskov cũng tuyên bố mục tiêu của Nga là bảo đảm an toàn cho cư dân tại 4 tỉnh được Moskva sáp nhập cuối năm 2022, cũng như bảo đảm quân đội Ukraine “không thể đe dọa an ninh lãnh thổ và công dân Nga”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin khi đọc Thông điệp Liên bang cuối tháng 2 cũng lưu ý hậu quả của việc can thiệp vào Liên bang Nga hiện nay sẽ thảm khốc hơn so với những giai đoạn trước và nguy cơ dẫn đến chiến tranh hạt nhân. Bên cạnh đó, một số tuyên bố của các nước NATO như trước cuộc họp EU, Thủ tướng Slovakia, Robert Fico lại tiết lộ rằng các nước thành viên NATO và EU đang chuẩn bị triển khai quân sang Ukraine bất chấp tuyên bố từ phía chính quyền Kiev rằng họ không cần quân đội của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương hiện diện trên lãnh thổ để đánh bại Nga.
Tất cả động thái này đều dẫn đến viễn cảnh Nga đã quyết đánh đến cùng. Đó không chỉ là dưới danh nghĩa chống xâm lược mà còn là uy tín, danh dự của giới cầm quyền. Mà như các bạn đã thấy, tình hình của quân đội Kiev lúc này đã rất khó khăn. Thật khó có thể tin được rằng họ sẽ kháng cự như thế nào nếu Nga tiếp tục tăng cường vũ khí hạng nặng và điều thêm lực lượng tham chiến.
Quả thật, dù có lạc quan đến như thế nào đi chăng nữa thì phía Ukraine cũng không thể không thừa nhận rằng họ đang rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Mọi hy vọng chiến thắng đều rất mong manh. Điều trớ trêu hơn nữa là ngay trong lúc này, ở những cường quốc phương Tây như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, chúng ta lại thấy họ đang bị chính thể chế của mình trói buộc. Như đã đề cập từ đầu video, ngay cả khi tình thế quyền lực quốc gia có nguy cơ bị thách thức nghiêm trọng, họ vẫn bị ràng buộc trong các phong trào về môi trường, sắc tộc, nhập cư, phúc lợi xã hội,….. .
Nhưng quả thực, chiến tranh không thể lường trước điều gì. Trong lịch sử nhân loại, có không ít đội quân đã đảo ngược tình thế ngay thời khắc đen tối nhất. Vậy theo các bạn, chính quyền Kiev còn cơ hội thể tạo nên một kỳ tích như vậy không hay tất cả những gì họ có thể làm là ngồi đếm ngược đến ngày Moscow ca khúc khải hoàn chiến thắng? Dù sự thực có phũ phàng ra sao thì nó cũng chỉ có 1.
Hãy để lại câu trả lời của bạn xuống dưới phần bình luận.