8 cơn bão đảo chính đã lần lượt đổ bộ vào khu vực Sahel của Châu Phi trong suốt 3 năm qua và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trong đó:
Vào năm 2021, 4 cuộc đảo chính xảy ra tại Mali, Guinea, Chad và Sudan
Đến năm 2022, Burkina Faso chứng kiến 2 cuộc đảo chính trong khoảng 8 tháng.
Mới nhất vào năm 2023, ngày 26-7, quân đội Niger đảo chính phế truất Tổng thống Mohamed Bazoum. Hơn một tháng sau đó, vào ngày 30/8, quân đội Gabon tuyên bố nắm quyền sau khi tổng thống Ali Bongo chiến thắng nhiệm kỳ 3.
Đây chính là hiệu ứng Domino nổi tiếng mà tổng thống Mỹ Eisenhower từng nhắc đến trong thời kỳ chiến tranh lạnh.
Eric Humphrey-Smith, Nhà phân tích Châu Phi cũng khẳng định: “Ngày càng khó có thể tranh luận chống lại ý tưởng về sự lây lan của cuộc đảo chính – rằng các cuộc đảo chính ở nơi này truyền cảm hứng cho họ ở nơi khác – sau chuỗi sự kiện trong những năm qua”.
Vậy sức mạnh của Domino có thể khủng khiếp như thế nào?
Nội dung bài viết
I. Giới thiệu về trò chơi domino
Domino là trò chơi sử dụng các tấm hình chữ nhật. Mỗi domino chia thành 2 hình vuông, mỗi phần được đánh dấu bằng một số điểm hoặc bỏ trống.
Theo một nghiên cứu, trò chơi domino có từ thời Nhà Tống bên Trung Quốc năm 1120, dấu tích của trò chơi được tìm thấy trong văn bản “Cựu sự Quế Lâm” của Chu Mật.
Đến thế kỷ 18, trò chơi domino xuất hiện lần đầu tại Ý. Nhưng làm thế nào domino của Trung Quốc liên quan đến Ý vẫn còn là một ẩn số.
Nhiều giả thuyết cho rằng các nhà truyền giáo người Ý ở Trung Quốc đã mang trò chơi này đến Châu Âu.
Xuất hiện từ thế kỷ 18 tại Châu u, nhưng tại Mỹ những năm 1920 – 1930 trò chơi này mới thịnh hành và phát triển rõ rệt.
II. Hiệu ứng Domino là gì?
Ngày nay, nó là một trò chơi nổi tiếng trên toàn thế giới, thế nhưng bạn có thực sự hiểu về nó hay không?
Hiệu ứng domino là một hiện tượng trong đó một sự kiện nhỏ ban đầu có thể gây ra một chuỗi các sự kiện phản ứng lan truyền liên tục.
III. Nguồn gốc hiệu ứng Domino
Hiệu ứng này đã vượt qua khái niệm của một trò chơi đơn thuần ĐỂ trở thành một hiệu ứng mang tầm cỡ, có thể làm thay đổi địa chính trị.
Theo như giả thuyết trước đó, trò chơi Domino đã có từ thời nhà Tống khoảng năm 1120 sau Công Nguyên. Tuy nhiên, việc sử dụng Domino cho thuật ngữ mô tả sự lan truyền của các sự kiện không mong muốn xuất hiện từ thời kỳ chiến tranh lạnh.
Học thuyết này xuất hiện là hệ quả tất yếu của tình hình thế giới sau chiến tranh thế giới thứ 2. Khi đó, phía các nước khối XHCN đang trên đà phát triển rầm rộ, trong đó có Việt Nam, còn chính phủ Hoa Kỳ ra sức ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản tại Châu Á. Một trong những người đầu tiên cho rằng việc Đông Dương thuộc Pháp rơi vào tay những người cộng sản sẽ tạo nên một hiệu ứng “domino” ở Đông Nam Á là cựu tổng thống Mỹ.
Vì thế, “thuyết domino” làm thay đổi tư duy của Mỹ đối với Việt Nam trong suốt một thập kỷ kế tiếp.Cục diện đã thay đổi trong thế chiến thứ 2, Pháp đi dần đến bước thất bại, quyền kiểm soát Đông Dương rơi vào tay Nhật.
Lúc này, Việt Nam đang gần với chiến thắng trước Pháp trên chiến trường Điện Biên Phủ. Các đại diện cường quốc dự kiến gặp tại Geneva để thảo luận giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Việt Nam. Các quan chức Mỹ lo ngại lực lượng của Hồ Chí Minh hoặc một thỏa thuận ở Geneva có thể khiến chế độ cộng sản nắm quyền kiểm soát toàn bộ hoặc một phần Việt Nam.
Tại cuộc họp báo lịch sử ngày 7 tháng 4 năm 1954, các quan điểm của tổng thống Dwight D.Eisenhower được nêu rõ trong cuộc họp báo:
Đầu tiên là tầm quan trọng của Việt Nam đối với Mỹ về lĩnh vực kinh tế. Mặt khác: “Cần phải nhìn nhận một cách rộng hơn dựa trên nguyên tắc sụp đổ kiểu đô-mi-nô”, “khi có một chuỗi các quân bài đô-mi-nô được xếp sẵn, nếu đánh ngã quân cờ đầu tiên, hệ quả đối với quân cờ cuối cùng là không thể tránh khỏi, và quá trình này sẽ diễn ra vô cùng nhanh chóng”. Hệ quả đô-mi-nô sẽ dẫn đến sự tan rã của Đông Nam Á, “lần lượt là Đông Dương, Miến Điện, Thái Lan, bán đảo Mã Lai và Indonesia sẽ bị mất”.
Về lâu dài, chính tuyên bố của Eisenhower về “thuyết domino” đặt nền móng cho sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam. Sau này, John F.Kennedy và Lyndon B.Johnson sử dụng lý thuyết này để can thiệp vào miền Nam Việt Nam. Cụ thể, Tổng thống John F. Kennedy cho rằng: “Hoa Kỳ sẽ gánh vác mọi gánh nặng, liên kết với mọi đồng minh, chống lại mọi kẻ thù để bảo vệ thế giới tự do của chúng ta” và can thiệp ngày càng sâu hơn vào cuộc chiến tại Việt Nam. Tổng thống Lyndon B. Johnson đưa học thuyết này lên đỉnh cao bằng cách đưa quân viễn chinh Mỹ tham chiến, tiến hành chiến tranh cục bộ và ném bom toàn diện tại Việt Nam.
IV. Giải mã sức mạnh của hiệu ứng domino trong các lĩnh vực của đời sống
Tương tự từ góc độ địa chính trị thì nguyên lý hoạt động của domino cũng được mở rộng sang các khía cạnh khác của cuộc sống. Nhiều lần hiệu ứng này được giải mã nhằm mô tả các sự kiện nhỏ thay đổi có thể lan truyền và tạo ra những thay đổi lớn trong tổ chức, xã hội. Nhìn lại các ví dụ để thấy rõ.
Đầu tiên, xét trong lĩnh vực kinh tế:
Hiệu ứng Domino trong kinh tế xảy ra khi một sự kiện kinh tế ở một khu vực dẫn đến sự suy thoái ở các khu vực khác. Điển hình như cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. Khủng hoảng bắt đầu từ thị trường bất động sản ở Mỹ, nơi các ngân hàng đã cấp các khoản vay thế chấp cho những người không đủ khả năng trả nợ. Khi thị trường bất động sản sụp đổ, các ngân hàng gánh chịu khoản lỗ khổng lồ. Điều này dẫn đến sự sụp đổ của các ngân hàng Bear Stearns, Lehman Brothers và Merrill Lynch.
Sự sụp đổ của các ngân hàng này đã gây ra sự mất niềm tin trên thị trường tài chính trên thế giới. Các nhà đầu tư bắt đầu bán tháo tài sản, khiến giá cả giảm mạnh. Dẫn đến một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Để lại hậu quả 10.000 tỷ USD bị cuốn trôi, 30 triệu người mất việc, 50 triệu người quay lại cuộc sống nghèo nàn.
Hiệu ứng Domino trong tâm lý học là một minh chứng hấp dẫn cho thấy sự lan truyền của cảm xúc, tư duy hoặc hành vi của một cá nhân đến người khác.
Bạn có tin được không khi tư duy tiêu cực hoặc tích cực của mình có thể lây lan đến người khác?
Có rất nhiều quan niệm khác nhau về lây lan tâm lý tương tự như hiệu ứng domino:
Xét dưới góc độ y học, ông G. Lobon – một nhà tâm lý học xã hội coi đây giống như nạn truyền nhiễm. Còn với nghiên cứu của Nhà vật lý học người Đức Kerckhoff đã cho thấy: trong lây lan tâm lý các cá nhân có liên hệ tích cực với nhau và có xu hướng bắt chước những ứng xử của nhau.
Domino tự sát là ví dụ điển hình cho hiện tượng lây lan tâm lý này.
Hiệu ứng Domino tự sát (hay còn gọi là Werther) là hiện tượng tâm lý xã hội, trong đó các vụ tự sát liên tiếp xảy ra do sự truyền cảm hứng từ các vụ tự sát trước đó.
Hiệu ứng này được đặt tên theo nhân vật chính trong tiểu thuyết “The Sorrows of Young Werther” của nhà văn Goethe, vì sau khi tiểu thuyết này xuất bản năm 1774, có nhiều người đã tự sát theo cách của nhân vật chính.
Hiệu ứng Domino Tự sát là hiện tượng phổ biến trong các nhóm xã hội. Dưới sự lan truyền của mạng Internet, chuỗi hành vi tiêu cực trở thành khuôn mẫu hành vi cho những người cùng hoàn cảnh.
Cũng có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi có thông tin về một vụ tự sát, những người có nguy cơ cao có thể bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi sự kiện đó và có xu hướng bắt chước những hành động đó.
Quay trở lại những năm 70 của thế kỷ trước. Nhà xã hội học David Phillips tìm thấy bằng chứng về hiệu ứng Werther.
Cụ thể, sau cái chết của diễn viên Marilyn Monroe ngày 4/8/1962, số người chết vì tự tử ở Mỹ tăng 12% so với tháng trước.
Tương tự, 1/4/2003, ca sĩ Trương Quốc Vinh tự sát, 99 người tự tử theo, không ít thư tuyệt mệnh giải thích hành động của họ liên quan đến cái chết của Trương Quốc Vinh.
Nhìn vào biểu đồ này, bạn thấy đấy tỷ lệ tự tử ở Hàn Quốc năm 2008 tăng 162.3% trong vòng 3 tuần sau sự ra đi của nữ diễn viên Hàn Quốc Choi Jin-sil.
Tại Việt Nam, năm 2022 MV “There’s No One At All” của Sơn Tùng cũng bị cấm vì có cảnh nhảy lầu.
Domino có thể được vận dụng để giải quyết một vấn đề mà 90% chúng ta đều gặp phải đó là sự trì hoãn.
Hiệu ứng Domino cho biết rằng khi bạn thực hiện thay đổi đối với một hành vi, thì não sẽ sản sinh là một chất gọi là dopamine, chất này sẽ giúp bạn cảm thấy vui hơn, tập trung hơn, và có động lực để thay đổi trong các hành vi liên quan
Trong bài viết này James Clear đã chứng minh luận điểm trên bằng một ví dụ bằng một ví dụ:
một người phụ nữ tên Jennifer Dukes Lee. Từ bé đến lúc 40 tuổi, Lee không bao giờ dọn giường ngủ của mình.
Tại một thời điểm nào đó, cô quyết định thử cố gắng dọn dẹp giường của mình bốn ngày liên tiếp. Tuy nhiên, vào buổi sáng ngày thứ tư đó, khi dọn giường xong, cô cũng nhặt một chiếc tất và gấp vài bộ quần áo vứt bừa bãi trong phòng ngủ. Tiếp theo, cô vào bếp, kéo bát đĩa bẩn ra khỏi bồn rửa và xếp chúng vào máy rửa chén, sau đó sắp xếp lại Tupperware vào tủ và đặt một con lợn cảnh trên quầy bếp làm vật trang trí chính giữa.
Cô ấy đã áp dụng và thành công nhờ hiệu ứng domino
Bạn có nhận ra chính mình cũng đang gặp tình trạng tương tự. Khi nằm dài trì hoãn công việc, những hành động khác sau đó cũng bị ảnh hưởng theo?
Như thói quen kiểm tra điện thoại sẽ kéo theo thói quen chạm vào các thông báo mạng xã hội như Facebook, Twitter và rồi nó sẽ kích thích bạn truy cập vào các ứng dụng này để lướt Newfeed một cách vô thức. Sâu hơn, bạn lại tự tạo thói quen trì hoãn khoảng 20 phút gì đó thay vì bỏ qua các thông báo ấy và tập trung vào công việc.
Đến với 1 ví dụ khác liên quan đến sự sống của con người và các sinh vật trên trái đất thì sao? Liệu rằng nó có bị tác động bởi hiệu ứng domino hay không?
Bạn hãy thử tưởng tượng, một mẩu thuốc lá đang hút dở bị ném vào một khu rừng, khi ấy điều gì sẽ xảy ra. Tất nhiên một vụ cháy rừng khủng khiếp sẽ được tạo thành.
Tương tự, việc phá rừng với tần suất lớn sẽ gây ra hàng loạt các hiệu ứng domino tiêu cực.
Điển hình là việc phá rừng Amazon dẫn đến suy thoái diện rộng.
Cụ thể:
Theo báo cáo đánh giá của Amazon, tỷ lệ phá rừng đã gia tăng trong những năm gần đây, khiến diện tích ban đầu của Amazon bị mất gần 20%.
Còn theo nhà khoa học David M. Lapola và cộng sự thì diện tích rừng còn lại không được bảo tồn hoàn toàn vì ít nhất 20% diện tích rừng khác cũng đã bị ảnh hưởng theo.
Hiệu ứng domino liên quan đến mất rừng và suy thoái rừng xuất phát từ mối quan hệ giữa rừng và vòng tuần hoàn nước.
Vòng tuần hoàn của nước bắt đầu từ đại dương nhờ năng lượng mặt trời làm bốc hơi nước, dẫn đến độ ẩm trong không khí. Độ ẩm này được vận chuyển đến vùng lục địa từ đó dẫn đến mưa. Nước từ mưa ngấm vào lòng đất hoặc chảy ra sông, ra biển rồi khép lại chu trình.
Tuy nhiên vòng tuần hoàn này đã thay đổi khi có rừng Amazon. Khi trời mưa, cây hấp thụ nước từ đất và thông qua quá trình thoát hơi nước tái tạo lại độ ẩm trong các đám mây.
Khoảng một nửa lượng mưa ở Amazon được cây cối tái chế
Ít cây hơn đồng nghĩa với việc rừng ít thoát hơi nước hơn. Vì vậy, phá rừng làm giảm đáng kể lượng nước có sẵn ở những nơi khác trong rừng, cây bị ảnh hưởng thoát hơi ít hơn và cuối cùng chết, dẫn đến suy thoái ở các khu vực khác.
Trước đó các nhà nghiên cứu từ CPI/PUC -Rio đã xây dựng mô hình rừng và khí hậu để điều tra sự tồn tại và mức độ của hiệu ứng Domino ở Amazon sau đó đã chỉ ra kết luận rằng:
Trung bình cứ 100 cây bị phá thì sự suy thoái tương đương với 22 cây chết thì thiếu nước.
Kịch bản suy thoái rừng trong 30 năm cứ thế được hình thành. Hiện tại, khoảng 20% diện tích Amazon bị phá hủy, trong năm tới sẽ thêm 13% diện tích rừng bị suy thoái theo kịch bản A
Tuy nhiên, nếu nạn phá rừng đạt ngưỡng 40% thì sẽ có thêm 20% diện tích rừng bị suy thoái trong 30 năm tới tịch bản B
Tại thời điểm này, Amazon sẽ mất khoảng 60% mật độ thực vật dẫn đến tình trạng suy thoái khí hậu ở khu rừng nhiệt đới.
V. Kết luận
Quay trở lại những năm 1948 – 1975, Hoa Kỳ đã thất bại trong việc lật đổ những quân domino tại Châu Á. Trật tự thế giới cũng thay đổi không ít từ đây.
Một quyết định của ai đó có thể kích hoạt những sự kiện liên hoàn, và làm thay đổi toàn cục diện địa chính trị của cả 1 châu lục ở bên kia đại dương.
Sức mạnh của Domino không nằm ở những quân bài đầu tiên sụp đổ, mà ở cách mà nó tác động tới những quân bài tiếp theo, tạo nên 1 phản ứng không thể ngăn cản.