Bà Brittany Edwards, một trong 5.000 phụ huynh tại Mỹ đang khởi kiện TikTok vì “hủy hoại” cuộc đời của con cái họ.
Người mẹ này đã vô cùng tức giận khi con gái 12 tuổi đã đăng nội dung “tự ***” lên TikTok.Bạn có biết rằng, đằng sau đó chính là một “tên tội phạm” mà nhiều người trong chúng ta đã từng nghe tên – dopamine.
Không chỉ trẻ em mới dễ bị lôi cuốn, người lớn cũng vô thức biến mình thành những “con nghiện” tìm kiếm sự hưng phấn bất cứ lúc nào.
Vì sao lại thế?
Nội dung bài viết
I. Dopamine là gì?
Dopamine là một hóa chất hữu cơ, là chất dẫn truyền thần kinh có vai trò quan trọng trong não và cơ thể. Trong não, dopamine hoạt động do các tế bào thần kinh giải phóng để gửi tín hiệu đến các tế bào thần kinh khác.
Bạn có tò mò, vì sao dopamine thường được xem là hóa chất chính của cảm giác hạnh phúc không? Đó là bởi, khi thực hiện những hoạt động như chạy bộ đủ dài hay đọc một cuốn tiểu thuyết thú vị, não bộ giải phóng dopamine, mang lại trạng thái vui sướng.
Những video như thế này khiến nhiều người xem không rời mắt là bởi chúng có thể khơi gợi tình cảm gia đình. Những người xa xứ chính là những người cảm nhận được rõ nhất niềm hạnh phúc mà dopamine mang lại. Khi ta không ở bên người thân sau một quãng thời gian dài, cảm giác hạnh phúc và gần gũi xuất hiện, không chỉ là do tình cảm mà còn là thành quả của dopamine. Chúng ta có thể quên đi những mệt mỏi dọc đường và tâm trí lúc này ở trong trạng thái vui vẻ, tích cực.
Cũng chính vì vậy, nhiều người gọi dopamine là hormone hạnh phúc.
II. “NGHIỆN” Dopamine
Vậy thì, dopamine có phải là một chất gây nghiện không? Câu trả lời là có, nhưng dopamine gây nghiện như thế nào? Hãy cùng xem thí nghiệm sau đây.
Đây là con chuột của nhà tâm lý học Skinner. Trong chiếc hộp, mỗi lần nhấn cần gạt là con chuột sẽ nhận được một viên thức ăn. Hành động này liên tục được lặp lại và con chuột nhanh chóng hiểu rằng nhấn cần gạt nhiều lần sẽ nhận được nhiều thức ăn. Đó chính là Dopamine.
Và chúng ta cũng vậy, hàng ngày lặp đi lặp lại rất nhiều hành động cho đến khi vô thức “nghiện”. Chẳng hạn, việc sử dụng mạng xã hội trước khi đi ngủ đã trở thành một thói quen phổ biến đối với nhiều người, ở mọi lứa tuổi, chủ yếu là bởi 2 nguyên nhân chính.
Đầu tiên, mạng xã hội giúp kết nối với mọi người. Bạn có thể nói chuyện với bất kỳ ai, ở bất cứ đâu. Thế giới ảo đã làm con người giảm bớt cô đơn và tăng cảm giác hạnh phúc.
Thứ hai, mạng xã hội là một nguồn thông tin và giải trí đa dạng, giúp não bộ giảm căng thẳng và tạo sự thoải mái trước khi vào giấc ngủ.
Tuy vậy, nhiều nguồn tin trên mạng không được theo dõi, kiểm duyệt kỹ càng, dẫn đến nhiều nội dung độc hại xuất hiện tràn lan. Đây có lẽ cũng là nguyên nhân khiến con gái bà Brittany Edwards bị cuốn theo những video trên TikTok và bắt chước chúng. Dopamine lúc này sẽ gia tăng cảm giác vui vẻ và hưng phấn, ham muốn sử dụng tăng cao. Đây cũng là cơ chế giải thích sự đa dạng trong việc phản ứng của mọi người đối với các yếu tố kích thích dopamine.
Thực sự là vậy, Dopamine hoàn toàn có thể khiến bạn chìm đắm trong thế giới mạng ảo.
Một số chuyên gia chăm sóc sức khỏe cảnh báo thiết kế của TikTok thúc đẩy hành vi gây nghiện, ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, thậm chí gây lo lắng hay trầm cảm, hiện tượng được gọi là bộ não TikTok.
Tương tự, chơi các trò chơi điện tử cũng có thể gây nghiện. Các trò chơi thiết kế để cung cấp thách thức và mục tiêu, đồng thời tạo ra một không gian thưởng thức giải trí. Khi qua được cấp độ mới trong trò chơi, não bộ phát thải dopamine, thôi thúc tâm trí nhấn chọn tiếp tục.
Khi trở nên quá mức và mất kiểm soát, hành vi này có thể dẫn đến sự phụ thuộc, gây ra các vấn đề về tâm lý sức khỏe và làm suy giảm chất lượng cuộc sống.
Hãy nhìn lên thống kê sau đây.
Hàng ngày, chúng ta dành tới 6 tiếng 23 phút để sử dụng các thiết bị công nghệ. Điều này đưa Việt Nam chúng ta đứng ở vị trí thứ 27 trong số 45 quốc gia được thống kê. Nhưng đây chỉ là phần nhỏ của câu chuyện. Hãy thử nghĩ xem, một ngày có 24 giờ, và trong đó, trung bình bạn dành 2 tiếng rưỡi để trò chuyện với bạn bè, gia đình qua mạng xã hội, và gần 1 tiếng rưỡi để thả mình vào thế giới ảo của các trò chơi điện tử.
Các bạn có nhận ra rằng, đây là những khoảng thời gian mà chúng ta thường thấy nó trôi qua rất nhanh, khác hẳn với khi làm những công việc buồn tẻ. Với mỗi click chuột hay lướt màn hình, là lúc cuộc sống của chúng ta bị cuốn theo cơn nghiện của chính mình.
Chưa hết, hãy tiếp tục nhìn lên biểu đồ trên màn hình, hơn 1 nửa thời gian sử dụng các thiết bị công nghệ chúng ta dành ra là để xem video trực tuyến. Tiếp đó là sử dụng mạng xã hội với tỉ lệ là hơn 12%, và cuối cùng là chơi game với gần 10%.
Những thống kế này cho thấy chúng ta đang ngày càng phụ thuộc vào công nghệ và cuộc sống trực tuyến, đặc biệt là khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.
Trong và sau đại dịch này, thế giới trực tuyến trở thành nơi trú ẩn cho nhiều người trẻ, họ sử dụng điện thoại, máy tính nhiều hơn hẳn.
III. Tác hại khôn lường của Dopamine
Theo thống kê từ Bệnh viện Bạch Mai, có tới gần một nửa bệnh nhân điều trị nội trú về nghiện Internet và trò chơi online nằm trong độ tuổi 10-24. Mỗi tháng có đến 3-4 trẻ phải nhập viện điều trị.
Hãy cùng xem một trường hợp sau.
Wade muốn một kết thúc có hậu cho trò chơi của mình, và hệ quả là anh ta dành đến 13 tiếng 1 ngày để chơi game.
Chúng ta không chỉ đang nhìn vào những con số, mà còn là những câu chuyện đằng sau chúng. Cuộc sống trực tuyến không chỉ là về dữ liệu và số liệu, mà còn là về con người, về những niềm vui, thách thức và thậm chí là những khó khăn mà mỗi người chúng ta đang trải qua. Cuộc sống trực tuyến hóa ra đem đến nhiều yếu tố tiêu cực hơn.
Đây cũng là kết quả từ nghiên cứu của PubMed Central khi cho rằng những điều không mấy tích cực sẽ kích thích não sản xuất nhiều dopamine hơn, khiến chúng trở nên hấp dẫn và mời gọi hơn so với các kích thích lành mạnh khác.
Điều này có thể giải thích tại sao một số người dễ rơi vào các hành vi tiêu thụ kích thích có hại, mặc dù họ có thể có nhận thức về những hậu quả tiêu cực của chúng.
Một khi đã mất kiểm soát, chúng ta có thể vô thức lặp đi lặp lại những hoạt động vô nghĩa. Chúng ta chỉ định lướt mạng xã hội 1 phút, nhưng 1 tiếng rồi 2 tiếng, 3 tiếng trôi qua. Chúng ta nghiện lúc nào không hay.
Nhưng chính xác thì Dopamine đã khiến chúng ta trở thành con nghiện bằng cách nào?
Đây là quá trình dopamine biến chúng ta thành con nghiện.
Bắt đầu từ việc, một lượng nhỏ của chất truyền dẫn này có thể kích thích mạnh mẽ cảm giác hưng phấn, não bộ sẽ dần tạo ra một liên kết giữa hành vi gây nghiện và trạng thái hứng khởi.
Tuy nhiên, theo thời gian, não bộ thích nghi với lượng dopamine đó, dẫn đến hiện tượng phụ thuộc. Điều này có nghĩa là, để đạt được cảm giác tương tự, người nghiện cần phải tiêu thụ lượng lớn hơn của chất kích thích hoặc thực hiện hành vi gây nghiện.
Khi không có đủ dopamine được cung cấp, chúng ta có thể trải qua cảm giác lo lắng, bồn chồn, và khó chịu. Đây là dấu hiệu của sự thiếu hụt dopamine, và người nghiện sẽ có xu hướng tìm kiếm phương pháp để tái tạo cảm giác hưng phấn, thường bằng cách tiếp tục sử dụng chất kích thích hoặc thực hiện hành vi gây nghiện.
Sự lạm dụng dopamine có thể dẫn đến việc giảm đáng kể về độ nhạy của hệ thống não bộ, khiến chúng ta cần lượng dopamine ngày càng lớn để đạt được cảm giác hạnh phúc. Đây cũng là một yếu tố góp phần vào hiện tượng nghiện, đồng thời giảm khả năng kiểm soát của não.
Nhưng, tại sao một số người trở nên nghiện trong khi người khác thì không?
Nguy cơ nghiện có thể được dự đoán thông qua sự kết hợp của ít nhất bốn yếu tố sau: Các yếu tố sinh học, Môi trường xã hội, Tuổi tác và Thời kỳ phát triển.
Trong quá trình này, cơ hội tiếp cận và sử dụng chất gây nghiện đóng một vai trò quan trọng.
Yếu tố sinh học, ví dụ như gen của chúng ta, chiếm khoảng một nửa của nguy cơ nghiện, khi kết hợp với ảnh hưởng của môi trường. Giới tính, chủng tộc, và các rối loạn tâm thần cũng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ bị nghiện của con người.
Môi trường sống đóng vai trò quan trọng trong việc tác động đến nguy cơ nghiện. Hoàn cảnh gia đình, tình trạng kinh tế xã hội, chất lượng cuộc sống đều ảnh hưởng đến quá trình này. Những yếu tố như mối quan hệ với bạn bè, tình trạng bị lạm dụng thân thể, mức độ stress, và chất lượng giáo dục có thể tác động đến cơ hội lặp lại hành vi và gia tăng khả năng nghiện.
Mặc dù dopamine được biết đến là một chất dẫn truyền thần mang lại cảm giác vui vẻ và thoải mái, nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tâm thần và cơ thể con người. Vậy cơ thể chúng ta sẽ ra sao khi thiếu dopamine?
Trí nhớ và khả năng tư duy giảm là những dấu hiệu thường gặp nhất khi nghiện. Hãy thử nghĩ xem, một ngày của bạn sẽ bắt đầu bằng sự mệt mỏi, đi làm nhưng luôn trong trạng thái thiếu năng lượng, đầu óc hay quên và hiệu suất công việc cũng giảm theo.
Chưa hết, sự biến động cảm xúc và tâm trạng bất ổn là những biểu hiện khác, cùng với việc ăn uống trở nên không ngon miệng. Trạng thái thiếu hormone có thể gây ảo giác và tăng khả năng xuất hiện trạng thái trầm cảm, với suy nghĩ tiêu cực.
Mặc dù, sự cần thiết của dopamine là không thể phủ nhận, nhưng khi dành quá nhiều thời gian và năng lượng cho những hoạt động chỉ vì cảm giác hưng phấn mà không có lợi ích thực sự, chúng ta đang đối mặt với rủi ro của sự lạm dụng dopamine. Sự mỏng manh giữa việc sử dụng dopamine để tận hưởng cuộc sống và việc lạm dụng nó thực tế đang là một thách thức lớn.
Nếu không cẩn thận, khi lợi dụng dopamine quá sức, hậu quả sẽ khôn lường.
Vậy việc lạm dụng dopamine sẽ tàn phá cơ thể như thế nào?
Một trong những rối loạn tâm thần phổ biến mà dopamine có liên quan đến là tâm thần phân liệt.
Các nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa hàm lượng siêu dopamine trong một số trung khu não bộ và khả năng kích thích ảo giác và ảo tưởng. Những người mắc bệnh này thường trải qua những trạng thái tưởng tượng không thực, điều này góp phần làm thay đổi quan điểm của họ về thế giới xung quanh.
Ngoài ra, dopamine còn liên quan đến rối loạn tăng động giảm chú ý. Các nghiên cứu chỉ ra rằng thiếu hụt dopamine có thể là một trong những nguyên nhân gây ra rối loạn này.
Người bị rối loạn tăng động giảm chú ý có thể gặp khó khăn trong việc tập trung, hoàn thành công việc và duy trì quan hệ xã hội. Đây là một rối loạn tâm thần phổ biến thường gặp ở trẻ em và có thể kéo dài đến khi trưởng thành.
Bên cạnh đó, lạm dụng chất gây nghiện là một vấn đề nghiêm trọng khác liên quan đến dopamine. Các chất gây nghiện như ma túy, rượu bia, cờ bạc… đều kích thích gia tăng hàm lượng dopamine.
Lâu dần, để đáp ứng cảm giác càng mạnh thì càng phải sử dụng với hàm lượng chất gây nghiện càng lớn.
Dopamine không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần mà còn đóng vai trò quan trọng trong nhiều bệnh lý khác.
Bệnh Parkinson là một ví dụ điển hình. Các tế bào thần kinh không sản xuất đủ dopamine, dẫn đến các triệu chứng như run, cơ bị cứng, chuyển động chậm tự phát và cân bằng kém. Để điều trị bệnh Parkinson, các loại thuốc được sử dụng để tăng cường hàm lượng dopamine trong cơ thể.
Nhiều người trong chúng ta cũng bị dopamine chi phối trong ăn uống. Dopamine ảnh hưởng đến mức độ ham muốn ăn uống, và những người mắc bệnh béo phì thường không giải phóng đủ dopamine và serotonin – một chất dẫn truyền tín hiệu cho các tế bào thần kinh, điều chỉnh khả năng vận động, cảm xúc và cảm giác thèm ăn. Điều này dẫn đến việc ăn một lượng lớn thức ăn mà vẫn chưa cảm thấy hài lòng.
IV. Biện pháp khắc phục
Dopamine không chỉ là một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng đóng vai trò trong nhiều hoạt động của não bộ, mà còn đóng góp vào hiểu biết về cơ chế nghiện. Hiểu rõ về cách dopamine ảnh hưởng đến tâm trạng, hành vi và thậm chí là quyết định của chúng ta có thể giúp chúng ta phòng tránh những tác động tiêu cực của nghiện.
Nếu bạn đang có dấu hiệu của nghiện, đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia, bác sĩ. Đây là bước đầu quan trọng trên con đường hồi phục.
Điều trị nghiện là một quá trình khó khăn và cách tốt nhất là phòng bệnh còn hơn chữa bệnh.
Vậy chúng ta cần làm gì để luôn kích hoạt một cơ thể khỏe mạnh với trạng thái tích cực.
Đầu tiên, bạn cần tránh xa những thứ có thể làm tăng dopamine một cách đột ngột như thuốc lá, ma *** hay cần **.
Bên cạnh đó, bạn nên xác định mục tiêu rõ ràng khi tập luyện các môn thể thao hay những công việc hàng ngày. Đặt mục tiêu cho những hoạt động cá nhân như như yoga hay bơi lội sẽ giúp chúng ta duy trì tâm lý cân bằng mà không cần phải dựa vào những thứ kích thích từ bên ngoài.
Khi đạt được mục tiêu luyện tập, cơ thể sẽ kích thích sản xuất thêm nhiều hormone dopamine.
Dopamine không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra niềm vui. Nó còn tham gia vào nhiều hoạt động khác trong cơ thể, như kiểm soát chuyển động, quản lý trạng thái tinh thần, và đặc biệt quan trọng trong quá trình học tập và nhớ thông tin. Do đó, sự cân bằng đúng đắn của dopamine là quan trọng để duy trì một tâm trạng tích cực và sức khỏe tốt.
Hormone hạnh phúc thực ra luôn có sẵn trong mỗi người, bạn chỉ cần biết cách để kích hoạt nó một cách hợp lý mà thôi.