Sau chiến tranh thế giới thứ 2, nước Đức bại trận… Đức Quốc Xã hoàn toàn sụp đổ, phần lớn mọi người lúc này quan tâm đến cục diện thế giới, và việc phân chia quyền lực giữa các cường quốc với nhau trên bàn đàm phán. Người ta sẽ nói về việc Mỹ định làm gì tiếp theo? Liên Xô liệu có lan rộng tầm ảnh hưởng của mình, hay Anh và Pháp được chia bao nhiêu lợi ích?… Tuy nhiên một nhóm người khác lại không quan tâm lắm đến điều đó. Họ là những thợ săn kho báu, và thứ mà họ quan tâm chỉ là số của cải khổng lồ còn thất lạc mà Hitler đã chôn giấu. Thật vậy, vì sụp đổ một cách quá nhanh chóng Đức Quốc Xã gần như không kịp có cơ hội để sắp xếp cho ngày ra đi một cách cẩn thận nhất. Vô số của cải, tiền bạc của Đế Chế thứ 3 còn nằm rải rác khắp nơi trên thế giới mà không thể thu hồi… Chúng gồm vàng bạc châu báu, tác phẩm nghệ thuật và những hiện vật có tính lịch sử lâu đời. Các kho báu ấy có thể trị giá trị từ hàng triệu cho đến hàng tỷ USD. Trong khi các ông lớn lớn có cuộc đua của họ về quyền lực trên thế giới, thì những người săn tìm kho báu cũng có một cuộc đua khác. Cuộc chạy đua tìm kiếm “ Những kho báu thất lạc của Đức Quốc Xã”
Nội dung bài viết
I. Đức Quốc Xã giấu kho báu ở hồ
Đây là hồ , nằm trên dãy núi Alps…Nó có độ sâu lên đến 100m, sâu hơn khá nhiều so với các hồ nước cùng kích cỡ. Người dân địa phương đặt biệt danh cho hồ là “Ngọc trai đen”, không chỉ vì nước hồ có màu sẫm mà còn vì vẻ đẹp mê hồn của quang cảnh xung quanh. Để tới được đây, bạn phải vượt qua ba con đèo tương đối nguy hiểm và hầu hết là không thể sử dụng phương tiện giao thông. Nhưng những khó khăn ấy chẳng thể ngăn đoàn người săn tìm kho báu cùng các nhà thám hiểm đổ về nơi này. Họ đến đây vì kho báu tỷ USD mà Đức Quốc Xã đang giấu ở đâu đó dưới mắt nước kia…
Câu chuyện về kho báu khổng lồ phải được kể từ khi thế chiến thứ 2 còn đang diễn ra khốc liệt…Đức Quốc Xã chọn nơi này như chỗ để cất giấu các tài liệu mật và những của cải đã cướp bóc được. Mệnh lệnh đó được chỉ đạo bởi người đàn ông này – August Eigruber. Ông ta là một quan chức cấp cao trong lực lượng SS và cực kỳ có uy tín trong quân đội. Cứ như vậy một lượng lớn tài liệu mật cùng vàng bạc, của cải được vận chuyển tới hồ Toplitzsee. Toàn bộ khu vực xung quanh cũng nhanh chóng được canh giữ và bảo vệ nghiêm ngặt trong suốt những năm tháng sau đó. Năm 1945 – Berlin sụp đổ, các lực lượng Đức Quốc Xã cũng rời đi mà chẳng kịp làm gì. Lúc này đối với họ có lẽ giữ mạng mới là quan trọng nhất…
II. Lời kể về kho báu của một sĩ quan SS
Không lâu sau khi chiến tranh kết thúc Franz Gottlich – một cựu quân nhân phục vụ trong quân đội Đức Quốc Xã đã khiến rất nhiều người phấn khích bởi một thông tin chấn động.
Ông tuyên bố rằng Đức Quốc xã từng đóng gói 30 chiếc hòm sắt chứa các tài liệu bí mật, vàng, đá quý, đồ trang sức cùng nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị và giấu chúng xung quanh khu vực hồ Toplitszee.
Tất cả những thứ này đã được chuyển đến hồ một cách vội vàng bằng xe tải quân sự và nhấn chìm xuống nước ngay sau đó.
Đích thân Franz Gottlich nhận nhiệm vụ dẫn đầu đội lính hộ tống kho báu này tới địa điểm chỉ định.
Cuộc di chuyển huy động đến hàng trăm người, trong đó có cả các tù nhân để thực hiện những công việc nguy hiểm.
Lời kể của một cựu binh Đức Quốc Xã đã thuyết phục hầu hết mọi người. Và rồi lần lượt từng đoàn thám hiểm, thợ săn kho báu đổ về nơi này với hy vọng đổi đời…
III. Những thứ được tìm thấy dưới hồ bởi thợ săn kho báu
Vậy họ đã tìm được những gì?
Cho đến nay khá đáng tiếc là những thứ được vớt lên chưa tương xứng với những gì người ta kỳ vọng.
Năm 1959, một nhóm thợ lặn người Đức đã đưa lên 10 chiếc hòm sắt từ đáy hồ. Tuy nhiên bên trong chỉ có tổng cộng khoảng 50 nghìn bảng Anh và tất cả đều là tiền giả.
Rất có thể đây là chính là vật phẩm phục vụ chiến dịch bí mật “Bernhard” của Đức Quốc xã trong thời kỳ 1939 đến 1942. Chiến dịch này là một âm mưu làm suy yếu và phá hủy nền tài chính nước Anh của Hitler.
Dưới sự chỉ đạo của ông ta, các tù nhân ở trại tập trung đã thiết kế và in ra những đồng bảng giả hoàn hảo. Số tiền này đã được sử dụng để mua vũ khí, trả tiền cho các hoạt động của các đặc vụ bí mật…
Cùng thời điểm đó, có một chiếc hòm được đánh dấu “B-9” cũng đã được đưa lên trên. Người ta tuyên bố trong đó chỉ có danh sách một số tù nhân của trại tập trung, cũng như các tài liệu mật của Tổng cục An ninh.
Tuy nhiên vật phẩm này thì khác những chiếc hòm đầu tiên một chút. Ngay sau khi tìm ra B-9 thì nguồn tài trợ cho hoạt động tìm kiếm kho báu đã đột ngột dừng lại một cách khó hiểu. Chiếc hòm đã được lấy đi ngay lập tức và không có thêm bất cứ thông tin nào sau này.
Rõ ràng là nó có điều gì đó rất mờ ám ở đây…
Các chuyên gia cho rằng việc chấm dứt nghiên cứu sau khi phát hiện ra chiếc hòm “B-9” không chỉ đơn giản là từ bỏ khi không hiệu quả. Rất có thể trong đó có danh sách các nhân viên mật của tình báo Đức, mà phần lớn trong số họ cho đến nay vẫn đang giữ những chức vụ cao tại các công ty, ngân hàng và thậm chí trong chính phủ.
Việc tiết lộ thông tin như vậy sẽ là một vụ bê bối chính trị lớn chấn động thế giới
Và cũng không ngoại trừ việc trong chiếc hòm đó còn có thể có cả các số tài khoản ngân hàng của Thụy Sĩ chứa hàng tỷ USD tài sản mà quân Đức cướp bóc được trong chiến tranh.
Đó chính là kho báu mà tất cả đang tìm kiếm….
Năm 1984, giáo sư người Đức Hans Fricke đã thực hiện một nỗ lực mới nhằm nghiên cứu đáy hồ.
Ông tuyên bố mục đích nghiên cứu của mình hoàn toàn mang tính khoa học , chứ không phải là tìm kho báu của Đức Quốc xã.
Để lặn xuống hồ, ông đã sử dụng tàu ngầm mini . Ở độ sâu khoảng 75 đến 80m.
Đúng là trong quá trình khám phá, Fricke có phát hiện ra những đồng tiền bảng giả, nhưng ở đó lại không có vàng. Nó cũng giống như những gì mà người ta vớt lên được trước đó mà thôi.
Tuy nhiên có không ít điều bí ẩn xung quanh vị giáo sư này khiến người ta đặc biệt chú ý.
Đầu tiên là người ta thấy rằng cuộc nghiên cứu của ông diễn ra rất lâu. Một cuộc nghiên cứu như vậy chắc chắn là cực kỳ tốn kém về cả nhân lực và vật lực.
Vậy mà toàn bộ kết quả của nó chỉ là việc phát hiện ra một loài sâu thủy sinh lạ. Ông tuyên bố nó cần được nghiên cứu kỹ vì có ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái của hồ.
Nhưng rồi sau đó cũng chẳng có báo cáo kết quả nào được công khai cả. Trái lại, theo lời kể của các nhân chứng, họ nhiều lần thấy Fricke rời đi trong một chiếc ô tô đầu kéo chứa những chiếc hòm sắt. Rất có thể đây là những tài liệu mật của Đệ tam Quốc xã, mà có một tổ chức bí ẩn đang cần đến
Hoặc cũng có thể chiếc hòm chứa thứ gì đó đủ giá trị để bù đắp được chi phí cho cuộc thám hiểm tốn kém của ông hay chăng?
IV. Kết quả của cuộc tìm kiếm năm 2001
Năm 2001, nhiều thứ có giá trị đã được tìm thấy dưới đáy hồ. Đây có lẽ cũng là một phần công sức của tàu lặn biển sâu hiện đại mà trước đó đã thể hiện được ưu thế. May mắn đã đến ngay từ lần lặn đầu tiên. Ở dưới đáy hồ người ta đã tìm thấy và đưa lên 10 chiếc hòm sắt và chúng lập tức được vận chuyển đến Salzburg. Không ai biết được bên trong đó thật sự là gì.
Dù những gì được tìm thấy cho đến nay vẫn chưa hề xứng đáng với kỳ vọng nhưng người ta vẫn tin rằng ở dưới đáy hồ này có thể lưu giữ khoảng 50 kho báu khác nhau.
Đó không chỉ là vàng, đồ trang sức cổ, đá quý, các hiện vật nghệ thuật, mà còn có các tài liệu mật, bộ sưu tập tem của Goering, kim cương, các đồng xu cổ quý hiếm.
Theo quy định của Hội nghị Potsdam năm 1945, tất cả số vàng mà Đệ tam Quốc xã cướp được phải được chia cho 4 quốc gia thắng trận trong Thế chiến II, trong đó có Liên Xô, và sẽ có ít nhất 100 tỷ USD cho mỗi bên.
Tuy nhiên trước hết chúng cần phải được tìm thấy. Điều này có nghĩa là ko báu thật sự là có, nhưng người ta không thể biết được chúng nằm ở đâu cả.
Cuộc đi săn tại Hồ Toplitzsee vẫn đang tiếp tục cho tới tận ngày nay, dù cho nó không còn ồn ào và tấp nập như trước.
Người ta sẵn sàng chấp nhận rủi ro, thậm chí là mất mạng để cho mình một cơ hội.
Không ít người đã mất mạng khi đến hồ Toplitzsee tìm kiếm kho báu. Từ năm 1946 đến năm 1983, lòng hồ lạnh lẽo đã cướp đi mạng sống của khoảng 40 người thợ săn kho báu. Trong đó có một số người từng là lính SS trong Thế chiến II có liên quan đến nơi này.
Năm 1983, hồ Toplitzsee chứng kiến một sự cố bi thảm xảy ra với ba khách du lịch người Đức. Một người trong số họ đã dùng thiết bị lặn bơi xuống đáy hồ để khám phá, sau đó thiệt mạng do đứt đoạn ống thở oxy.
Sau khi điều tra, người ta mới phát hiện những người Đức này đều từng là thành viên của SS trong Thế chiến II. Và như bạn biết, thì họ hẳn không phải đến đây với mục đích để đi du lịch.
V. Giả thuyết về việc tại sao kho báu chưa được tìm thấy
Dẫu cho người ta đã tìm kiếm mọi ngóc ngách có thể, sau hàng trăm nỗ lực, kho báu trị giá tỷ USD vẫn chưa xuất hiện.
Tại sao lại như vậy?
Lý do đầu tiên là do hồ quá rộng lớn và điều kiện tìm kiếm khó khăn hơn so với chúng ta tưởng tượng rất nhiều.
Hồ Toplitzsee nằm ở độ cao 760 mét so với mực nước biển, trong một thung lũng hẹp, dốc được bao phủ bởi khu rừng rậm rạp. Chỉ có một con đường đất dài hàng dẫn đến khu vực mặt nước.
Hồ dài gần 2.000m, có chiều rộng từ 150 đến 300m. Ở một số nơi, hồ sâu tới 100 mét. Nhưng chỉ khoảng 18 mét tính từ mặt nước là có oxi. Dưới độ sâu này các sinh vật không thể sống sót do điều kiện khắc nghiệt.
Cùng với đó trung bình hồ sẽ đóng băng trong khoảng 5 tháng mỗi năm. Với việc thời gian tìm kiếm bị giới hạn, đường đi hiểm trở cộng với sự bất thường trong điều kiện nước sâu dưới hồ, khó khăn trong tìm kiếm là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên ngày nay chúng ta có các thiết bị hiện đại, thám hiểm đến cả đáy đại dương còn có thể thì hồ Toplitzsee có lẽ không phải vấn đề quá lớn.
Cá nhân tôi thiên về một giả thuyết khác, đó là kho báu không thật sự nằm dưới lòng hồ.
Đúng vậy, bởi theo lẽ giấu kho báu ở dưới nước là việc làm không thường thấy. Cũng giống như các thợ săn kho báu tiếp cận với hồ Toplitzsee, những người đi giấu kho báu cũng gặp phải khó khăn tương tự.
Không những vậy môi trường nước dù là không có Oxi, hạn chế được sự phát triển của các yếu tố gây hại nhưng vẫn sẽ khiến vật phẩm bị ảnh hưởng không tốt trong nhiều năm.
Có lẽ thông tin về việc kho báu hàng tỷ USD ở dưới lòng hồ chỉ là một biện pháp đánh lạc hướng khỏi nơi chôn giấu kho báu thật sự.
Ngay cả những người lính được huy động ngày đó cũng nằm trong tính toán, nhằm để họ tung ra tin tức này và khiến nó đáng tin cậy hơn nữa.
Hàng tỷ USD là số tiền không hề nhỏ, vì thế có khả năng rất lớn là nó đã nằm đâu đó trong một boongke kiên cố hay hầm ngầm quân sự bí mật trên đất Đức, hay chí ít là ở trong tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ của một người thân cận nào đó với Hitler.
Hoặc cũng có thể nó đã được di tản trước khi quá muộn nhưng gặp phải sự cố và nằm lại dưới đáy biển lạnh lẽo…Đừng xem nhẹ khả năng này, chúng ta sẽ nói về nó kỹ hơn ở phần tiếp theo..
Thông thường những cuộc săn lùng kho báu của Hitler cho đến nay đều không có kết quả nào rõ ràng. Hoặc những kết quả thật sự có được thì đều bị giấu nhẹm.
Vậy tại sao sau ngần ấy thời gian, người ta vẫn không thôi hứng thú với cuộc săn lùng không hồi kết này?
Câu trả lời là bởi càng ngày lại càng có nhiều tài liệu, ghi chép hay một hồ sơ nào đó được giải mật chỉ ra vị trí các kho báu ấy.
Mới chỉ cách đây vài năm, vào năm 2020, một cuốn nhật ký được viết cách đây 75 năm bởi một binh sĩ thuộc lực lượng vũ trang SS đã tiết lộ vị trí của 28 tấn vàng mà Đức Quốc Xã để lại.
Một lần nữa thông tin này lại làm dậy sóng cộng đồng những người săn tìm kho báu. Người bĩnh sĩ mang bí danh “Michaelis”, đã nêu tóm tắt kế hoạch của Heinrich Himmler, thống chế đội cận vệ của Đức Quốc Xã, nhằm che giấu những của cải vô giá cướp bóc ở châu u trong cuốn nhật ký.
Một trong số các địa điểm được nhắc đến như nơi chôn giấu kho báu là miệng giếng bỏ hoang sâu gần 60 m, nằm dưới cung điện thế kỷ 16 Hochberg ở làng Roztoka, phía tây nam Ba Lan như chúng ta đang được thấy.
Kho báu gồm những thỏi vàng ở đáy giếng được cho là đến từ ngân hàng Reichsbank ở thị trấn Breslau. Ngày nay địa điểm này là thành phố Wrocław của Ba Lan, ước tính trị giá hàng tỷ USD.
Trong nhiều thập kỷ sau Thế chiến II, nhật ký Michaelis được cất giấu ở thị trấn Quedlinburg của Đức. Cuốn nhật ký thuộc sở hữu của một hội quán thuộc hội Tam Điểm.
Đây là hội kín vô cùng quyền lực và đã tồn tại hơn 1000 năm trên thế giới. Có lẽ chúng ta sẽ phải dành riêng một video để nói về hội kín đang góp phần thao túng thế giới này.
Những quan chức cấp cao của Đức Quốc Xã cũng là thành viên của hội quán cùng Michaelis.
Bên trong cuốn nhật ký có bản đồ đánh dấu vị trí của miệng giếng ở khuôn viên cung điện Hochberg, nơi cất kho báu của Đức Quốc Xã.
Tài liệu cũng cho biết sau khi cất giấu kho báu, Đức Quốc Xã đã giết những nhân chứng và phi tang xác dưới giếng, sau đó dùng thuốc nổ để bịt kín miệng giếng.
Các chuyên gia bảo tồn xác định cuốn nhật ký được viết vào Thế chiến II, nhưng Bộ Văn hóa và Di sản quốc gia Ba Lan chưa xác nhận độ tin cậy của nó.
Tuy nhiên, cung điện nằm ở vùng Hạ Silesia, là khu vực có nhiều hang động, hầm mỏ và những lâu đài và cung điện với hầm ngầm rộng.
Đây rõ ràng là nơi rất thích hợp cho Đức Quốc Xã cất giấu của cải, thậm chí cả tác phẩm nghệ thuật lớn mà vẫn đảm bảo tính nguyên vẹn.
Hiện nay, những người chủ của cung điện Hochberg đang lên kế hoạch tu sửa công trình và công tác bảo tồn sẽ bao gồm tìm kiếm chiếc giếng bị chôn vùi. Nếu như có điều gì đó được tìm thấy, chắc chắn một lần nữa chúng ta sẽ lại chứng kiến cơn sốt đi tìm kho báu lan rộng khắp châu u. Nhưng tạm thời nó vẫn chưa có tiến triển gì đáng kể.
VI. Kho báu và cuộc di tản của người Đức
Quay lại với khả năng về việc của cải đã được di tản cùng người Đức mà chúng ta vừa nhắc đến. Tôi tìm thấy sự liên quan đặc biệt giữa khả năng đó và kho báu khổng lồ mà Đức Quốc Xã để lại trên con tàu Wilhelm Gustloff.
Và đáng chú ý hơn, số kho báu này còn gắn liền với thảm họa hàng hải tồi tệ bậc nhất lịch sử.
Số kho báu đã được một thợ lặn người Anh là Phil Sayers tuyên bố tìm thấy trong con tàu này, nằm ở độ sâu 45m dưới đáy biển…
Nhưng tại sao số kho báu này lại nằm dưới đáy biển? Chuyện gì đã xảy ra với con tàu và số kho báu khổng lồ trước khi nó được tìm thấy?
Hạ thủy ngày 5 tháng 5 năm 1937 bởi hãng đóng tàu Blohm & Voss, Đức, Wilhelm Gustloff dài 208,5m và tải trọng 25.484 tấn, trang bị động cơ diesel công suất 9.500 mã lực.
Nó có thể đạt tốc độ tối đa 15,5 kn (hải lý trên giờ) và hoạt động liên tục trên một quãng đường dài 12.000 nmi (hải lý) mà không cần phải tiếp thêm nhiên liệu.
Con tàu được thiết kế với mục đích tuyên bố là cung cấp hoạt động văn hóa giải trí cho giới công nhân, công chức Đức Quốc xã.
Các hoạt động bao gồm các buổi hòa nhạc, du lịch, nghỉ dưỡng trên biển nhằm giới thiệu với thế giới hình ảnh của một “đế chế Đức hiền lành”.
Ban đầu, hãng Blohm & Voss dự định đặt tên cho tàu là Adolf Hitler nhưng sau khi f, một trong những lãnh đạo của đảng Quốc gia Xã hội Đức, chi nhánh ở Thụy Sĩ, bị ám sát vào năm 1936 thì tại lễ tưởng niệm thì Hitler quyết định lấy tên ông đặt cho tàu.
12 giờ 30 phút ngày 30 tháng 1 năm 1945, tàu Wilhelm Gustloff kéo còi rời cảng Gdynia với sự hộ tống của tàu phóng lôi Lowe.
Hai ngày trước khi khởi hành, hàng trăm lượt xe tải phủ bạt chạy đến, binh lính khiêng lên tàu những chiếc thùng rất nặng mà mãi sau này người ta mới biết đó toàn là vàng.
Những bức tranh quý được cắt ra khỏi khung, cuộn lại rồi nhét trong những ống bằng thép, những bức tượng bán thân hoặc nguyên cả hình hài được bọc bằng vải dầu, bên ngoài là lớp thùng gỗ, chằng buộc cẩn thận.
Tất cả những vật phẩm này là kết quả của quá trình vụ cướp bóc đã diễn ra trong suốt thời gian quân đội Đức quốc xã xâm chiếm các quốc gia Đông u và một phần Liên Xô.
Chưa kể một số còn được chuyển về tập kết tại Danzig từ Pháp, Bỉ, Áo, Ai Cập.
Trong những trại tập trung của Đức quốc xã, đồ nữ trang, gọng kính, bút máy, vỏ đồng hồ bằng vàng, kể cả răng vàng của tù nhân Do Thái được nấu chảy, đúc thành từng khối.
Danzig khi đó được coi như một kho trung chuyển trước khi vàng, kim cương, ngọc bích, ngọc lục bảo cùng các tác phẩm điêu khắc, hội họa, biến mất trong những bộ sưu tập riêng của các tướng lĩnh, các ông trùm tài phiệt Đức.
Với danh nghĩa là một tàu dân sự, Wilhelm Gustloff nhận nhiệm vụ vận chuyển binh lính và công dân Đức từ Danzig, cũng như Kurzeme về Gotenhafen trong chiến dịch di tản Hannibal.
Và như mọi cuộc tháo chạy, con tàu chở vượt quá nhiều lần số tải trọng mà nó có thể chịu được..Ước tính có khoảng 10.582 người trên tàu lúc nó rời bến.
Các bạn có thể tưởng tượng được hơn 10 nghìn người là con số lớn đến bao nhiêu không?
Đến cả con tàu huyền thoại Titanic cũng chỉ có sức chứa khoảng 3500 người.
Vì chở quá đông, hơn nữa nhiệt độ và độ ẩm bên trong tàu khá cao nên nhiều hành khách đã cởi bỏ áo phao của họ, mặc kệ những lời nhắc nhở của thủy thủ đoàn.
Đến 18 giờ, phòng vô tuyến điện cho biết có một đội tàu quét mìn của Đức đang trên đường hướng đến.
Cấp trên lệnh cho sĩ quan trực boong mở tất cả các đèn hiệu xanh, đỏ trên boong, nhằm tránh một sự va chạm trong bóng tối.
Hành động ấy đã vô tình biến chiếc Wilhelm Gustloff thành một mục tiêu không thể không nhìn thấy đối với tàu ngầm của quân Đồng minh.
Tuy nhiên chẳng có tàu ngầm nào của quân đồng minh ở đó, mà thay vào đó là tàu ngầm S-13 của Liên Xô
19 giờ, chỉ huy tàu ngầm Liên Xô S-13 là thuyền trưởng Alexander Marinesko, qua kính tiềm vọng đã nhận ra ánh sáng xanh đỏ trên chiếc Wilhelm Gustloff và đèn hiệu của tàu hộ tống Lowe.
Nó đã bám theo chiếc Wilhelm Gustloff suốt 2 tiếng.
Qua kính tiềm vọng, thuyền trưởng Alexander Marinesko của tàu ngầm nhìn thấy trên boong toàn là những người mặc quân phục và nghĩ rằng con tàu này đang chở quân Đức đến mặt trận khác tiếp viện.
Lúc 21 giờ 16 phút, ông quyết định tấn công tàu Wilhelm Gustloff
Quả ngư lôi đầu tiên phá vỡ các vách ngăn nước nằm gần phòng ngủ của thuyền trưởng và thủy thủ đoàn.
Quả thứ hai nổ tung ở khu vực hồ bơi, cạnh chỗ nghỉ dành cho các nữ trợ tá hải quân. Những lá thép bị xé nát, nước ập vào từng buồng.Trong số 373 nữ trợ tá, chỉ 3 người thoát chết.
Quả thứ 3 lao thẳng vào phòng đặt động cơ chính, tạo ra từng cuộn lửa khổng lồ, bùng lên, cháy dữ dội khiến con tàu hoàn toàn tê liệt.
Cảnh hoảng loạn diễn ra. Chỉ duy nhất 1 xuồng cứu sinh được hạ xuống bởi lẽ các cần trục đều bị băng tuyết bám cứng khiến ổ chứa dây cáp không quay được.
Người ta mạnh ai nấy chen xuống chiếc xuồng chỉ có thể chở được tối đa 32 người, mặc kệ quy tắc cứu nạn “ưu tiên phụ nữ và trẻ em”.
Tổng cộng chỉ có 1.252 người được cứu thoát nhưng số người còn lại thì không được may mắn như vậy.
Phần lớn họ chết vì sức nổ của 3 quả thủy lôi tạo ra những đám cháy, còn lại là chết vì nhảy xuống nước biển quá lạnh.
Tuy nhiên, sự sụp đổ của đế chế Đức lúc ấy đã gần kề nên mọi sự cố hay thông tin liên quan đến Wilhelm Gustloff đều bị coi là thứ yếu, không quá quan trọng.
Thế chiến 2 chấm dứt, trên bản đồ hàng hải Ba Lan, vị trí nơi tàu Wilhelm Gustloff chìm được đánh dấu như là “chướng ngại vật số 73”.
Không lâu sau đó năm 1947, Cục Hàng hải Ba Lan đã ra lệnh cấm lặn trong phạm vi bán kính 500m tính từ xác tàu mặc dù nó nằm ở hải phận quốc tế.
Khu vực tàu bị chìm thuộc về nước Đức vào thời điểm đó nhưng khi thế chiến 2 chấm dứt, nó được sát nhập vào lãnh thổ Ba Lan theo sự phân chia của ba cường quốc là Liên Xô, Anh, Mỹ.
Nếu vậy làm cách nào mà Phil Sayers có thể tìm thấy con tàu? Hơn nữa khi đã có lệnh cấm lặn trong phạm vi 500m tại sao mà ông cùng đồng đội vẫn tìm thấy kho báu như tuyên bố?
Suốt nhiều năm, ông đã gặp gỡ hàng chục người may mắn sống sót trong thảm kịch xảy ra trên tàu Gustloff.
Một trong số đó là Rudi Lange, nhân viên vô tuyến điện trên tàu.
Rudi Lange tiết lộ rằng khi những chuyến xe tải chở hàng đến, chất lên tàu thì ngay buổi trưa hôm sau, ông tò mò xuống hầm tàu xem xét.
Do không có ai, Rudi Lange đã mở nắp một thùng ra và thấy bên trong toàn là những thỏi kim loại cùng kích cỡ bọc giấy dầu, xếp ngay ngắn. Xé thử một thỏi, ông sững sờ khi nó ánh lên một màu vàng sáng chói…
Đến năm 1972, nghi vấn của Phil Sayers về việc con tàu chở vàng lại càng được khẳng định hơn nữa lúc ông tiếp xúc với một người sống sót khác, nguyên là lính SS, sau chiến tranh định cư ở Tây Đức.
Người này cho biết anh ta cùng một đại đội lính SS được giao nhiệm vụ “bảo vệ vận chuyển số hàng hóa niêm phong, đóng dấu tuyệt mật” từ một nhà kho ở Danzig ra tàu Wilhelm Gustloff.
Theo ước lượng của người lính SS, mỗi thùng gỗ nặng khoảng 40kg. Bằng phép tính toán cơ bản, Phil Sayers cho làm một chiếc thùng gỗ với kích thước đúng y như lời người lính SS mô tả.
Và thật bất ngờ, dựa vào thể tích ông ước chừng ra được khối lượng riêng của thứ bên trong thùng gần đúng bằng khối lượng riêng của vàng. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là một kho báu khổng lồ thật sự.
Trong chuyến lặn đầu tiên xuống nơi con tàu đắm, Phil đã nhìn thấy nó nằm nghiêng về một bên, mũi chúi xuống, thân tàu vỡ nhiều mảnh.
Đến lần lặn thứ hai, ngày 5 tháng 9 năm 1988, Phil bị cảnh sát đường sông Rendsburg, Cộng hòa Liên bang Đức bắt với lý do “lặn tìm vàng trên tàu Wilhelm Gustloff trái phép.
Tang vật gồm 2 khung cửa sổ bằng đồng và một số vật khác, lấy từ tàu Wilhelm Gustloff cùng khá nhiều thiết bị phục vụ cho việc tìm kiếm kho báu.
Tất cả những thứ ấy đều bị tịch thu, Phil cùng các thành viên bị cảnh sát Tây Đức cấm lặn tại vùng biển này.
Không chỉ Phil Sayers khẳng định tàu Wilhelm Gustloff chở vàng, mà Ruta Sepetys – tác giả của cuốn tiểu thuyết lịch sử “Muối biển” nói về vụ chìm tàu Wilhelm Gustloff cũng đã trực tiếp phỏng vấn một số người sống sót trên tàu Gustloff.
Cuối thập niên 1960, với sự giúp đỡ của các nhà xuất bản ở Ba Lan, Ruta còn chứng kiến hai thợ lặn Ba Lan, lặn xuống xác tàu Wilhelm Gustloff dưới sự giám sát của các chuyên gia Liên Xô.
Dù không thể biết rõ ràng thứ được mang lên khỏi tàu là gì bởi sự bí mật nhưng Ruta thấy người ta vận chuyển nó đi cực kỳ nhanh chóng.
Sau đó, tàu Wilhelm Gustloff được đặt chất nổ để phá nát với danh nghĩa nó là chướng ngại vật, gây cản trở dòng chảy.
Khoan đã, có vẻ chúng ta đang có sự mâu thuẫn thông tin ở đây. Phil – người được cho là đã lặn xuống năm 1988 lại không hề đề cập đến việc con tàu bị phá hủy. Tại sao lại có sự vô lý như vậy được?
Những công bố của nhà văn Ruta Sepetys đã khiến Phil Sayers cực kỳ bất ngờ.
Ông cho rằng Ruta nhớ sai về địa điểm tàu đắm.
Cùng thời gian tháng 1 năm 1945, ngoài tàu Wilhelm Gustloff bị đánh chìm thì 11 ngày sau, còn một con tàu khác của Đức quốc xã là Von Steuben, khi đang hoạt động ở vùng biển gần đó cũng bị tàu ngầm Liên Xô đánh đắm.
Trên điều kiện thực tế, sẽ khá vô lý nếu người ta phá một con tàu với lý do cản trở dòng chảy khi nó nằm ở độ sâu 45m.
Độ sâu này hoàn toàn bảo đảm cho tất cả những loại tàu có tải trọng lớn nhất thế giới đi qua mà không hề gây ra bất kỳ một trở ngại nào.
Một lý do nữa khiến những tay săn tìm kho báu quốc tế quan tâm đến số phận tàu Wilhelm Gustloff là người ta nghi ngờ kho báu trên tàu chính là căn phòng Hổ Phách trong truyền thuyết.
Đây là quà của hoàng đế nước Phổ Friedrich Wilhelm I tặng Sa hoàng nước Nga là Peter I.
Căn phòng gồm những bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật bằng vàng, hồng ngọc, ngọc bích và ngọc lục bảo, được Sa Hoàng Peter I trưng bày trong trang trọng.
Khi quân Đức bao vây Saint Petersburg, toàn bộ báu vật trong “căn phòng hổ phách” được Liên Xô chuyển sang thành phố Konigsberg và rồi đánh rơi nó vào tay Hitler.
Từ lúc đó nó biến mất hoàn toàn mà không còn một thông tin.
Trong quá khứ, Ba Lan vẫn còn ở trong khối các quốc gia xã hội chủ nghĩa, và lệnh cấm lặn trong phạm vi bán kính 500m tính từ xác tàu Wilhelm Gustloff vẫn còn hiệu lực nên Phil Sayers không thể tự ý đến vùng này để lặn tìm.
Mãi đến tháng 9 năm 1988, Phil cùng các cộng sự mới có cơ hội thực hiện giấc mơ của mình. Bởi lúc đó đã là hàng chục năm trôi qua lệnh cấm cũng ít được chú ý hơn rất nhiều.
Sau 3 lần lặn hồi tháng 9 năm 1988, không rõ Phil Sayers có quay lại vùng biển nơi tàu Wilhelm Gustloff bị chìm để lặn tìm kho báu lần nào nữa không vì chẳng thấy ông tiết lộ thêm điều gì.
Nhưng đến ngày 28 tháng 10 năm 2016, Phil đột ngột lên tiếng, khẳng định chắc chắn có vàng trên tàu Wilhelm Gustloff.
Vậy nếu trên tàu Wilhelm Gustloff thì nó sẽ thuộc về ai?
Theo luật quốc tế, tàu Wilhelm Gustloff chìm trong hải phận quốc tế nên tất cả tài sản trên tàu sẽ thuộc về người tìm ra nó – nghĩa là của Phil Sayers cùng các cộng sự.
Tuy nhiên, nước Đức cũng có thể có phần vì số tài sản ấy là của Đức, và Đức đã lên tiếng xác lập chủ quyền của mình đối với con tàu này.
Vấn đề quan trọng nhất lại không nằm ở đó, mà là phần lớn vàng bạc châu báu trên tàu đều do Đức quốc xã cướp được khi xâm lăng Đông u, một phần Liên Xô cùng một số quốc gia Tây u.
Nếu các chủ nhân chính thức của những tài sản ấy đưa ra những chứng cứ cụ thể, chứng minh rằng nó thuộc về mình thì Phil Sayers sẽ phải trả lại họ.
Rất nhiều những bức tranh, những tác phẩm điêu khắc bị Đức quốc xã chiếm đoạt từ các viện bảo tàng hoặc từ những bộ sưu tập tư nhân nên những nơi này có đủ cơ sở để đòi lại.
Chưa kể nước Nga, nếu quả thật trong xác tàu Wilhelm Gustloff có những vàng bạc đá quý của “căn phòng hổ phách” thì Phil Sayers khó lòng mà nuốt trôi.
Không chỉ dừng lại ở đó, khá nhiều những thỏi vàng trên tàu Wilhelm Gustloff được nấu ra từ gọng kính, đồng hồ, dây chuyền, nhẫn, răng vàng… của các tù nhân Do Thái bị Đức quốc xã giết trong các trại tập trung.
Bằng phương pháp phân tích quang phổ, không khó để nhận ra nó không phải là vàng nguyên chất.
Khi ấy, chẳng gì ngăn cản được hậu duệ của những nạn nhân Do Thái khởi kiện ra tòa án quốc tế để đòi lại tài sản của cha, ông mình…
Đó có lẽ cũng là một lý do hợp lý để Phil Sayers không đưa ra bằng chứng cụ thể cho việc mình đã kiếm được bao nhiêu kho báu.
Khi thế giới được khám phá ngày một nhiều hơn, tức là việc các kho báu còn tồn tại cũng hiếm khi xảy ra trên thực tế. Nhưng năm nào ta cũng nghe được câu chuyện ai đó tìm thấy chúng và một bước đổi đời.
Cũng có thể thứ kho báu người ta muốn có được không phải là số vàng bạc chôn ở đâu đó hay nằm sâu dưới đáy biển. Thứ kho báu thật sự họ muốn chính là hành trình tìm kiếm đã trải qua.
Video hôm nay về những kho báu thất lạc đến đây là kết thúc. Rất cảm ơn sự quan tâm theo dõi của các bạn. Xin chào và hẹn gặp lại trong các video tiếp theo.
CDTeam – Kết Nối Tri Thức
Hệ thống kênh thông tin hệ sinh thái CDTeam
Kiến Thức Quân Sự:
- Youtube: https://www.youtube.com/c/KiếnThứcQuânSự
- Facebook: https://www.facebook.com/cdteam.kienthucquansu/
Vũ Trụ nguyên Thuỷ
- Youtube: https://www.youtube.com/@VuTruNguyenThuy
- Facebook: https://www.facebook.com/cdteam.vutrunguyenthuy/
CDTeam Why?
- Youtube: https://www.youtube.com/@CDTeam-Why
- Facebook: https://www.facebook.com/why.cdteam
Sử Đồ
- Youtube: https://www.youtube.com/c/CDTeamSửĐồ