“Trung Quốc là một con sư tử đang ngủ. Hãy để nó ngủ, bởi khi thức dậy, nó sẽ rung chuyển cả thế giới.”
Dù không rõ có phải là Hoàng đế Napoleon Bonaparte nói câu này như thiên hạ đồn thổi hay không, tuy nhiên nó vẫn là một nhận định đúng đắn, nhất là với những gì chúng ta đang được chứng kiến ở thời điểm hiện tại.
Thật vậy, ngày nay Đại lục đã là một cường quốc và là đối thủ mạnh mẽ có khả năng trực tiếp cạnh tranh vị thế số một của Hoa Kỳ.
Đương nhiên, người Mỹ sẽ không để yên cho bất kỳ ai dám nhòm ngó ngai vàng của mình và thực sự là họ đã có một kế hoạch hết sức tinh vi nhằm kiềm chế tham vọng của Bắc Kinh.
Chiến lược đó là gì?
Trung Quốc sẽ phải làm gì để thoát khỏi thế chiếu bí đang bị Hoa Kỳ áp đặt?
Tất cả sẽ được tiết lộ trong video ngày hôm nay của KTQS.
Nội dung bài viết
I. Sự hình thành Chiến lược Chuỗi đảo
Trước hết, hãy ngược dòng lịch sử về thời kỳ Chiến tranh Lạnh và nhìn lên bản đồ thế giới. Đây, là Đồng bằng Châu Âu – một khu vực địa lý trải dài hàng ngàn km bắt đầu từ Vịnh Biscay ở Pháp đến tận dãy núi Ural.
Nơi đây có một đặc điểm, đó là càng đi về phía đông, đồng bằng càng rộng lớn, đồng nghĩa với việc Liên Xô và các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Warszawa (Vác-sa-va) nắm trong tay vùng lãnh thổ kéo dài từ dãy Ural đến miền trung nước Đức. Điều này cũng có nghĩa là trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự giữa Đông và Tây, Hoa Kỳ cùng các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO sẽ dễ dàng bị áp đảo về quân số trên một mặt trận nhỏ hẹp. Tại đó, các quốc gia khối xã hội chủ nghĩa sẽ dễ dàng tập trung toàn bộ quân số để phát động tấn công tổng lực về phía tây. Đối với Washington, bất lợi về mặt địa chiến lược này là biện pháp khả thi duy nhất để kiềm chế sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản ở Châu Âu thông qua răn đe hạt nhân.
Tuy nhiên, ở Châu Á, câu chuyện lại hoàn toàn khác.
Ở Trung Quốc, sau khi Đảng Cộng sản đánh bại quân đội Quốc dân Đảng và giành được quyền lực vào năm 1949 thì Hoa Kỳ đã đưa ra Chiến lược Chuỗi đảo để “phong ấn” Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và đồng minh Liên Xô của họ bên trong lục địa Á – Âu. Kế hoạch này, được chính thức hóa vào năm 1951, ra đời như một sản phẩm trí tuệ của John Foster Dulles, lúc đó là cố vấn cho Tổng thống Truman và về sau trở thành Ngoại trưởng, dưới thời Tổng thống Eisenhower. Đây là một nhân vật quan trọng trong thời kỳ đầu của cuộc Chiến tranh Lạnh và là người ủng hộ đường lối chống cộng hung hăng trên toàn thế giới.
Ban đầu, Chiến lược Chuỗi đảo bao gồm ba dãy đảo, về cơ bản là ba tuyến phòng thủ chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản ở Thái Bình Dương và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Cụ thể, Chuỗi đảo thứ nhất trải dài từ Quần đảo Nhật Bản, xuống Đài Loan, qua Philippines, đến Quần đảo Indonesia và dừng lại ở Eo biển Malacca. Chuỗi đảo thứ hai cũng bắt đầu từ Nhật Bản nhưng nó di chuyển về phía nam qua Quần đảo Bonin, qua Quần đảo Kazan do Nhật Bản quản lý ở Micronesia, đi qua Quần đảo Mariana, Quần đảo Tây Caroline và kết thúc ở Tây New Guinea. Cuối cùng, trong chiến lược truyền thống, có Chuỗi đảo thứ ba bắt đầu ở Quần đảo Aleutian ở Alaska và trải dài qua khu vực trung tâm rộng lớn của Thái Bình Dương, qua Hawaii, Samoa thuộc Hoa Kỳ, Fiji và kết thúc ở New Zealand.
Trong thời gian gần đây, khi sức mạnh của Trung Quốc ngày càng gia tăng và tham vọng của Bắc Kinh đối với Ấn Độ Dương và Châu Phi ngày một lộ rõ, một số chuyên gia an ninh quốc gia của Hoa Kỳ đã bổ sung Chuỗi đảo thứ tư và thứ năm vào kế hoạch của họ. Theo đó, Chuỗi đảo thứ tư di chuyển từ Pakistan về phía nam qua Quần đảo Laskhadweep và Maldives, vòng đến phía tây cảng Hambantota của Sri Lanka do Trung Quốc kiểm soát, thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường và kết thúc ở căn cứ quân sự Diego Garcia hết sức quan trọng của Anh và Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương.
Mục đích của nó là nhằm cắt đứt Chuỗi Ngọc trai, dành cho các bạn chưa biết, đây là một giả thuyết địa chính trị được các nhà nghiên cứu chính trị Hoa Kỳ đề xuất vào năm 2004, đề cập đến mạng lưới các cơ sở quân sự và thương mại của Trung Quốc, cũng như các mối quan hệ của chúng với tuyến đường thủy trọng yếu nối Đại lục với Châu Phi. Chuỗi Ngọc trai kéo dài từ lục địa Trung Quốc đến thành phố Port Sudan ở Bán đảo Somali và chạy qua một số nút giao hàng hải lớn như các Eo biển Mandeb, Malacca, Hormuz và Lombok cũng như các quốc gia nắm vị trí chiến lược ở Nam Á như Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh và Maldives. Trong khi đó, Chuỗi đảo thứ năm bắt đầu từ Trại Lemonnier của Hoa Kỳ ở Djibouti trên Vịnh Aden, đi qua Bán đảo Somali, chạy dọc theo bờ biển Đông Phi qua Kênh Mozambique về phía Nam Phi để bao vây căn cứ hải quân Trung Quốc tại Doraleh, Djibouti và phá vỡ hoạt động thương mại của nước này với Châu Phi.
II. Kế hoạch ngăn chặn Trung Quốc
Mặc dù Chuỗi đảo thứ tư và thứ năm chưa được chính thức đưa vào chiến lược an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, thế nhưng hầu hết các chuyên gia đã chấp nhận chúng một cách không chính thức như một phần của toàn bộ kế hoạch ngăn chặn Trung Quốc. Thế nhưng, khi xem xét chiến lược này, không khó để khẳng định rằng đóng vai trò chính yếu đã, đang và vẫn sẽ là Chuỗi đảo thứ nhất.
1. Chuỗi đảo thứ nhất
Đây là chuỗi đảo ngắn nhất, dễ phòng thủ nhất, đông dân cư và là nơi diễn ra hoạt động nhộn nhịp của nền kinh tế thế giới, qua đó khiến nó rõ ràng là quan trọng hơn những chuỗi đảo khác. Hiện tại, Trung Quốc đã là một cường quốc trên đất liền trong khu vực. Tuy nhiên, muốn phi thăng lên hàng siêu cường như Hoa Kỳ, họ buộc phải trở thành cường quốc biển và muốn làm được điều đó thì không có cách nào khác ngoài phá vỡ chiếc vòng kim cô mang tên Chuỗi đảo thứ nhất.
Thật không may cho Bắc Kinh, đây chẳng hề là một chuyện đơn giản và đặt ra vô số thách thức. Như đã nói trong một vài video trước đây, nền kinh tế Đại lục, cả hoạt động xuất khẩu lẫn nhập khẩu đều đang phụ thuộc rất nhiều vào các tuyến đường vận chuyển hàng hải trên Biển Đông nằm trong Chuỗi đảo thứ nhất. Điều này đồng nghĩa với việc bất kỳ sự gián đoạn đối với các tuyến đường này dưới bất cứ hình thức nào cũng sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực và nặng nề đến nền kinh tế Trung Quốc, vốn đang có dấu hiệu chững lại sau nhiều thập kỷ tăng trưởng với tốc độ phi mã.
Ngoài ra, như thể để làm vấn đề trở nên tồi tệ hơn cho Bắc Kinh, Chuỗi đảo thứ nhất còn sở hữu một loạt các nút giao hay chốt chặn tự nhiên mà Hoa Kỳ và các đồng minh có thể sử dụng để cắt đứt những tuyến đường vận chuyển đó, bao gồm Eo biển Malacca, Luzon và Miyako. Do đó, đối với Trung Quốc thì việc “thông chốt” này được xem là ưu tiên hàng đầu. Để làm được điều này, Bắc Kinh đã tiếp cận vấn đề từ hai hướng. Đầu tiên, họ đầu tư một phần lớn nguồn lực kinh tế vào việc xây dựng quân đội, đặc biệt tập trung vào lực lượng hải quân và không quân. Theo trang Global Firepower, hiện tại Trung Quốc đang sở hữu hạm đội tàu chiến đông đảo thứ hai thế giới, tuy nhiên bất chấp lợi thế đó thì họ vẫn không đủ sức mạnh để sống sót trong một cuộc đối đầu trực tiếp với Hải quân Hoa Kỳ.
Tất nhiên, như người xưa dạy: “Biết địch biết ta, trăm trận không thua”, Bắc Kinh hiểu rất rõ nhược điểm của mình và đã nỗ lực khắc phục bằng chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực, gọi tắt theo tiếng Anh là A2/AD. Có thể các bạn đã biết, đây là một chiến lược quân sự có mục đích nhằm kiểm soát khả năng tiếp cận hay xâm nhập vào một khu vực chiến đấu cụ thể. Kế hoạch này nhằm mục đích khiến Hoa Kỳ phải triển khai thật nhiều sức mạnh đến Chuỗi đảo thứ nhất nếu xung đột nổ ra, qua đó gián tiếp tạo ra sức ép không nhỏ đến các nguồn lực của họ. Trong trường hợp xảy ra đối đầu, Trung Quốc có những kho vũ khí với hàng ngàn tên lửa đạn đạo và hành trình sẵn sàng tiêu diệt các tàu và căn cứ của Mỹ trong khu vực. Cùng với đó, như một phần của chiến lược này, Bắc Kinh đã cho xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở khu vực tranh chấp tại Biển Đông. Một vài trong số này, chẳng hạn như Đá Vành Khăn, là nơi Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đặt tên lửa diệt hạm, cũng như đường băng cho tiêm kích và oanh tạc cơ. Có vẻ như trong tư duy của Trung Nam Hải, nếu chưa đủ sức đuổi Hoa Kỳ ra khỏi Chuỗi đảo thứ nhất thì họ sẽ khiến đối phương phải đầu tư chi phí quân sự vào khu vực này một cách đáng kể, từ đó hy vọng rằng qua thời gian, người dân Mỹ sẽ mệt mỏi vì chiến sự kéo dài và gây áp lực lên các lãnh đạo chóp bu đòi mau chóng chấm dứt chiến tranh.
Thế nhưng, Hoa Kỳ đang dần thích ứng với chiến lược A2/AD của Trung Quốc, khiến cho phương án này không còn là hoàn hảo trong mắt Bắc Kinh. Đầu năm 2021, Washington đã lên kế hoạch thiết lập một mạng lưới Tên lửa Tấn công Chính xác PrSM nằm dọc theo Chuỗi đảo thứ nhất như một phần của gói chi tiêu quân sự trị giá 27,4 tỷ USD tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong sáu năm tiếp theo. Đây là mẫu tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất do Lockheed Martin chế tạo, tầm bắn tối đa 500km và có thể được khai hỏa từ các Hệ thống Pháo phản lực Cơ động cao HIMARS, nhờ đó Trung Quốc sẽ không thể dễ dàng loại bỏ nó khỏi vòng chiến. Bên cạnh đó, Tên lửa Tấn công Chính xác PrSM là sự thay thế sắp tới cho Hệ thống Tên lửa Chiến thuật ATACMS và gần đây đã được đưa vào sử dụng với số lượng hạn chế với lô đầu tiên được bàn giao cho Quân đội Hoa Kỳ vào ngày 8 tháng 12 năm 2023. Đối với Washington, việc bố trí Tên lửa Tấn công Chính xác dọc theo Chuỗi đảo thứ nhất là một phần quan trọng trong việc thiết lập lại khả năng răn đe quân sự thông thường mà họ thừa nhận đã bị suy giảm trong những năm gần đây. Ngoài ra, một trong những biện pháp đối phó quan trọng nhất của Washington nhằm bảo vệ Chuỗi đảo thứ nhất trước chiến lược A2/AD của Bắc Kinh, là thông qua sự hiện diện của các căn cứ mới ở Philippines, bắt đầu từ năm 2014 với Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường EDCA và đã được mở rộng vào năm 2023. Theo một số chuyên gia phân tích dự đoán, đây sẽ là nơi người Mỹ đặt và triển khai các Tên lửa Tấn công chính xác nếu chiến sự bùng nổ.
Trên thực tế, bất chấp những mâu thuẫn giữa hai nước ở Biển Đông, Trung Quốc đã từng hy vọng lôi kéo Philippines về phía mình khi ông Rodrigo Duterte đang làm tổng thống, thông qua 24 tỷ USD chi vào các dự án liên quan đến Sáng kiến Vành đai và Con đường. Bằng cách đảm bảo các khoản đầu tư và kiểm soát cơ sở hạ tầng chiến lược ở Philippines, Bắc Kinh hy vọng sẽ phá vỡ chiến lược kiềm chế họ ở Chuỗi đảo thứ nhất. Tuy nhiên, các khoản đầu tư theo Sáng kiến Vành đai và Con đường chưa bao giờ thực sự mang lại hiệu quả và người kế nhiệm ông Duterte là Tổng thống đương nhiệm Ferdinand Marcos Jr đã rút khỏi dự án vào cuối năm 2023. Kết quả thì như chúng ta đã thấy, Hoa Kỳ ngày một tăng cường sự hiện diện ở Philippines, trong khi Trung Quốc vẫn bị phong tỏa trên đất liền.
Giờ đây, Bắc Kinh chỉ còn cách nhắm đến mắt xích được cho là yếu nhất trên Chuỗi đảo thứ nhất, đồng thời là viên ngọc quý mà nếu lấy được thì vị thế của ông Tập Cận Bình trong lịch sử Trung Quốc sẽ thăng lên hàng thần thánh, không kém gì những quân vương vĩ đại hay thậm chí là chính Chủ tịch Mao Trạch Đông.
Đúng vậy, nơi đó, không đâu khác, chính là Đài Loan.
Nằm ở ngay trung tâm Chuỗi đảo thứ nhất, hòn đảo này đóng một vai trò quan trọng không thể đong đếm được đối với toàn bộ chiến lược ngăn chặn Trung Quốc bành trướng của Hoa Kỳ và họ đã nhận ra điều này rất sớm. Ngay từ những năm 1950, Hoa Kỳ đã bảo vệ hòn đảo trước làn sóng cộng sản, cụ thể hóa bằng việc phái Hạm đội 7 đến eo biển và đặt Đài Loan dưới sự bảo vệ hiệu quả của mình. Đến năm 1954, khi Đại lục ném bom các Quần đảo Kim Môn cùng Mã Tổ, nơi quân đội Đài Loan đóng quân và gây ra cuộc Khủng hoảng Eo biển Đài Loan lần thứ nhất, Quốc hội Hoa Kỳ và chính quyền Tổng thống Eisenhower đã tuyên bố sẽ sử dụng vũ lực để đánh bại cuộc xâm lược của Bắc Kinh. Thậm chí, Nhà Trắng còn đe dọa tấn công hạt nhân nếu Đại lục cố gắng đánh chiếm Đài Loan. Dường như nhận thấy bản thân không đủ sức để “cương” với Hoa Kỳ, Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài phải chơi bài “nhu” và xuống nước nhượng bộ. Kể từ đó đến nay, kịch bản này đã lặp lại tới vài lần. Tuy nhiên, trước sự thăng tiến sức mạnh quân sự của Bắc Kinh trong thời gian gần đây kéo theo tầm quan trọng của Đài Loan được nâng cao, các quan chức an ninh quốc gia của Hoa Kỳ lại không hoàn toàn tự tin rằng có thể bảo vệ thành công hòn đảo này, mà không phải trả một cái giá khiến người dân Mỹ không sẵn sàng gánh chịu. Nhằm giảm bớt gánh nặng cho chính mình, Washington đã và vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí cho Đài Loan thông qua Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979.
Với sự giúp đỡ này, Đài Bắc đã áp dụng cái mà họ gọi là “chiến lược con nhím”, nói một cách dễ hiểu là tận dụng mọi lợi thế dù là nhỏ nhặt nhất, từ địa lý, công nghệ đến quân sự với mục đích khiến PLA phải đổ nhiều máu nhất có thể nếu dám đặt chân lên đảo Đài Loan. Theo 24 kịch bản giả định do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS xây dựng và chạy giả lập vào năm 2023, Trung Quốc đã hai lần xâm lược thành công Đài Loan nhưng đó là trong trường hợp Hoa Kỳ không can thiệp hoặc Nhật Bản không cho phép Washington sử dụng các căn cứ trên lãnh thổ của mình. Thậm chí ngay cả khi Bắc Kinh thành công đánh chiếm hòn đảo này, họ cũng phải trả giá bằng 70.000 thương vong và 23.000 người chết. Trong một kịch bản thực tế thì con số còn lớn hơn nhiều và rõ ràng đây không phải tin tức tốt lành gì với Trung Quốc. Qua đó, tình hình hiện tại cho thấy rằng đối với Đại lục, nỗ lực thoát ra khỏi Chuỗi đảo thứ nhất bằng biện pháp quân sự vẫn còn quá khó khăn hoặc tốn kém.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra lo lắng. Nếu Trung Quốc thành công phá vỡ sự phong tỏa của Chuỗi đảo thứ nhất, tuyến đường biển nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương sẽ trở nên dài hơn và khó bảo vệ hơn nhiều. Đồng thời, Không quân Hoa Kỳ sẽ gặp khó khăn trong việc phát huy sức mạnh vì các hoạt động tiếp nhiên liệu sẽ cần phải di chuyển về phía bắc đến Alaska, để giữ các máy bay tiếp liệu nằm ngoài phạm vi tấn công của chiến đấu cơ Trung Quốc. Cùng với đó, Hải quân Hoa Kỳ sẽ mất quyền kiểm soát các nút giao thông huyết mạch trên Chuỗi đảo thứ nhất và dễ bị tổn thương hơn, trước mối đe dọa đến từ hệ thống tên lửa của Trung Quốc nay đã được bố trí trải dài thêm hàng trăm km về phía đông.
2. Chuỗi đảo thứ hai
Vì những lý do này, Hoa Kỳ đã đầu tư nhiều hơn vào Chuỗi đảo thứ hai trong những năm gần đây nhằm đáp trả những động thái của Trung Quốc trong việc mở rộng sức ảnh hưởng đến khu vực này.
Ví dụ điển hình có thể kể đến là việc Bắc Kinh đã cố gắng tiếp cận đảo quốc nhỏ bé Micronesia thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường. Đây là một phần trong chiến lược hướng tới hội nhập kinh tế và chính trị sâu sắc, để theo đuổi mục đích tối thượng là xây dựng các căn cứ quân sự ở Chuỗi đảo thứ hai. Tuy nhiên, những nỗ lực của Trung Quốc trong khu vực diễn ra không hề suôn sẻ. Hai tháng trước khi rời nhiệm sở vào tháng 5 năm 2023, cựu Tổng thống Micronesia là David Panuelo tuyên bố rằng Trung Quốc đã cố gắng đe dọa, mua chuộc và gây áp lực lên các quan chức nước ông để thực hiện các mục tiêu chiến lược của mình. Mặc dù vậy, cho đến nay Trung Quốc chưa gặp may mắn trong việc xây dựng căn cứ ở Chuỗi đảo thứ hai vì không may cho họ, Washington đang duy trì mối quan hệ sâu sắc với khu vực này. Hiện tại, Hoa Kỳ đã có quyền tiếp cận quân sự không giới hạn tới Micronesia và Quần đảo Marshall như một phần của hiệp ước giữa Washington với nhóm Các quốc gia Liên kết Tự do FAS bao gồm Liên bang Micronesia, Cộng hòa Quần đảo Marshall và Cộng hòa Palau. Vào mùa hè năm 2021, Hoa Kỳ và Micronesia đồng ý xây dựng một căn cứ mới để cho phép quân đội Mỹ hiện diện lâu dài.
Cho đến nay, nhờ sự kiểm soát lãnh thổ trong khu vực và mối quan hệ sâu sắc với nhóm FAS, Hoa Kỳ đã hầu như kiềm chế được Trung Quốc trong Chuỗi đảo thứ hai với sự hỗ trợ tích cực của Nhật Bản, Đài Loan Australia và New Zealand.
3. Chuỗi đảo thứ ba
Trong khi đó, Trung Quốc lại thành công hơn ở Chuỗi đảo thứ ba – một khu vực đặc biệt quan trọng án ngữ tuyến đường hàng hải kết nối Hoa Kỳ và Australia.
Thời Thế chiến thứ hai, quân đội Đế quốc Nhật Bản đã cố gắng phá vỡ phòng tuyến này để tiến gần hơn đến bờ tây Hoa Kỳ và ngày nay, Trung Quốc đã tăng cường đầu tư với hy vọng làm điều tương tự nhưng thành công hơn. Như một phần của nỗ lực này, Bắc Kinh đã tăng cường hợp tác với Quần đảo Solomon và Kiribati. Riêng với Solomon, Trung Quốc đã triệt để lợi dụng mối quan hệ “cơm không lành canh chẳng ngọt” giữa nước này và Australia. Năm 2019, chớp lấy cơ hội khi ông Manasseh Sogavare, một chính trị gia theo đường lối chống Australia trở lại nắm quyền Thủ tướng ở Solomon, Bắc Kinh đã thúc đẩy đảo quốc này rút lại việc công nhận Đài Loan cùng năm đó và ký một thỏa thuận an ninh với họ vào năm 2022. Theo văn bản này, Trung Quốc không những có thể triển khai lực lượng cảnh sát đến giúp Solomon giải quyết những bất ổn nội bộ mà thậm chí còn là hiện diện quân sự. Mặc dù Đại lục không được thiết lập một căn cứ chính thức, thế nhưng Solomon cho phép các quân nhân PLA luân phiên đồn trú trên lãnh thổ của họ và vậy là đủ để khiến Australia cùng các đồng minh của mình phải lo ngại.
Bên cạnh Solomon, Bắc Kinh cũng gây ảnh hưởng ngày càng nhiều đến Kiribati và nước này đã chấm dứt công nhận Đài Loan vào năm 2019. Hai năm sau, họ nhận khoản vay từ Trung Quốc để kéo dài đường băng trên đảo Canton, đồng nghĩa với việc khi dự án này hoàn thành, Đại lục sẽ có thêm một cơ sở ở phía đông. Tuy đây sẽ không phải là một căn cứ không quân toàn diện nhưng nó sẽ giúp Bắc Kinh nâng cao khả năng giám sát và đối kháng với Hoa Kỳ ở Chuỗi đảo thứ ba. Tuy nhiên, song song với những thành công ở Chuỗi đảo thứ ba, Trung Quốc cũng vấp phải không ít vấn đề: Hoa Kỳ và Australia vẫn duy trì sức mạnh to lớn trong khu vực còn Tuvalu thì từ chối mong muốn tạo sức ảnh hưởng của Bắc Kinh. Trong đó, đáng kể nhất phải nhắc đến việc Đại lục vô cùng thèm muốn tăng cường sự hiện diện ở Papua New Guinea, một quốc đảo nằm ngay phía bắc Australia. Trung Quốc đã hy vọng đưa Papua New Guinea vào danh sách nhận tài trợ cơ sở hạ tầng của mình và cải tạo một cảng ở nước này để biến nó thành căn cứ lý tưởng cho Hải quân PLA. Thay vào đó, Papua New Guinea lại cung cấp cơ sở đó cho Hoa Kỳ và Australia. Do vậy, nhìn chung thì cán cân quyền lực ở Chuỗi đảo thứ ba vẫn đang nghiêng về phía Hoa Kỳ bất chấp những thành công gần đây của Trung Quốc.
4. Chuỗi đảo thứ tư
Trước tình hình gần như không thể xuyên thủng ba Chuỗi đảo ở phía đông để tiến ra Tây Thái Bình Dương, Trung Quốc buộc phải tìm kiếm các giải pháp thay thế để tiếp cận các tuyến đường thủy của thế giới. Một trong số đó là Ấn Độ Dương. Vì lý do này, Chuỗi đảo thứ tư, vốn là một khái niệm tương đối mới trong chiến lược an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, nay đã giành được nhiều sự chú ý và trở nên nổi bật hơn.
Trong khi vùng biển ngoài khơi lục địa Trung Quốc bị bao vây bởi các quốc gia và vùng lãnh thổ thù địch thì Ấn Độ Dương lại tự do và cởi mở hơn nhiều. Trong thời gian vừa qua, Đại lục đã thành công một phần trong việc thiết lập chỗ đứng dọc theo Chuỗi đảo thứ tư, chủ yếu nhờ đầu tư vào Pakistan theo Sáng kiến Vành đai và Con đường. Những khoản đầu tư này, được gọi là Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan CPEC, tập trung vào Cảng Gwadar đã cho phép Trung Quốc tiếp cận trực tiếp với Ấn Độ Dương. Bên cạnh đó, do rơi vào bẫy nợ 8 tỷ USD với Bắc Kinh mà Sri Lanka đã phải chuyển giao phần lớn quyền kiểm soát cảng Hambantota cho một công ty nhà nước Trung Quốc theo hợp đồng thuê 99 năm. Tháng 8 năm 2022, tàu Viễn Vọng 5, được cho là có chức năng giám sát vệ tinh và triển khai tên lửa cập bến Hambantota và điều này đã dấy lên lo ngại trong mắt các chuyên gia quân sự Phương Tây và Ấn Độ. Đồng thời, đây là dấu hiệu cho thấy ý đồ của Bắc Kinh tại Chuỗi đảo thứ tư và họ đã sẵn sàng quân sự hóa các cơ sở hạ tầng thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường trong khu vực này đến mức nào.
Vậy nhưng, chiến lược của Trung Quốc ở Chuỗi đảo thứ tư cũng gặp phải một số vấn đề. Các dự án ở Pakistan đang phải đối mặt với những khó khăn tài chính và thậm chí là tấn công khủng bố buộc họ phải thu hẹp bớt quy mô. Trong khi đó, hoạt động đầu tư vào Sri Lanka thành công hơn nếu xét từ góc độ chiến lược và cả kinh tế. Tuy nhiên, ở Chuỗi đảo thứ tư có tồn tại một trở ngại lớn có thể phá hủy mọi nỗ lực của Trung Quốc ngay cả khi các dự án Vành đai Con đường được quân sự hóa thành công – đó là căn cứ hải quân Diego Garcia. Từ vị trí này, Hải quân và Không quân Hoa Kỳ có thể nhanh chóng huy động sức mạnh đến một số khu vực chiến lược nhất trên thế giới, chẳng hạn như Vịnh Ba Tư và Biển Đông. Vào mùa hè năm 2020, lợi thế to lớn mà căn cứ Diego Garcia mang lại cho Hoa Kỳ đã được chứng minh, khi ba máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit đã được triển khai tới đây. Trên thực tế, Diego Garcia là một trong số ít căn cứ có trang thiết bị phù hợp với oanh tạc cơ B-2, vốn yêu cầu các nhà chứa được kiểm soát môi trường cẩn thận. Qua đó, có thể dễ dàng thấy được vị thế của căn cứ này trong chiến lược an ninh của Washington. Ở bên kia chiến tuyến, việc tạo ra được cơ sở hạ tầng và lực lượng tập trung cần thiết để chống lại sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Diego Garcia xem ra là một thách thức quá là khó khăn với Bắc Kinh ở thời điểm hiện tại.
5. Chuỗi đảo thứ năm
Đây là một khu vực đặc biệt, bởi lẽ tại đó có căn cứ quân sự thực tế duy nhất bên ngoài lãnh thổ của Trung Quốc mang tên Căn cứ Hỗ trợ Quân đội Giải phóng Nhân dân được đặt ở Djibouti và đi vào hoạt động từ năm 2017, đồng thời cách không xa với Trại Lemonnier của Hoa Kỳ về phía tây. Tuy nhiên, căn cứ Mỹ lại gần bờ biển Vịnh Aden hơn, từ đó cho phép họ có thể nhanh chóng triển khai sức mạnh tới Ấn Độ Dương trong thời gian ngắn.
Tính đến nay, Chuỗi đảo thứ tư và thứ năm chỉ là sân khấu phụ trong cuộc tranh giành quyền lực giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Mặc dù vậy, tiềm năng phát triển của chúng là không thể bị xem nhẹ và thực tế này đang khiến Trung Quốc gặp quá nhiều bất lợi, mà khó có thể vượt qua trên biển. Cũng vì lý do này, Bắc Kinh không có cách nào khác là phải ưu tiên các khoản đầu tư thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường cho những dự án cơ sở hạ tầng trên đất liền và các thỏa thuận có lợi khác trên khắp lục địa Á – u. Ví dụ điển hình là Trung Quốc ngày càng tăng cường nhập khẩu năng lượng của Nga thông qua các đường ống trên đất liền kể từ khi chiến tranh ở Ukraina bắt đầu nhằm bảo vệ nguồn cung trước mối đe dọa từ Hải quân Hoa Kỳ ở Chuỗi đảo thứ nhất. Ấy vậy nhưng, Sáng kiến Vành đai và Con đường đang phải đối mặt với không ít khó khăn như thiếu tập trung trọng điểm, suy thoái kinh tế hay thách thức từ Phương Tây. Tất cả đang cho thấy rằng kế hoạch tạo ra Con đường Tơ lụa mới của Bắc Kinh chưa có khả năng giúp họ đạt được sức mạnh mà họ sẽ có nếu không bị ngăn chặn bởi Chiến lược Chuỗi đảo.
Để trở thành siêu cường, một quốc gia cần có vị trí địa lý thuận lợi, Hoa Kỳ đã có lợi thế như vậy ngay từ khi lập quốc. Với các nước láng giềng yếu hơn và hai đại dương rộng lớn ngăn cách họ với các đối thủ cạnh tranh ngang hàng, hầu như không thế lực nào có thể gây tổn hại cho xứ cờ hoa. Trong khi đó, Trung Quốc lại không có được may mắn như vậy. Ở tình thế “tứ bề thọ địch”, Bắc Kinh phải đưa ra các giải pháp thay thế để triển khai sức mạnh của mình, nhưng cho đến nay chúng vẫn chưa được chứng minh là có hiệu quả. Nếu ông Tập Cận Bình không tìm ra cách giải quyết vấn đề này, “Giấc mộng Trung Hoa” sẽ không bao giờ thành hiện thực.
Theo quý vị khán giả, Chiến lược Chuỗi đảo của Hoa Kỳ sẽ có tác dụng kiềm tỏa Trung Quốc trong bao lâu nữa? Liệu Bắc Kinh có thể phá vỡ năm lớp phong ấn này được hay không và muốn vậy thì họ cần phải làm gì? Hãy đừng ngần ngại để lại ý kiến của mình bên dưới phần bình luận.
Còn bây giờ, xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong những video tiếp theo.