Trong bối cảnh lò lửa Ukraina vẫn đang bùng cháy dữ dội, thậm chí đe dọa đẩy thế giới đến bờ vực của một cuộc xung đột quy mô toàn cầu,
Các bạn hãy cùng chúng tôi thử tưởng tượng đến một kịch bản tồi tệ nhất
Với việc nước Nga quyết định kích hoạt kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới của mình để tấn công kẻ thù lớn nhất – Hoa Kỳ.
Không nghi ngờ gì, sự kiện ấy sẽ khơi mào cho sự bùng nổ của cuộc chiến chấm dứt mọi cuộc chiến, cùng với đó là kết thúc luôn toàn bộ nền văn minh nhân loại.
Trước diễn biến khủng khiếp đã được lường trước từ thời Chiến tranh Lạnh như vậy, các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách đã đặt ra vấn đề:
Khi các hầm chứa bung nắp và hàng trăm hàng ngàn quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân của người Nga được phóng lên bầu trời, chúng sẽ hướng đến mục tiêu nào?
Nội dung bài viết
I. Các cơ quan quyền lực ở thủ đô
Còn bây giờ, chúng ta hãy điểm danh những vị trí mà Nga có thể tấn công hạt nhân, bắt đầu với trái tim của nước Mỹ, thành phố thủ đô mang tên của vị cha lập quốc – Washington, D.C.
Như một lẽ tất yếu, các mục tiêu đầu tiên trên đất Mỹ mà tên lửa hạt nhân của người Nga sẽ nhắm đến sẽ là những trung tâm quyền lực lớn với ý đồ nhanh chóng triệt tiêu hoặc chí ít là gây suy yếu nghiêm trọng năng lực trả đũa và phản kháng. Vì lý do đó, Lầu Năm Góc là một trong những vị trí quan trọng nhất, vì tòa nhà này đóng vai trò là trụ sở của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. Nếu Nga có thể gây thiệt hại hoặc phá hủy Lầu Năm Góc, cùng với đó tiễn một số không nhỏ sĩ quan cũng như quan chức cấp cao về nơi chín suối, thì đây sẽ là một cú đấm rất nặng giáng vào bộ máy chỉ huy của quân đội Mỹ. Mặc dù có thể không gây tê liệt hoàn toàn các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ, thế nhưng việc tấn công Lầu Năm Góc sẽ gây ra sự gián đoạn đáng kể đối với hoạt động chỉ thị và thực hiện chỉ thị, qua đó khiến nước Mỹ gặp khó khăn rất nhiều trong quá trình tổ chức phản công. Bên cạnh đó, quy mô và hậu quả của một vụ nổ nguyên tử ở Lầu Năm Góc gần như chắc chắn sẽ phá hủy phần lớn thủ đô Washington, D.C.
Hiện nay ở thành phố này có khoảng 670.000 người sinh sống và nếu tính tổng tất cả các khu vực đô thị xung quanh Đặc khu Columbia thì con số này sẽ là hơn 5,5 triệu người. Theo các ước tính, một cuộc tấn công hạt nhân vào Lầu Năm Góc có khả năng cho bay màu ngay lập tức gần nửa triệu người và khiến nhiều người khác rơi vào tình trạng bệnh tật tồi tệ do ảnh hưởng từ bụi phóng xạ. Vụ nổ ban đầu sẽ làm bốc hơi chính Lầu Năm Góc và bất cứ thứ gì khác trong bán kính gần 1km xung quanh, trong khi thiệt hại từ cuộc tấn công sẽ lan ra ngoài khoảng 6km tính từ tâm chấn, bao gồm khu vực có Tòa nhà Quốc hội, Nhà Trắng và Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.
Mặc dù quả cầu lửa hạt nhân và sóng xung kích khổng lồ theo sau nó có thể gây chết người, nhưng khả năng lan rộng của bức xạ mới là mối nguy hiểm lớn nhất. Ở gần vụ nổ, bức xạ sẽ mạnh đến mức đủ để gây bỏng độ ba, đồng thời gây ra nhiều đột biến có hại trong DNA của nạn nhân, dẫn đến thoái hóa tế bào và ung thư. Thậm chí ngay cả những người trong bán kính lớn hơn có thể sống sót sau vụ nổ, rất có thể họ vẫn sẽ chết vì lượng phóng xạ khổng lồ.
Xét đến việc Nhà Trắng chỉ nằm cách Lầu Năm Góc từ 3 đến 3,5km, Tổng thống Mỹ rất có khả năng cũng sẽ thiệt mạng bởi sức mạnh của sóng xung kích nếu không được bảo vệ kịp thời, cùng với đó là hàng ngàn quan chức và nhân viên chính phủ. Điều này sẽ đẩy nước Mỹ rơi vào khủng hoảng và buộc Tổng thống, nếu như ông ta còn sống, phải ban bố tình trạng khẩn cấp và ra lệnh thiết quân luật. Trong trường hợp Tổng thống vong mạng, các quan chức thuộc danh sách kế vị Tổng thống Hoa Kỳ, theo thứ tự bao gồm Phó Tổng thống, Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch lâm thời của Thượng viện, Ngoại trưởng, và những vị trí mà các bạn đang thấy trên màn hình, ai còn sống đầu tiên sẽ nắm quyền điều hành đất nước.
II. Các căn cứ tên lửa hạt nhân
Bên cạnh các cơ quan và tổ chức quyền lực tối cao của nước Mỹ ở Washington, D.C, mục tiêu chính thứ hai của vũ khí hạt nhân Nga là phá hủy càng nhiều hầm chứa tên lửa của đối thủ càng tốt, nhằm giảm thiểu nguy cơ và thiệt hại đến từ một cuộc tấn công trả đũa. Phải khẳng định rằng trên thực tế, điều này hầu như không có khả năng đạt được mức độ hiệu quả tuyệt đối, đơn giản vì Hoa Kỳ không phải kẻ ăn chay và họ cũng nắm trong tay số lượng vũ khí hạt nhân nhiều gần bằng Nga, và đó còn là chưa nói đến những hệ thống cảnh báo sớm tiên tiến, các tàu ngầm hạt nhân đang hoạt động trên khắp thế giới và hệ thống phòng không mạnh mẽ.
Thế nhưng, Nga chắc chắn sẽ cố gắng chôn vùi càng nhiều hầm chứa càng tốt, đặc biệt là tại những căn cứ có tên lửa Minuteman III, vốn là một phẩn trong bộ ba hạt nhân của Hoa Kỳ. Và điều đó có nghĩa là họ sẽ phải nhắm đến các mục tiêu ở những vùng xa xôi hẻo lánh trên lãnh thổ nước Mỹ. Tiêu biểu có thể kể đến như Căn cứ Không quân Malmstrom nằm sâu trong bang Montana ở miền tây bắc. Tại đây có khoảng 4.000 quân nhân tại ngũ và nhân viên dân sự làm việc thường trực, cùng với đó là 150 tên lửa hạt nhân Minuteman III sẵn sàng triển khai. Nếu vũ khí hạt nhân của Nga tấn công Malmstrom, nó có thể sẽ giết chết tất cả những ai có mặt ở căn cứ, cộng thêm hơn khoảng 15.000 người ở các thị trấn Black Eagle và Great Falls gần đó, đồng thời số người bị thương sẽ cao gấp đôi, bất chấp mật độ dân cư thưa thớt của khu vực.
Tuy nhiên, thương vong về nhân mạng cao không phải là mục đích chính của cuộc tấn công vào Malmstrom mà thay vào đó là nỗ lực làm tê liệt khả năng khai hỏa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa từ căn cứ này. Ngoài ra, tác động của vụ tấn công hạt nhân đối với môi trường địa phương cũng sẽ rất tàn khốc. Nước chảy qua sông Missouri gần địa điểm vụ nổ sẽ bốc hơi ngay lập tức, trong khi dòng chảy từ thượng nguồn cuối cùng sẽ đi qua khu vực bị nhiễm xạ xung quanh Malmstrom. Con sông sẽ mang theo phóng xạ xuôi dòng theo suốt chiều dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của những người dân phụ thuộc vào nguồn nước này.
Theo ước tính, phải mất nhiều tháng hoặc nhiều năm mới có thể uống được nước lấy từ các nguồn gần đó. Thậm chí, một lượng lớn động vật ở trong phạm vi hàng trăm km có thể chết vì nhiễm độc phóng xạ. Qua đó, không khó để thấy rằng chỉ riêng một vụ nổ hạt nhân như vậy đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến một phần không nhỏ của nước Mỹ, và hãy tưởng tượng xem nhiều cuộc tấn công tương tự diễn ra trên khắp lãnh thổ thì tác động sẽ khủng khiếp tới nhường nào.
Điều này đặc biệt đúng khi Malmstrom chắc chắn không phải là mục tiêu duy nhất mà bên cạnh đó, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của người Nga còn có thể nhắm đến một vị trí quan trọng khác là Căn cứ Không quân Minot ở bang Bắc Dakota. Căn cứ này chứa khoảng 150 tên lửa Minuteman III và là nơi làm việc của đội ngũ gồm hơn 5.400 quân nhân cũng như 722 nhân viên dân sự. Không chỉ có số lượng nhân sự đông hơn Malmstrom mà dân số ở thành phố Minot gần đó cũng nhiều hơn khu vực căn cứ ở Montana với gần 50.000 người. Do đó, hậu quả của cuộc tấn công vào căn cứ này chắc chắn là sẽ thảm khốc hơn, khi con số thiệt mạng ngay lập tức có thể đạt 23.000 người trong khi 20.000 người khác bị thương và chịu hành hạ bởi bệnh phóng xạ. Đồng thời, giống như Malmstrom, cuộc tấn công hạt nhân vào Căn cứ Không quân Minot cũng sẽ gây thiệt hại to lớn đến môi trường với bụi phóng xạ làm ô nhiễm nước ngầm, đất và không khí.
Thêm vào đó, một kho chứa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa khác mà Nga có thể sẽ nhắm đến trong chuỗi các cuộc tấn công đầu tiên, sẽ là Căn cứ Không quân Francis E. Warren ở bang Wyoming. Tuy nhiên, những tên lửa do căn cứ này kiểm soát sẽ là mục tiêu khó nhằn hơn hơn vì trên thực tế chúng được bố trí rải rác trong các hầm chứa đặt tại Nebraska, Wyoming và Colorado. Theo ước tính, thương vong do cuộc tấn công nhằm vào Căn cứ Francis E. Warren sẽ vượt quá 25 nghìn người. Cùng với đó, thành phố Cheyenne cách 5km về phía đông cũng sẽ bị tàn phá và bất kỳ ai có mặt thời đều sẽ bị phơi nhiễm một lượng phóng xạ nồng độ cao.
III. Các trung tâm chỉ huy và kiểm soát
Ngoài các hầm chứa lớn, cuộc tấn công hạt nhân của Nga cũng sẽ nhắm vào các trung tâm chỉ huy và kiểm soát trên khắp Hoa Kỳ.
Một trong số những mục tiêu chính thuộc nhóm này sẽ là Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ, hay NORAD có trụ sở đặt tại Căn cứ Lực lượng Không gian Peterson ở Colorado. Dành cho những ai chưa biết, NORAD là một tổ chức chung bao gồm các quân nhân cũng như nhân viên dân sự của cả Hoa Kỳ và Canada, có nhiệm vụ cung cấp cảnh báo hàng không vũ trụ, bảo vệ chủ quyền và an toàn trên không cho lục địa Bắc Mỹ. Căn cứ Peterson hiện đang có hơn 8.700 quân nhân tại ngũ, 1.300 quân dự bị, 1.900 nhân viên dân sự, 10.000 thành viên gia đình của đội ngũ nhân sự và hơn 20.000 cựu chiến binh. Căn cứ này cũng nằm ngay ở ngoại ôi thành phố Colorado Springs, nơi có dân số gần nửa triệu người. Nếu địa điểm này bị tên lửa đạn đạo mang đầu đạn của Nga đánh trung, ước tính 60.000 người sẽ chết và 200.000 người khác bị thương hoặc phơi nhiễm phóng xạ. Cùng với đó, nước, không khí và đất bị ô nhiễm nặng nề sẽ khiến phần lớn khu vực không thể ở được, trong khi gió có thể cuốn mây bụi phóng xạ vào Kansas và các bang lân cận.
Một mục tiêu tương tự Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ mà người Nga có thể nhắm tới là Căn cứ Lực lượng Không gian Offutt nằm ngay sát phía nam thành phố Omaha, bang Nebraska. Đây là vị trí đặt trụ sở của Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ STRATCOM, một trong 11 bộ chỉ huy tác chiến thống nhất thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. STRATCOM mang trọng trách răn đe hạt nhân chiến lược, tấn công toàn cầu và vận hành mạng lưới thông tin toàn cầu của Bộ Quốc phòng. Cơ quan này cũng hỗ trợ các bộ chỉ huy chiến đấu khác bằng cách cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa tích hợp, và chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, máy tính, tình báo, giám sát và trinh sát toàn cầu. Nhờ vậy, các lãnh đạo của nước Mỹ có thể nắm trong tay một nguồn lực thống nhất để hiểu rõ hơn, về những mối đe dọa cụ thể đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ trên khắp thế giới và các phương tiện để ứng phó với chúng một cách nhanh chóng. Từ đó không khó để nhận định rằng, STRATCOM là một mắt xích vô cùng quan trọng trong việc vận hành bộ máy chiến tranh của xứ cờ hoa. Nếu một đầu đạn hạt nhân tấn công Căn cứ Offutt, nó có thể tiễn hơn 40.000 người xuống suối vàng ngay lập tức và làm bị thương gần 150.000 người. Đồng thời, khả năng phối hợp để phản ứng quân sự của Hoa Kỳ sẽ bị suy yếu nghiêm trọng và có khả năng tạo ra sự nhầm lẫn trong cơ cấu chỉ huy của các lực lượng vũ trang. Tương tự, phần lớn thành phố Omaha gần đó sẽ bị hủy diệt và hàng trăm ngàn người nữa phải về với cát bụi. Sông Missouri cũng sẽ bị ô nhiễm, dẫn đến cái chết của động vật hoang dã và suy giảm đa dạng sinh học.
Tuy nhiên, trong trường hợp STRATCOM bị tấn công hạt nhân, quyền chỉ huy của nó sẽ được chuyển đến một trong 10 trung tâm chỉ huy và kiểm soát còn lại trên khắp đất nước. Bộ chỉ huy mới sẽ giám sát việc chuẩn bị cho một cuộc tấn công hạt nhân trả đũa, có thể xảy ra gần như ngay tức khắc, trừ khi bằng một cách nào đó Nga có khả năng vô hiệu hóa bộ ba hạt nhân của Hoa Kỳ cùng một lúc.
IV. Các trạm phát tần số rất thấp
Bên cạnh thủ đô Washington, các căn cứ tên lửa hạt nhân và trung tâm chỉ huy, một loại mục tiêu tiềm năng nữa của tên lửa Nga, sẽ là trạm phát tần số rất thấp Cutler ở bang Maine, một trong những trạm phát vô tuyến mạnh nhất thế giới và đảm nhiệm truyền phát thông tin liên lạc một chiều, tới các tàu ngầm thuộc Hạm đội Đại Tây Dương của Hải quân Hoa Kỳ, cho phép chúng thực hiện tấn công trong trường hợp cần thiết.
Chính từ Trạm Culter chứ không phải nơi nào khác, mã phóng sẽ tới được các tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio của Hoa Kỳ đang ẩn mình Đại Tây Dương, ra lệnh triển khai siêu tên lửa hạt nhân Trident II và tạo ra đòn tấn công mà bất kỳ đối thủ nào cũng phải e ngại, nếu không muốn nói là sợ hãi trong bộ ba hạt nhân của nước Mỹ. Vì nguyên nhân này nên về mặt lý thuyết, bằng cách phá hủy Trạm Cutler, người Nga sẽ cắt đứt liên lạc của Hoa Kỳ với tàu ngầm của họ và khiến hành động trả đũa trở nên khó khăn hơn. Mặc dù số người thiệt mạng ngay lập tức do cuộc tấn công vào Cutler có thể chỉ chưa đến 1.000 người, thế nhưng vị trí của nó bên bờ biển Đại Tây Dương đồng nghĩa với môi trường và hệ sinh thái ven biển sẽ chịu phần lớn thiệt hại.
Bên cạnh đó, nếu đã nhắm đến Cutler thì gần như chắn chắn Nga cũng sẽ phóng tên lửa tới Trạm phát thanh hải quân Jim Creek ở tiểu bang Washington và có nhiệm vụ truyền sóng tới Hạm đội Thái Bình Dương. Tuy nằm ở một khu vực hẻo lánh với ít thương vong tiềm ẩn nhưng một lần nữa, ô nhiễm không khí và nước do bức xạ có thể lan đến cả các thành phố Seattle và Vancouver, khiến cuộc sống nơi đây rơi vào nguy hiểm. Vụ nổ cũng sẽ tạo ra những đám cháy rừng lớn kéo dài nhiều tuần liên tục ở Washington và tạo ra điều kiện không khí có hại.
Thêm vào đó, Nga cũng sẽ nhắm mục tiêu vào các căn cứ ở quần đảo Hawaii, cách đất liền Mỹ khoảng 4.000km. Lý do là vì trên đảo O’ahu có trạm phát tần số rất thấp Lualualei có thể chuyển tiếp mệnh lệnh đến tàu ngầm của Hạm đội Thái Bình Dương nếu Trạm Jim Creek bị hư hỏng hoặc bị phá hủy.
Không như các trạm phát vừa kể, một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Nga vào O’ahu sẽ cực kỳ nguy hiểm vì đây là hòn đảo đông dân nhất ở Hawaii với hơn một triệu người ở bất kỳ thời điểm nào. Không chỉ có vậy, do sự cô lập và hệ sinh thái khép kín, một cuộc tấn công hạt nhân vào O’ahu có thể khiến gần như toàn bộ hòn đảo không thể ở được. Trong khi đó, có rất ít nơi để mọi người ẩn náu trước một cuộc tấn công như vậy thế nên bất kỳ ai có mặt trên đảo lúc ấy đều sẽ chết hoặc gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Cùng với đó, vì Hawaii cũng là nơi đặt nhiều căn cứ hải quân của Hoa Kỳ, chẳng hạn như Trân Châu Cảng nên rất có khả năng bang này sẽ bị tấn công bằng nhiều tên lửa và không chừa lại chỗ nào để người Mỹ có thể sơ tán
V. Các thành phố lớn
Khi xem đến đây, một số khán giả tinh ý sẽ nhận ra rằng những địa điểm mà KTQS vừa nêu có một điểm chung, rằng chúng đều là cơ sở quân sự chiến lược, nghĩa là không có quá nhiều dân thường xung quanh. Và như đã trình bày, chỉ cần bắn bằng tên lửa hạt nhân vào những vị trí ấy đã là đủ để gửi hàng trăm ngàn người Mỹ về với ông bà. Vậy, nếu như Điện Kremlin quyết định tấn công cả các thành phố thì sao?
Trên thực tế, chiến tranh hạt nhân là biện pháp cuối cùng mà mọi quốc gia nghĩ đến, và nếu người Nga đã quyết định khai hỏa, điều đó có nghĩa là họ sẽ chơi tất tay và chẳng có lý do gì mà không tấn công các đô thị lớn của nước Mỹ khiến cho đối phương chịu thiệt hại nặng nề đến mức không thể phục hồi. Với sức mạnh công nghệ hiện nay, có thể dễ dàng tưởng tượng được hậu quả của những sự kiện như vậy sẽ vượt xa hai lần Mỹ ném bom hạt nhân xuống Hiroshima và Nagasaki.
Không kể Washington, D.C thì thành phố New York chính là mục tiêu dân sự tiềm năng nhất. Đây vừa là thủ đô tài chính, vừa là thành phố lớn nhất, đồng thời là biểu tượng toàn cầu về sức mạnh của Hoa Kỳ. Tại đó, nơi hứng chịu sự hủy diệt khủng khiếp nhất sẽ là quận Manhattan. Chỉ có diện tích 87km2 nhưng đây lại là một trong những khu vực đông dân nhất nước Mỹ và chỉ cần một đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ 800 kiloton đánh vào khu vực này, sẽ ngay lập tức giết chết khoảng 1,5 đến 2 triệu người, cùng với đó là 3 đến 5 triệu người khác bị thương nặng do phóng xạ, bỏng hoặc sập nhà. Ngay cả đối với những người tránh được vụ nổ hoặc quả cầu lửa ban đầu thì vẫn còn đó sóng xung kích với tốc độ 800km/h có thể gây tử vong. Cơ sở hạ tầng y tế của thành phố do vậy sẽ trở nên quá tải hoặc sụp đổ, đặc biệt là khi nhiều bệnh viện lớn bị phá hủy.
Tương tự, việc sơ tán khỏi Manhattan và các quận khác sẽ vô cùng khó khăn do các tòa nhà và cầu đường bị sập, cùng với đó là số lượng không nhỏ những người đang cố gắng trốn thoát. Bên cạnh đó, các vụ nổ hạt nhân cũng giải phóng xung điện từ mạnh tới mức có thể phá hủy các hệ thống quan trọng trên toàn thành phố, bao gồm thông tin liên lạc điện tử, công nghệ y tế và chính lưới điện. Điều này sẽ khiến bất kỳ phản ứng khẩn cấp nào trở nên khó khăn hơn rất nhiều và dẫn đến thương vong lớn hơn.
Chưa dừng lại ở đó, trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân thực sự, Los Angeles với tư cách thành phố lớn thứ hai, nguồn tài sản và biểu tượng văn hóa của nước Mỹ cũng sẽ trở thành một mục tiêu rõ ràng khác để người Nga nhắm tới. Mặc dù không có mật độ dân cư đông đúc như New York, thế nhưng “Thành phố của các thiên thần” vẫn có khoảng hơn 3,7 triệu người đang sinh sống, cùng với đó là những khu nhà ở thấp tầng. Do đó, một vụ nổ hạt nhân ở trung tâm L.A có thể gây ra cái chết của 500 đến 700 nghìn người và làm một triệu rưỡi người khác bị thương. Ngoài ra, Los Angeles cũng có khoảng 5,5 triệu ô tô và rất ít phương tiện giao thông công cộng. Vì vậy nên những con đường lớn nằm ngoài khu vực vụ nổ sẽ rơi vào ùn tắc khi người dân chạy trốn. Phóng xạ sẽ làm cho tình trạng hạn hán kéo dài ở L.A cũng sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều và có khả năng khiến hàng triệu người không có nước uống an toàn.
Trong khi đó, ở miền Trung Tây, Chicago và gần 2,6 triệu cư dân của nó cũng sẽ chịu chung số phận với New York và Los Angeles. Theo ước tính, năm đến sáu trăm nghìn người sẽ vong mạng và hơn một triệu người bị thương. Phần lớn bụi phóng xạ sẽ tràn xuống hồ Michigan và khiến cư dân xung quanh vùng Ngũ Đại Hồ gặp nguy hiểm. Đồng thời, do ảnh hưởng của gió nên ngay cả một tỷ lệ nhỏ vũ khí hạt nhân trong kho đồ chơi của Nga, cũng có thể lan rộng bụi phóng xạ ra khắp nước Mỹ và khiến nhiều khu vực hoàn toàn không thể ở được. Thậm chí, những vị trí cách xa các địa điểm tác động thực tế vẫn có thể không được an toàn tuyệt đối, đặc biệt là ở khu vực đông dân hơn của đất nước. Tệ hơn, do khoảng 80% dân số Hoa Kỳ sống ở phía đông sông Mississippi nên bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân nào vào đây sẽ đặc biệt nguy hiểm. Nhìn chung, các ước tính cho thấy tổng số người thiệt mạng, bị thương hoặc nhiễm phóng xạ trong một cuộc tấn công hạt nhân toàn diện của Nga có thể rơi vào khoảng 3/4 dân số nước Mỹ.
VI. Một số mục tiêu ở Châu Âu
Tất nhiên, có một điều các lãnh đạo ở Điện Kremlin thừa hiểu, đó là tấn công Hoa Kỳ cũng sẽ khiến Nga rơi vào nguy cơ bị NATO trả đũa. Điều này đồng nghĩa với việc một khi đã quyết định bấm nút tử thần để phóng tên lửa vào đất Mỹ, họ cũng sẽ phải nhắm tới các cơ sở quân sự lớn ở Châu u, chẳng hạn như Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức, nơi điều phối mạng lưới phòng không và tên lửa của NATO.
Một vụ nổ hạt nhân tại đây có thể giết chết khoảng 30.000 người, trong khi gió có thể mang bụi phóng xạ đi khắp lục địa. Các mục tiêu quân sự khác có thể bị nhắm tới bao gồm Bộ chỉ huy đồng minh tối cao của NATO ở Bỉ, cùng với đó là các căn cứ của Mỹ ở Châu u như Caserma Ederle ở Ý. Các thành phố quan trọng về mặt chiến lược hoặc kinh tế ở châu u cũng là những mục tiêu tiềm năng, ví dụ như London, thành phố đông dân nhất Tây u với hơn chín triệu người. Tương tự như New York, một vụ nổ hạt nhân ở thủ đô nước Anh có thể giết chết hơn một triệu người ngay lập tức, trong khi tổng số thương vong do sóng xung kích và bức xạ có thể lên tới hơn 2,3 triệu người. Đồng thời, London bị tấn công hạt nhân cũng có nghĩa là các lãnh đạo của vương quốc có khả năng sẽ thiệt mạng. Và như mọi thành phố khác ở Hoa Kỳ, cơ sở hạ tầng quan trọng của London cũng sẽ bị tàn phá hoàn toàn, khiến mọi hoạt động ứng phó khẩn cấp đều trở nên vô cùng khó khăn. Tồi tệ hơn, những cơn gió ven biển từ Đại Tây Dương có thể mang bức xạ tới Scotland, Pháp và các khu vực khác của lục địa Châu Âu.
Tóm lại, bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Phương Tây bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân hiện đại đều sẽ gây ra thảm họa kinh hoàng. Do khái niệm về Sự hủy diệt được đảm bảo lẫn nhau đã ngăn chặn chiến tranh hạt nhân kể từ những năm 1950, nên chính phủ Hoa Kỳ đã thiếu chuẩn bị để giải quyết hậu quả nếu nó xảy ra và phần lớn các biện pháp của họ đều mang tính ứng biến hoặc phản ứng ngắn hạn.
Trong khi đó, trên thực tế thì tình hình thế giới đang ngày càng trở nên bất ổn và vũ khí hạt nhân có thể bay lên trời bất cứ lúc nào, việc tăng cường khả năng sẵn sàng đối phó chắc chắn chỉ có lợi mà không có hại bởi như người ta hay nói “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Theo quý vị và các bạn, nếu Nga tấn công hạt nhân Hoa Kỳ, họ sẽ nhắm vào những mục tiêu nào? Đồng thời, nước Mỹ cần phải làm gì để chuẩn bị cho kịch bản đó? Hãy đừng ngần ngại để lại ý kiến của mình bên dưới phần bình luận.