Nhắc đến cướp biển, các bạn sẽ nghĩ đến hình ảnh gì đầu tiên?
Riêng với thành viên KTQS, đó là những gã hải tặc ngang tàng dấn thân vào chuyến phiêu lưu kỳ thú như trong phim Cướp biển vùng Caribbean,
Hoặc là các nhân vật nổi tiếng như Luffy, Zoro, Sanji hay Trafalgar Law trong bộ manga One Piece.
Thế nhưng, khác với phim ảnh hay truyện tranh, hiện thực lại tàn khốc hơn thế rất nhiều.
Hải tặc ngoài đời là những tên tội phạm được vũ trang, sẵn sàng làm mọi thứ từ bắt cóc, tra tấn thể chất, uy hiếp tinh thần cho đến giết người để đòi được tiền chuộc.
Và cũng giống như trong lịch sử, cướp biển ngày nay vẫn đang là vấn nạn nghiêm trọng mà thế giới phải đối mặt.
Do đó, với tư cách là lực lượng quân sự trên biển mạnh nhất thế giới, mang trên mình nhiệm vụ bảo đảm tự do hàng hải ở khắp đại dương, Hải quân Hoa Kỳ đã được giao trách nhiệm lãnh đạo và điều phối các hoạt động chống lại hải tặc.
Câu hỏi ở đây là: họ sẽ hoạch định chiến lược và thực hiện trọng trách đó như thế nào?
Nội dung bài viết
I. Thông tin cơ bản về cướp biển
Từ thời cổ đại, cướp biển đã là mối đe dọa đối với hoạt động thương mại hàng hải, đặc biệt là ở Thời kỳ Hoàng kim kéo dài từ giữa thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 18.
Ngày nay, dù không còn hoạt động mạnh mẽ, đến mức thường được lãng mạn hóa trong các tác phẩm văn hóa đại chúng, thế nhưng hải tặc chưa bao giờ biến mất, đồng thời chúng cũng khác xa những nhân vật được miêu tả trong các bộ phim như Cướp biển vùng Caribbean hay One Piece. Ngày nay, cướp biển được coi là kẻ thù chung của nhân loại và vấn đề cướp biển đang được điều chỉnh trên phạm vi quốc tế bởi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS năm 1982. Đối với Hoa Kỳ, tuy không phải một bên tham gia ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển nhưng nhìn chung, họ vẫn tôn trọng và công nhận văn kiện này là một bộ quy tắc ứng xử quốc tế.
II. Thực trạng cướp biển trong thời đại hiện nay
Trong khoảng thời gian từ những năm 1990 đến 2010, số vụ xung đột liên quan đến hải tặc trên toàn cầu có xu hướng gia tăng. Tính riêng năm 1995 chỉ có gần 100 vụ cướp biển được ghi nhận thế nhưng đến năm 2011, con số này đã tăng thành hơn 500.
Cướp biển hiện đại chủ yếu tập trung ở các vùng biển xung quanh Tây Phi, Tây Ấn Độ Dương và Đông Nam Á. So với thế kỷ trước, hải tặc có thể đã giảm bớt hoạt động nhưng nó vẫn còn là một vấn đề nghiêm trọng hơn rất nhiều những gì công chúng biết. Theo các chủ tàu Ấn Độ ước tính, cướp biển đã gây thiệt hại cho ngành vận tải biển toàn cầu 9 tỷ USD mỗi năm. Không chỉ lộng hành tại vùng biển Somali và Vịnh Aden, cướp biển còn được ghi nhận là đã xuất hiện ở khu vực bờ biển phía tây của Yemen và Ả Rập Xê Út tại Biển Đỏ, hàng nghìn km sâu về phía đông và bắc Ấn Độ Dương, thậm chí là xa phía nam tới tận bờ biển Mozambique đối diện với Madagascar. Có thể thấy, đây là một khu vực quá lớn để ngay cả một đội tàu hải quân lớn có thể phong tỏa và vì vậy, các hoạt động chống cướp biển của Hải quân Hoa Kỳ và đồng minh trong khu vực sẽ luôn giống như một trò chơi đập chuột, nghĩa luôn trong thế bị động và gặp đâu thì đánh đó. Lợi dụng điều này, kết hợp với việc biết được điểm và hướng xuất phát của hải quân, cướp biển sẽ chủ động né tránh và chuyển địa bàn đánh cướp sang các khu vực không được tuần tra.
Ngoài những thiệt hại trực tiếp đến từ hoạt động cướp phá, hải tặc còn khiến môi trường địa phương chịu tác động xấu thông qua đánh bắt cá quá mức, gây tràn dầu và hóa chất hay phá hoại các rạn sạn hô. Vấn đề này gây nhức nhối đến mức Hải quân Hoa Kỳ đã phải bổ sung thêm nhiệm vụ ngăn chặn các thảm họa sinh thái do cướp biển gây ra, từ đó mở rộng phạm vi của sứ mệnh chống hải tặc.
III. Những biện pháp Hải quân Mỹ dùng để chống cướp biển
Tiếp theo đây, chúng ta sẽ đến với những biện pháp cụ thể được Hải quân Hoa Kỳ áp dụng để đối phó với vấn nạn cướp biển.
Trước hết, do phòng bệnh thì hơn chữa bệnh, nên chiến thuật đầu tiên mà họ sử dụng chính là phổ biến giáo dục các thủy thủ về nạn cướp biển, cách ngăn chặn các cuộc tấn công. Cụ thể, họ đã tích cực khuyến khích các tàu thương mại trang bị sẵn các thiết bị và chuẩn bị phương án đối phó hải tặc, chẳng hạn như dây thép gai cứng cáp để khiến việc trèo lên tàu khó khăn hơn cũng như làm cho việc xâm nhập vào cấu trúc bên trong trở thành một thử thách thực sự.
Đồng thời, các tàu thương mại cũng có thể sử dụng vòi rồng, để cản trở các tàu hải tặc đang tiếp cận, vì tàu cướp biển thường là loại cỡ nhỏ nên chúng sẽ dễ bị đẩy lui hoặc lật úp nhanh chóng. Trong vụ cướp tàu Maersk Alabama năm 2009 mà sẽ được chúng tôi trình bày kỹ hơn ở phần sau của video, thủy thủ đoàn sau khi đụng độ với cướp biển thì không có ai bị thương chứ đừng nói mất mạng là nhờ họ đã được huấn luyện hết sức kỹ càng.
Bên cạnh đó, Hải quân Hoa Kỳ có truyền thống tham gia tích cực trong các nỗ lực liên lạc chống cướp biển quốc tế, chẳng hạn như Trung tâm An ninh Hàng hải vùng Sừng Châu Phi (Maritime Security Center – Horn of Africa) thuộc Bộ chỉ huy chiến dịch của Lực lượng Hải quân Liên minh Châu u và Trung tâm Báo cáo Cướp biển của Cục Hàng hải Quốc tế (International Maritime Bureau’s Piracy Reporting Center). Bằng cách đóng góp và trở thành một phần của các mạng lưới dữ liệu này, Hải quân Hoa Kỳ có thể có những hiểu biết chi tiết hơn về các điểm nóng cướp biển mới xuất hiện và điều phối các chiến dịch phản ứng nhanh chóng, kịp thời, phù hợp. Để bổ sung vào mạng lưới thông tin, Hải quân Hoa Kỳ sẽ sử dụng trực thăng, hay gần đây hơn là thiết bị bay không người lái nhỏ gọn rẻ tiền và ít rủi ro hơn trong hoạt động giám sát các vị trí mà cướp biển thường xuyên lộng hành.
Ngoài ra, các chuyên gia hoạch định chiến lược hải quân cũng đang xem xét sử dụng UAV để tuần tra những khu vực mà tàu thuyền không thể tiếp cận. Xa hơn nữa, các loại đạn tuần kích, hay UAV tự sát một ngày nào đó cũng có thể đóng vai trò là phương pháp trinh sát và áp chế hiệu quả hoạt động của cướp biển. Và sớm thôi, các tàu mặt nước và tàu ngầm không người lái sẽ ra khơi với số lượng lớn. Với việc triển khai những loại thiết bị này ở những vùng biển mà tàu có người lái của hải quân hiện không thể tuần tra, phạm vi hoạt động hiệu quả của cướp biển có thể bị thu hẹp đáng kể bởi, như chúng ta đã thấy, sự hiện diện đơn thuần của tàu chiến và máy bay chiến đấu là chưa đủ để mang lại kết quả như mong muốn cho chiến dịch ngăn chặn nạn hải tặc.
Chưa dừng lại ở đó, trong trường hợp phải đối đầu với cướp biển là không thể tránh khỏi, Hải quân Hoa Kỳ đã lựa chọn áp dụng cách tiếp cận thông qua hợp tác đa phương. Cụ thể, họ đã huấn luyện lực lượng hải quân và bảo vệ bờ biển của các nước về nghiệp vụ chống cướp biển, qua đó làm giảm áp lực trách nhiệm cho chính mình, vốn là lực lượng có nhiều nhiệm vụ khác trên quy mô toàn cầu và không thể lúc nào cũng đi đầu trong việc chống cướp biển, tại các điểm nóng trên thế giới.
Thêm vào đó, việc của Hải quân Hoa Kỳ trong lĩnh vực này rất được khuyến khích vì nó phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, trong đó quy định các quốc gia phải hợp tác với nhau trong các hoạt động chống hải tặc. Một ví dụ điển hình về nỗ lực chống cướp biển đa quốc gia là Lực lượng Đặc nhiệm Hỗn hợp 150, hay CTF 150, chuyển thực hiện các nhiệm vụ ở Vịnh Aden và vùng Sừng Châu Phi. Đây từng là đơn vị đặc trách của riêng của Hải quân Hoa Kỳ nhưng về sau đã được cơ cấu để trở thành một lực lượng đa phương từ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9. Kể từ năm 2008, các hoạt động chống hải tặc đa phương đã có sự tham gia của nhiều nước, thậm chí bao gồm cả các quốc gia không có quan hệ tốt với Hoa Kỳ như Pakistan, Nga và cả Trung Quốc. Trong số này, Bắc Kinh mặc dù không phải thành viên của Lực lượng Đặc nhiệm Hỗn hợp 150 nhưng họ và Washington đã chia sẻ một số kinh nghiệm đặc biệt từ việc hợp tác chống cướp biển ở Vịnh Aden, khiến đây trở thành một trường hợp thể hiện tinh thần đoàn kết chống kẻ thù chung của hai quốc gia đối địch.
Mặc dù cướp biển không thể có bất kỳ cơ hội nào chống cự lại hỏa lực của các tàu hải quân hiện đại, thế nhưng điều đó vẫn không ngăn được một số tên hải tặc liều lĩnh tìm cách đối đầu với Hải quân Hoa Kỳ và các đồng minh của họ. Chẳng hạn, cướp biển Somali thường sử dụng các mưu mẹo như phát tín hiệu cấp cứu giả, sau đó dùng các tàu nhỏ có tốc độ cao của mình, nhanh chóng tiếp cận tàu lớn và một khi cướp được tàu, chúng sẽ đòi số tiền chuộc cắt cổ.
Không chỉ có vậy, qua thời gian cướp biển đã dần cải thiện chiến thuật thông qua việc sử dụng các tàu mẹ lớn hơn giúp mở rộng phạm vi hoạt động. Đồng thời, chúng cũng có khuynh hướng đánh cướp các tàu cá nhỏ và cải tạo lại để nhân rộng số lượng. Ngoài ra, nếu như bất kỳ ai trong số quý vị và các bạn đang xem video này, cho rằng bọn hải tặc thời nay chỉ là những gã lực điền “hữu dũng vô mưu” có trang bị thô sơ đến từ các nước nghèo và mức sống thấp thì tốt hơn hết là nên suy nghĩ lại. Cướp biển hiện đại được ghi nhận là có các phương pháp tác chiến cao cấp, không khác gì những đội quân chuyên nghiệp.
Cụ thể, chúng đã cài cắm tình báo viên xâm nhập vào các công ty vận tải biển để thu thập thông tin về những con mồi tiềm năng. Bên cạnh đó, cướp biển cũng thành thạo việc sử dụng công nghệ phức tạp như radar, theo dõi định vị toàn cầu GPS, phương tiện lặn và thợ lặn. Nhằm phát hiện những mối đe dọa kiểu như vậy, Hải quân Hoa Kỳ và các đồng minh sử dụng hệ thống sonar và để cho chắc chắn, họ sẽ thường xuyên chặn và kiểm tra các tàu có dấu hiệu khả nghi.
Vào ngày 18 tháng 3 năm 2006, tức ba năm trước vụ giải cứu thuyền trưởng Phillips nổi tiếng, hai tàu Hải quân Hoa Kỳ thuộc Lực lượng Đặc nhiệm Hỗn hợp 150, là tuần dương hạm USS Cape St. George lớp Ticonderoga và khu trục hạm USS Gonzalez lớp Arleigh Burke, đã giao tranh với hải tặc ở vùng biển quốc tế ngoài khơi Somali. Ban đầu, tàu Gonzalez đã chặn một chiếc xuồng lớn chạy bằng diesel kéo hai xuồng nhỏ chạy bằng xăng, với lý do đây là đặc điểm phổ biến của tàu cướp biển, cùng lúc đó, tàu Cape St. George đang tiến đến từ khoảng cách 40 hải lý và theo dõi các nghi phạm.
Trước khi mặt trời mọc, hai tàu Hải quân Mỹ đã cử hai nhóm đổ bộ được huấn luyện đặc biệt tiếp cận con tàu khả nghi để điều tra. Tuy nhiên, nỗ lực này đã không thành công khi bọn cướp đã nổ súng ở cự ly gần buộc họ phải rút lui. Sau đó, chúng còn táo tợn đuổi theo các nhóm đổ bộ và bắn vào các tàu hải quân bằng RPG và các loại vũ khí nhỏ khác. Giao tranh nhanh chóng nổ ra, không khó để tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra khi ba cái xuồng rách đấu với hai chiến hạm của lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới. Bọn cướp biển bị áp đảo về hỏa lực, về chầu ông bà ít nhất một tên và 12 tên bị bắt sống, trong khi tàu USS Cape St. George bị hư hại nhẹ bên ngoài, còn tất cả thủy thủ đoàn đều an toàn.
Bốn năm sau Hành động ngày 18 tháng 3 năm 2006 – Cái tên mà người ta đặt cho sự kiện chúng tôi vừa kể, thì một lần nữa cướp biển Somali lại liều lĩnh tấn công tàu Hải quân Hoa Kỳ. Ngày 1 tháng 4 năm 2010, tàu hộ tống USS Nicholas thuộc lớp Oliver Hazard Perry trong khi làm nhiệm vụ tuần tra theo dõi ở khu vực giữa bờ biển Kenya và Seychelles đã chạm trán với cướp biển. Kết quả thì cũng khá dễ đoán, đó là tương tự như vụ năm 2006, tàu cướp biển bị vô hiệu hóa và có năm tên bị bắt sống về Mỹ để xét xử.
Ba năm sau vụ việc này, một sự kiện nổi tiếng đã giúp công chúng Mỹ có cái nhìn thực tế hơn với tình trạng cướp biển ngày nay đã diễn ra. Đó là vụ cướp tàu Maersk Alabama năm 2009, hay còn được gọi là vụ Thuyền trưởng Phillips, vốn là chất liệu để tạo nên bộ phim cùng tên năm 2013. Vào ngày 8 tháng 4, tàu buôn Maersk Alabama đã bị tấn công bởi bốn tên cướp biển ra khơi từ bờ biển Somali. Sau một cuộc xung đột với thủy thủ đoàn, bọn cướp quyết định từ bỏ ý định cướp tàu, thay vào đó là bắt thuyền trưởng Phillips của nó làm con tin trên một trong những chiếc thuyền cứu sinh. Bốn ngày sau, ba xạ thủ bắn tỉa thuộc Nhóm Triển khai Chiến tranh Đặc biệt của Hải quân Hoa Kỳ, tức SEAL Team Six, đã tổ chức giải cứu và thành công tiêu diệt ba tên cướp biển chỉ bằng ba phát súng. Tên còn lại, Abduwali Muse thì bị bắt sống và giam giữ ở Hoa Kỳ. Thuyền trưởng Phillips sau đó trở về nhà an toàn và không có thành viên thủy thủ đoàn nào khác bị thương.
Tuy vụ việc không gây ra bất kỳ thiệt hại nào về người cũng như đã chứng tỏ khả năng tác chiến hiệu quả của những quân nhân tinh nhuệ nhất thuộc quân đội Mỹ, thế nhưng từ một góc độ khác, nó đã cho thấy những mối nguy hại mà Hoa Kỳ chưa từng phải đối mặt trong nhiều thế kỷ. Trên thực tế, Maersk Alabama là con tàu thương mại đầu tiên đăng ký hoạt động tại Mỹ, treo cờ Mỹ và được bảo vệ bởi luật pháp nước Mỹ mà bị cướp biển tấn công kể từ đầu thế kỷ 19, khi mà nước này đang tiến hành chiến tranh với cướp biển Barbary ở khu vực Địa Trung Hải. Tuy rằng mỗi khi nhắc tới hải tặc thời hiện đại, giới truyền thông thường có xu hướng chú ý nhiều đến Somali, thế nhưng nạn cướp biển cũng là một vấn đề hết sức nhức nhối ở Đông Nam Á, khi mà khu vực này đã chứng kiến sự gia tăng của hoạt động cướp biển vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, với hơn 200 vụ việc xảy ra hàng năm. Một trong những vụ việc đáng chú ý nhất xảy ra vào tháng 10 năm 1999, một con tàu mang cờ Nhật Bản có tên Alondra Rainbow bị bọn cướp biển trang bị súng ngắn và dao tấn công ở ngoài khơi Indonesia, sau đó dồn thủy thủ đoàn lên một chiếc bè cứu sinh và đẩy họ trôi dạt trên biển. Cuối cùng, những tên cướp biển đã bị Hải quân và Cảnh sát biển Ấn Độ bắt giữ.
Theo một báo cáo đăng tải trên tờ Time, ước tính có đến 41% số vụ cướp biển trên thế giới xảy ra ở vùng biển Đông Nam Á từ năm 1995 đến năm 2013 với hậu quả là tổng cộng 136 thủy thủ đã thiệt mạng ở khu vực này. Ngoài ra, Cục Hàng hải Quốc tế cho biết trong giai đoạn 1993 – 2015, Đông Nam Á đã chiếm tới 60% số vụ cướp biển trên toàn cầu. Tuy nhiên, một số nhà quan sát khác cho biết số vụ việc thực tế thậm chí có thể cao hơn. Theo Trung tâm Chia sẻ thông tin ISC thuộc Thỏa thuận hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang nhằm vào tàu thuyền ở Châu Á ReCAAP (Ri-cáp), tổng cổng có hơn 1.800 sự vụ liên quan đến cướp biển từ năm 2007 đến năm 2021. Bên cạnh đó, do gần 1/4 hoạt động thương mại của thế giới đi qua các tuyến đường vận chuyển của Đông Nam Á và khoảng cách thu nhập khá lớn ở nhiều quốc gia trong khu vực, nên cướp biển là một lựa chọn hấp dẫn đối với nhiều thanh niên nghèo. Thậm chí, các quan chức địa phương có mức lương thấp cũng thường tham gia vào hoạt động này bằng cách thông báo cho bọn cướp biển về lộ trình các tàu đi qua vùng biển địa phương, và đôi khi, nếu có thể, họ sẽ không truy tố những tên cướp biển bị bắt. Vì vậy, chống tham nhũng ở cấp quốc gia và địa phương là một phần cần thiết trong các hoạt động chống cướp biển và ngăn chặn cướp biển, điều mà Hải quân Hoa Kỳ khó mà nhúng tay vào can thiệp cho được. Tuy nhiên, họ vẫn có thể hoạt động theo những cách riêng của mình.
Để chống cướp biển ở vùng biển Đông Nam Á, Hoa Kỳ đã trở thành thành viên của Thỏa thuận hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang nhằm vào tàu thuyền ở Châu Á, cùng với Australia và 20 quốc gia khác từ Châu u và Châu Á. Sự tham gia của Hoa Kỳ vào tổ chức này bao gồm việc cung cấp chuyên môn hải quân của mình cho các lực lượng trong khu vực để họ có thể chuẩn bị tốt hơn trong việc chống cướp biển ở vùng biển của mình. Một phần đáng chú ý của nỗ lực này là các cuộc tập trận, chẳng hạn như Hợp tác và Huấn luyện Đông Nam Á SEACAT nhằm chuẩn bị cho những nước tham gia chống khủng bố, cướp biển, nạn đánh bắt cá bất hợp pháp và buôn lậu. Đồng thời, các cuộc tập trận này cũng nhấn mạnh hoạt động xác định, tiếp cận và theo dõi các tàu bị nghi ngờ có liên quan đến hành vi vi phạm luật hàng hải quốc tế ở quần đảo Andaman, eo Malacca, Singapore cho đến Biển Đông. Năm 2019, số lượng quốc gia tham gia SEACAT đạt mức cao kỷ lục kể từ khi cuộc diễn tập này bắt đầu vào 17 năm trước.
Tuy nhiên, bất chấp những cố gắng chống cướp biển đang diễn ra, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS vẫn chưa có khả năng giải quyết toàn diện mối đe dọa này. Ví dụ, định nghĩa tại Điều 101 đã giới hạn hành vi cướp biển trong “mục đích cá nhân”, khiến về mặt lý thuyết thì hành động cướp biển có thể hợp pháp nếu chúng được thực hiện vì mục đích công cộng hoặc chính trị. Bên cạnh đó, UNCLOS cũng mô tả cướp biển phải diễn ra ở vùng biển quốc tế. Vấn đề với định nghĩa này là ở vùng biển có diện tích hạn chế của Đông Nam Á, bọn hải tặc lại thường hoành hành trong vùng đặc quyền kinh tế chứ không phải vùng biển quốc tế. Như vậy, một số lỗ hổng của UNCLOS đã hạn chế khả năng của các quốc gia trong khu vực, trong việc buộc cướp biển phải chịu trách nhiệm về tội ác của chúng. Do đó, các chuyên gia về luật quốc tế và cướp biển lập luận rằng sẽ cần phải có những thay đổi về pháp lý và thể chế để chống lại các băng nhóm hải tặc đang lộng hành ở Đông Nam Á.
Ngày nay, công chúng ở các nước phát triển có xu hướng coi cướp biển là những nhân vật hài hước và thậm chí là đáng ngưỡng mộ. Tuy nhiên, cướp biển là mối đe dọa thực sự hơn nhiều đối với những người đi biển khi đi qua một số tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới và để đảm bảo chiến lược tự do hàng hải, Hải quân Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn đầu trong các nỗ lực chống hải tặc trên toàn thế giới, cho dù đây chắc chắn là một công cuộc đầy khó khăn cũng như khó có thể thực hiện với độ hiệu quả như mong đợi, ít nhất là trong tương lai gần.
Theo quý vị và các bạn, tương lai của các chiến dịch chống cướp biển của Hải quân Hoa Kỳ sẽ như thế nào? Liệu sự xuất hiện của các thiết bị không người lái có giúp giải quyết được vấn đề không? Hay những bất cập trong UNCLOS có được giải quyết bằng một văn kiện quốc tế mới? Hãy đừng ngần ngại để lại ý kiến của mình bên dưới phần bình luận.