Vậy là ngày đó đã đến, sau chuỗi ngày cả thế giới nín thở chờ đợi
Tehran đã chính thức giáng đòn tấn công mở màn đầu tiên vào Israel
Vậy đó có phải là mồi lửa thổi bùng lên ngọn lửa chiến tranh Trung Đông, đã âm ỉ suốt nhiều thập kỷ?
Và liệu Iran có thể đi xa đến đâu trong một cuộc chiến trường kỳ nhằm xóa bỏ cái tên Israel trên bản đồ thế giới?
Như một phần trong kế hoạch đáp trả vụ không kích tòa lãnh sự quán ngày 1/4/2024.
Nội dung bài viết
I. Giới thiệu khái quát Từ thời kỳ mâu thuẫn Iran- Israel dến sự kiện 13/4
Có thể bạn chưa biết, kể từ khi thành lập nhà nước Do Thái tại Trung Đông năm 1948, Israel và Iran từng có mối quan hệ gắn bó với chính quyền Iran khi đó vẫn nằm dưới quyền thống trị của Triều đại Pahlavi. Iran là quốc gia thứ hai có đa số dân theo Hồi giáo công nhận Israel vào năm 1950, sau Thổ Nhĩ Kỳ. Iran thậm chí còn là khách hàng lớn của ngành công nghiệp quốc phòng Israel. Tuy nhiên, sau khi cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran bùng nổ, Chính quyền Ruhollah Khomeini lên nắm quyền sau đó đã tỏ rõ lập trường chống Israel kịch liệt, đồng thời ủng hộ Tổ chức giải phóng Palestine. Cả Israel, Hoa Kỳ- quốc gia đồng minh với Israel và thậm chí là cả Liên Xô, cũng từng bị Iran coi là thế lực quỷ dữ. Chính quyền Iran mới coi Israel là kẻ thù đã cướp đất của người Hồi giáo và Tehran là bên bảo vệ chính nghĩa cho dân Palestine.
Bây giờ hãy nhìn lên bản đồ, các bạn có thể thấy Iran và Israel không hề có chung biên giới. Do vậy, mọi nỗ lực tấn công trực diện của Iran vào Israel bằng lục quân, nhất định cần phải vượt qua biên giới 2 nước Iraq và Syria. Chỉ cần một trong 2 nước này còn một chính quyền hùng mạnh hoặc có lực lượng Mỹ đóng vững chắc tại các cứ điểm kiên cố, Iran sẽ không thể thực hiện một cách nhanh chóng kế hoạch của mình. Đó là còn chưa kể đến việc Israel sở hữu một đội quân được huấn luyện bài bản, trình độ công nghệ, kỹ thuật quân sự rất tiên tiến, hoàn toàn đủ sức gây thiệt hại nặng cho Iran ngay cả khi đây là quốc gia hùng mạnh bậc nhất Trung Đông.
Thế nhưng, Iran lại có lợi thế vượt trội về chiều sâu lãnh thổ, dân số, tài nguyên đều quá áp đảo so với đối thủ. Trong một cuộc chiến ngầm, dù tiêu hao trong thời gian dài, nhưng họ đơn giản là không thể thua. Đã thế, họ cũng không ra mặt trực tiếp chiến tranh với Israel. Tehran đã hậu thuẫn mọi mặt, từ nguồn tài chính, vũ khí, huấn luyện quân sự, địa bàn hoạt động cho đến hàng loạt nhóm vũ trang chống Israel. Đặc biệt, lực lượng Hezbollah được thành lập năm 1982 tại Lebanon được xem là lực lượng hùng mạnh, chống Israel kịch liệt nhất. Các Lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo được xem là nhóm tinh nhuệ chịu trách nhiệm cho việc cung cấp vũ trang, huấn luyện và hỗ trợ hệ thống các đội quân ủy nhiệm tại Trung Đông. Các đội quân này được gọi chung là “trục kháng chiến”, bao gồm nhiều lực lượng thường xuyên được điểm tên trên mặt báo thời gian qua, như lực lượng Hezbollah ở Lebanon, phiến quân Houthi ở Yemen, phong trào Hồi giáo Hamas ở Gaza…
Đáp lại, Israel cũng được cho là thường xuyên có kế hoạch phá hoại Iran bằng lực lượng tình báo, mật vụ, ám sát nhà khoa học, phá hoại cơ sở hạ tầng phục vụ cho chương trình hạt nhân Iran. Thậm chí, Lực lượng phòng vệ Israel cũng từng có các cuộc tấn công quy mô nhỏ vào quân đội Iran kể từ năm 2018.
II. Cách Iran đang thực hiện nhằm làm hao tổn nguồn lực của Israel cho đến thời điểm hiện tại
Cả Quốc gia Do Thái và Hồi giáo Shiite đều thường xuyên có những phát ngôn nảy lửa, tỏ ra sẵn sàng tấn công nhau trực diện bất cứ khi nào.
Tuy nhiên, vai trò quấy rối, làm suy yếu Israel của Iran suốt 4 thập kỷ vừa qua vẫn chủ yếu thuộc về các lực lượng được Iran hậu thuẫn phía sau như Hamas, Hezbollah.
Các cuộc phá hoại cục bộ và tấn công đáp trả giữa Israel và các nhóm do Iran hậu thuẫn vẫn diễn ra liên tục cho đến thời điểm hiện tại, là nguyên nhân không thể thiếu khiến khu vực Trung Đông luôn trong tình trạng là lò lửa chiến tranh của thế giới. Đặc biệt, sau cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10/2023 và hành động của Israel ngay sau đó đã khiến cuộc chiến giữa quốc gia Do Thái và các nhóm do Iran hậu thuẫn bước sang một giai đoạn căng thẳng mới. Như các bạn đã biết, Hamas là nhóm vũ trang lớn, có quyền lực ở dải Gaza, họ có thể chiến đấu du kích dựa vào hệ thống đường hầm dày đặc và trà trộn vào người dân. Các biện pháp của Israel như báo trước thời điểm không kích, di tản dân đều tỏ ra thiếu hiệu quả. Đã thế, lực lượng phòng vệ Israel càng về sau càng tỏ ra thiếu kiên nhẫn khi sẵn sàng tấn công các mục tiêu Hamas ngay cả trong khu vực dân sự. Hành động này đã bị hàng loạt quốc gia phản đối kịch liệt, khiến Israel chịu áp lực ngoại giao từ Liên Hợp Quốc. Nỗ lực của quốc gia Do Thái nhằm thiết lập mối quan hệ hữu hảo với khối Arab dòng Sunni cũng vì thế mà thất bại khi vào ngày 14/10/2023, Arba Saudi đã đình chỉ các cuộc đàm phán về khả năng bình thường hóa quan hệ với Israel. Trong khi đó, Syria- quốc gia láng giềng của Israel cũng ngả về Iran sau một thời gian dài nhận viện trợ từ họ.
Iran cũng nhờ thế mà khẳng định được vị thế vững chắc của mình với những quốc gia Hồi giáo xung quanh, như mục tiêu ban đầu của họ trong việc trợ giúp các nhóm vũ trang chống Israel. Trong khi đó trên chiến trường, Israel cũng chưa thể tìm ra cách giải quyết dứt điểm Hamas và Hezbollah trong khi hình ảnh quốc gia ngày càng tệ do các vụ không kích nhầm vào cả nhà báo, nhân viên y tế. Hezbollah cũng liên tiếp có các đòn tấn công tập kích vào lãnh thổ Israel, gây cho nước này nhiều tổn thất. Căng thẳng giữa Israel với các nhóm quân vũ trang và cả Iran cũng vì thế ngày càng có dấu hiệu leo thang với bất lợi đang ngày càng lộ rõ về phía Israel. Diễn biến mới nhất trong căng thẳng giữa 2 bên là cuộc không kích của Israel ngày 1/4 đã phá hủy tòa nhà phụ lãnh sự quán Iran cạnh đại sứ quán Iran ở Damascus của Syria, sát hại 16 người, trong đó có một chỉ huy cấp cao của Lực lượng Quds của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, Chuẩn tướng Mohammad Reza Zahedi và 7 sĩ quan. Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã lên án vụ tấn công .
Vào ngày 13 tháng 4 năm 2024, Iran đã trả đũa bằng các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào Israel. Iran nói rằng đây là đòn đáp trả cho cuộc tấn công của Israel hồi đầu tháng 4 vào khu phức hợp đại sứ quán của họ ở thủ đô Damascus, Syria. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, máy bay không người lái, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo đã được sử dụng trong cuộc tấn công của Iran. Một số đồng minh khác ở Yemen, Lebanon cũng phóng UAV, tên lửa vào lãnh thổ Israel. Theo nguồn tin từ phía Iran, máy bay phản lực của nước láng giềng Jordan đã bắn hạ hàng chục máy bay không người lái của Iran bay ngang qua miền trung và miền bắc nước này, khi chúng đang trên đường hướng đến Israel. Nguồn thạo tin Iran cho biết “Nếu Jordan can thiệp, họ sẽ là mục tiêu tiếp theo!”
“Chúng tôi đã chặn cuộc tấn công. Chúng tôi sẽ cùng nhau chiến thắng” – Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói trong tuyên bố công khai đầu tiên sau cuộc tấn công của Iran.
Sau mọi hành động của đối phương, cuộc tấn công trả đũa của Iran quả thực đã là điều tất yếu phải xảy ra. Iran thực hiện đợt tập kích lớn vào Israel, nhưng được tiến hành để khôi phục khả năng răn đe với Tel Aviv, cũng như kiềm chế nhằm tránh leo thang xung đột hay gây ra một cuộc chiến tổng lực với Israel. Tuy nhiên, phía Israel cũng đã có những bước chuẩn bị từ trước nhằm bảo toàn năng lực.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, chỉ một số lượng nhỏ trong số hàng trăm máy bay không người lái và tên lửa do Tehran phóng đi, vượt qua hệ thống phòng không của Israel. Lực lượng Phòng vệ Israel khẳng định hệ thống phòng không đa tầng của Israel cùng các đồng minh đã bắn hạ và vô hiệu hóa 99% số vũ khí này trước khi chúng bay đến không phận của quốc gia Do Thái. IDF cho biết, cuộc tập kích của Iran chỉ gây hư hại nhẹ cho căn cứ không quân và không ảnh hưởng đến hoạt động của cơ sở này. Theo đó, lực lượng Israel đã đánh chặn hơn 70 UAV và ít nhất 3 tên lửa đạn đạo trong cuộc tấn công của Iran vào Israel
Theo truyền hình nhà nước Israel, cuộc tấn công lớn của Iran là một sự leo thang chưa từng có trong vòng xoáy căng thẳng giữa Israel và Iran. Đây có thể là cơ sở để tuyên chiến với Iran. Trước các thông tin cho rằng Israel có thể lôi kéo Mỹ, Anh vào cuộc chiến, ngày 14/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ không tham gia bất kỳ cuộc tấn công nào của Israel nhằm vào Iran. Trong khi cả thế giới còn đang chờ đợi một hành động đáp trả từ phía Nhà nước Do Thái thì ngay ngày 14/4/2024, Iran bất ngờ tuyên bố:
“Những đứa con nhiệt huyết và dũng cảm của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, với sự hợp tác và phối hợp của tất cả bộ phận về quốc phòng, chính trị trong đất nước, tối qua đã mở ra trang sử mới cho Iran và dạy cho kẻ thù một bài học!” – Tổng thống Iran Iran Ebrahim Raisi
Ông Raise đồng thời cũng cảnh báo sẽ tiếp tục phản ứng cứng rắn trước bất kỳ động thái mới nào nhằm chống lại lợi ích của Tehran, đồng thời khuyên những quốc gia hậu thuẫn Israel “trân trọng hành động có trách nhiệm và phù hợp của Iran”, cũng như “kiềm chế ủng hộ Tel Aviv một cách mù quáng”.
III. Dự đoán cách Iran có thể dùng để tiếp tục thực hiện mục tiêu đánh bại Israel và bất lợi, thuận lợi của Iran nếu sử dụng từng biện pháp
Rõ ràng, nếu Israel quyết định leo thang xung đột, khả năng một cuộc đại chiến quy mô lớn bùng phát sẽ là điều rất khó tránh khỏi nhưng trớ trêu thay, mọi chuyện nhiều khả năng sẽ diễn biến theo chiều hướng bất lợi dành cho họ. Đó là bởi Israel chỉ có một cách duy nhất là tấn công chớp nhoáng, kể cả khi có viện trợ của Mỹ trong khi Iran có quá nhiều lựa chọn
Phương thức đầu tiên cũng có khả năng diễn ra cao nhất, đó là Iran sẽ một mặt tiếp tục tỏ ra kiềm chế nhưng trên thực tế sẽ đẩy mạnh hỗ trợ cho các nhóm vũ trang chống Israel. Đưa chiến tranh sang biên giới đối thủ, từng bước bào mòn tiềm lực của nhà nước Do Thái qua từng ngày.
Vâng, đây chỉ đơn giản là việc Iran sẽ duy trì và củng cố những gì họ đã làm trong suốt 4 thập kỷ vừa qua. Nếu bạn cho rằng Iran không đủ tiềm lực để làm như vậy thì xin hãy nhớ rằng, ngoại trừ trình độ công nghệ quân sự, Iran đơn giản là áp đảo Israel mọi mặt từ tiềm lực dân số, tài nguyên đến quy mô nền công nghiệp.
Cách 1: Tiếp tục duy trì quấy rối bằng các lực lượng ủy nhiệm
Chúng ta hãy lấy ví dụ về Hezbollah- lực lượng được mệnh danh là chủ thể phi quốc gia được vũ trang nhiều nhất thế giới. Họ không chỉ gây tổn hại cho Israel mà còn là cả các đồng minh. Nhóm Hezbollah làm tất cả những điều như vậy chỉ với một kho chứa 150.000 quả rocket. Nhiều cái trong số chúng thuộc loại cỡ 107mm, được bắn từ bệ phóng 12 ống do Iran cung cấp, nhưng cũng có thể dùng bệ phóng cơ động vác vai. Loại rocket này có tầm bắn 8-9km, có thể mang theo đầu đạn nổ mạnh (HE) phân mảnh nặng 8kg. Trong kho rocket của Hezbollah còn có một số chiếc thuộc loại 122mm, nặng từ 10-40kg. Loại rocket này dù lạc hậu nhưng khi tấn công vào vùng đất dày đặc cơ sở hạ tầng của Israel, độ chính xác vốn là yếu điểm của loại vũ khí này lại không phải là vấn đề, khi chừng đó là quá đủ để khiến đối thủ chịu thiệt hại nặng. Đã vậy, nó lại có lợi thế về khả năng cơ động nhờ bệ phóng 3 chân cơ bản hoặc từ phía sau xe tải và xe bán tải để rút lui nhanh, khiến Israel khó phản pháo.
Lớn hơn một chút là các loại rocket sử dụng nhiên liệu rắn do Iran phát triển, cỡ 240mm, như Falaq-1 với tầm bắn 9,5-11km, mang đầu đạn HE nặng 50kg. Fajr-3 có tầm bắn 43km, đầu đạn HE nặng 44kg, thường được bắn từ bệ phóng 14 ống. Với cỡ đầu đạn từ 300mm trở lên, Hezbollah có loại rocket Khaibar-1 (tầm bắn 100 km, tải trọng đầu đạn 150kg), Falaq-2 (tầm bắn 9-11km, mang đầu đạn HE nặng 120kg).
Tất cả chúng đều là mối uy hiếp cực lớn tới bất kỳ vị trí nào của người Israel và ngành công nghiệp quốc phòng của Iran hoàn toàn đủ năng lực cung ứng, bổ sung cho Hezbollah bất cứ khi nào cần thiết. Trong khi đó, ở phía ngược lại, các cuộc tấn công của Israel vào Hezbollah đều rất tốn kém, do bản thân lực lượng này gần như luôn trong trạng thái “không còn gì để mất” ngoại trừ con người và nguồn viện trợ từ Iran. Việc duy trì không kích đến khi Hezbollah suy kiệt về con người đã khó, trong khi việc chặn nguồn tiếp tế mà không phải tấn công quy mô lớn vào Iran lại càng là bất khả thi. Điều đó đồng nghĩa với việc Iran thông qua Hezbollah cũng đủ sức mở một mặt trận đối chọi với Israel, kéo dài đến bất kỳ mốc thời gian nào họ muốn.
Cách 2: đánh tên lửa vào Thủ đô Tel Aviv
Tuy nhiên, sau vụ trả đũa hôm 13/4, chúng ta cũng không loại trừ trường hợp Israel đáp trả bằng cách tấn công mạnh hơn vào các lực lượng Iran. Qua đó kích động chính quyền Tehran hiện tại phải thể hiện quyết tâm chính trị bằng cách mở cuộc tấn công tên lửa vào các thành phố quan trọng của israel, bao gồm cả thủ đô Tel Aviv.
Nếu tình huống này xảy ra, lợi thế lại một lần nữa không thuộc về phía Israel. Dù quốc gia này sở hữu lực lượng không quân và tên lửa tiên tiến nhưng quy mô nền công nghiệp của họ không thể so được về sản lượng với Iran. Nguồn cung từ Mỹ cũng không thể bù đắp được khoảng trống này. Lãnh thổ của Israel cũng quá nhỏ bé, cơ sở hạ tầng lại tập trung vào một số điểm nhất định cũng là điểm yếu trí mạng để Iran có thể phát huy tối đa lợi thế về số lượng để thực hiện đòn tấn công bão hòa. Hệ thống phòng thủ của Israel sau khi trải qua những đợt tấn công của lực lượng phiến quân đã được chứng minh là hoàn toàn có thể bị bào mòn và quá tải.
Bên cạnh đó, kể cả có phần thua thiệt hơn nhưng điều đó không có nghĩa là Iran lép vế hoàn toàn so với đối thủ. Họ đủ sức trang bị lượng vũ khí có mức độ hiện đại hóa vượt xa mức trung bình của thế giới cho đội quân hơn nửa triệu người của mình, gồm 420.000 lính chính quy và 125.000 Vệ binh Cách mạng Hồi giáo- lực lượng từng tỏ rõ sức mạnh trong cuộc chiến tranh với Iraq năm 1980. Cường quốc mạnh nhất Trung Đông còn được cho là có thể huy động thêm ít nhất một triệu quân, được vũ trang đầy đủ, sẵn sàng chiến đấu trường kỳ với bất kỳ đối thủ nào. Bản thân dòng UAV Shahed của họ cũng được đánh giá là thực dụng và nguy hiểm bậc nhất thế giới. Iran đang tỏ rõ lợi thế về số lượng của dàn vũ khí tầm xa so với Israel với đủ các loại tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo có tầm bắn lên đến 2.000km, một lượng lớn drone có tầm bay từ 2.000 – 2.500km có khả năng bay thấp để tránh radar… Những cái tên đáng chú ý như Sejjil, Khaibar, Emad, Shahab-3, Ghadr, Paveh, Fattah-2 và Haj Qasem có thể được triển khai tấn công Israel bất cứ khi nào. Điều đó cũng có nghĩa là khi 2 bên tấn công nhau qua lại bằng tên lửa mang đầu đạn hạng nặng, Israel sẽ là bên chịu thất thế nhưng đổi lại, Iran cũng không tránh được thiệt hại nặng nề đến không thể phục hồi.
Cách 3: Chiến tranh cục bộ
Điều đó dẫn chúng ta đến một kịch bản thứ 3, đó là một cuộc chiến tranh cục bộ sẽ nổ ra giữa 2 nước.
Cho đến thời điểm hiện tại, Syria là đồng minh thân cận với Iran, các quốc gia Hồi giáo lớn khác ở Trung Đông như Arab Saudi đã phá băng quan hệ và đang chuẩn bị bước sang một chương mới, có nhiều triển vọng hơn.
Điều đó cũng có nghĩa là Iran có lợi thế sân nhà hơn so với Israel. Họ cũng có thể áp dụng chiến thuật “tuyên mà không chiến” khi vừa phóng tên lửa, vừa triển khai quân qua Syria, song song với việc thúc đẩy các lực lượng họ hậu thuẫn tích cực đánh phá. Đến khi đất nước Israel kiệt quệ họ mới triển khai một cuộc tấn công thực sự. Tuy nhiên, quyết định tấn công của Iran sẽ là kịch bản nguy hiểm bởi sau lưng Israel còn có Mỹ, Anh. Bản thân quốc gia Do Thái khi lâm vào tình thế hiểm nghèo hoàn toàn có thể tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran, gây thiệt hại không thể phục hồi trong thời gian ngắn cho họ. Không quân là lực lượng duy nhất của Israel có thể vượt trội Iran, do đa phần các máy bay của nước này đã quá lỗi thời, lạc hậu, có thâm niên từ thời trước Cách mạng Hồi giáo.
Đã thế, vẫn có khả năng Iran nhận được sự hỗ trợ của Nga, Trung Quốc dù công khai hay phi chính thức. Trong khi việc buộc Mỹ phải hướng sự chú ý ra ngoài châu u sẽ tạo lợi thế cho Nga, còn tình thế nguồn lực của Mỹ bị bào mòn sẽ cho phép Trung Quốc giành được lợi thế trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng trên toàn cầu. Mà như các bạn đã biết, khi nói về một cuộc chiến tranh chiến thuật, “kẻ nghiệp dư nói về chiến thuật, dân chuyên nghiệp bàn về hậu cần”. Nga và Trung Quốc có điều kiện thuận lợi để tiếp sức cho Iran hơn Hoa Kỳ rất nhiều bởi vị trí địa lý thuận lợi cũng như việc 2 quốc gia hùng mạnh nhất lục địa Á- u không phải lo đến những vấn đề phát sinh như vụ việc khoản viện trợ của chính phủ Mỹ dự định dành cho Ukraine, Israel bị Đảng Cộng Hòa chặn như vừa rồi. Đội quân tinh nhuệ của Israel có thể giành được một vài chiến thắng chiến thuật nhưng Iran với sức mạnh nội lực rất lớn của mình hoàn toàn có thể bổ sung nhân lực, vật lực liên tục sau mỗi trận đánh. Nói một cách dân dã là “càng thua càng đánh, thua ở đâu gấp đôi ở đó”. Cứ như vậy, nếu chiến tranh cục bộ xảy ra, trừ khi người Do Thái sử dụng vũ khí hạt nhân theo phương châm “Nhà nước Israel không tồn tại” thì kẻ thù của nó cũng không được phép còn thở” thì khả năng chiến thắng đối với họ là hết sức mong manh.
Tuy nhiên, khi kịch bản tồi tệ nhất đó xảy ra, Iran có khả năng cao sẽ giành chiến thắng trước Israel một cách tạm thời nhưng cũng khó có thể tránh khỏi bị trả giá đắt. Nhưng dù kết quả có ra sao thì đây cũng là điều mà không quốc gia nào trên thế giới mong muốn khi có thể lôi các cường quốc vào một cuộc xung đột không hồi kết. Nhưng trớ trêu thay, chính những lo ngại về mức độ thiệt hại một khi phát động chiến tranh toàn diện, lại đang kiềm chế các hành động của cả Iran lẫn Israel. Tuy nhiên, trước những diễn biến khó lường hiện tại, thật khó để chúng ta có thể dự đoán chính xác những hành động tiếp theo của 2 bên.
Vậy theo các bạn, liệu có nguy cơ nổ ra một cuộc toàn diện giữa Iran và Israel không? Hãy để lại câu trả lời xuống phần bình luận.