Giả sử bạn có thể quay ngược thời gian trở về nước Việt Nam thế kỷ XVIII.
Bạn đang tìm đường tới nhà cụ tổ họ mình.
Trên dọc đường đi, bạn để ý thấy những biển hiệu, những bảng chỉ dẫn được viết bằng những ký tự rất giống chữ Trung Quốc.
Bạn không hiểu gì cả, và thế là, bạn rất có khả năng bị lạc trên chính quê hương của mình.
Trừ khi bạn mang theo một cuốn từ điển chữ Nôm.
Đúng vậy, bạn đang đi trong xã hội Việt Nam nơi chữ Nôm là chữ viết được sử dụng chính thức.
Cho tới tận ngày nay, người Việt chúng ta đều biết tới sự tồn tại của chữ Nôm như một phần lịch sử và văn hóa dân tộc.
Nhưng liệu bạn đã thực sự hiểu về loại chữ viết này?
Nội dung bài viết
I. Sự ra đời của chữ Nôm
Bạn đang ở thế kỷ XVIII. Giờ hãy quay ngược thời gian thêm chút nữa để về thời kỳ Bắc thuộc. Người Trung Quốc tới đô hộ nước ta bèn đưa chữ Hán vào giảng dạy nhằm mục đích đồng hóa dân tộc Việt Nam. Ông cha ta nhận thấy sự tiện lợi của chữ Hán nên cũng nảy ra ý tưởng mượn loại chữ này. Tuy nhiên, học chữ Hán rất khó bởi mỗi một chữ ở mỗi vùng của Trung Quốc lại có cách đọc khác nhau. Giờ hãy dừng lại một chút và đưa ra một vài so sánh. Chắc hẳn chúng ta đã quá quen với các ký tự như thế này %, &, $. Chúng có thể được đọc bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, nhưng ý nghĩa thì ở ngôn ngữ nào cũng như vậy.
Chữ Hán, về cơ bản, cũng là một loại ký tự.
Giống với chữ tượng hình Ai Cập cổ đại, chữ Hán được dùng để biểu thị ý nghĩa nhiều hơn là âm tiết.
Theo thuật ngữ ngôn ngữ học, chữ Hán là chữ biểu ý.
Vậy tại sao không lấy ý nghĩa chữ Hán biểu thị và đọc chữ đó theo cách của người Việt Nam nhỉ?
Đó chính là cách người Việt xưa đã dùng để mượn chữ Hán nhằm diễn tả các câu từ trong tiếng Việt.
Thời kỳ đó, các chữ Hán được đọc theo âm Hán-Việt. Ví dụ như chữ này 早* sẽ có âm Hán-Việt được đọc là “tảo”.
Chữ Hán được Việt hóa âm đọc như vậy được gọi là chữ Nho.
Sở hữu trong tay cả tiếng nói lẫn chữ viết, văn hóa Việt Nam như được củng cố hơn trong thời kỳ Bắc thuộc. Kết quả thì lịch sử cũng đã minh chứng. Một thiên niên kỷ dưới ách đô hộ của người Trung Hoa nhưng người Việt không hệ bị đồng hóa.
Có thể nói, tiền đề quan trọng nhất cho sự khai sinh của chữ Nôm chính là âm Hán-Việt. Thực tế là ngày nay, âm Hán-Việt vẫn còn được sử dụng rất nhiều trong đời sống thường nhật.
Tuy nhiên, ngôn ngữ Trung Hoa và ngôn ngữ Việt Nam là hai ngôn ngữ khác nhau, trong đó tiếng Trung chỉ có bốn thanh còn tiếng Việt có tới sáu thanh. Chính vì thế, dù có mượn chữ cái của người Hoa thì vẫn có những từ vựng thuần Việt mà chữ Hán không thể diễn tả được.
Năm 938, Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, kết thúc 1000 năm Bắc thuộc. Nước Việt bước sang thời kỳ độc lập, tự chủ.
Cũng bắt đầu từ giai đoạn này mà ý thức của người Việt về một loại chữ của riêng người Việt, dùng để ghi các âm của riêng người Việt lại càng trở nên mạnh mẽ hơn nữa.
Do chính nhu cầu muốn ghi lại tiếng mẹ đẻ nên người Việt Nam, từ nền tảng chữ Hán, đã sáng tạo ra thứ chữ mới gọi là chữ Nôm.
Thuở sơ khai, chữ Nôm được sử dụng để ghi lại âm tiếng Việt dưới dạng chữ Hán. Các nhà ngôn ngữ học gọi cách sử dụng chữ này là “giả tá”, có nghĩa là mượn các chữ Hán có âm tiết giống với âm tiếng Việt để ghi lại một từ tiếng Việt có nghĩa khác hoàn toàn.
Theo thời gian, cùng với sự ổn định hơn của âm Hán-Việt, chữ Nôm cũng dần được cải tiến.
Ngoài giả tá thì người Việt còn kết hợp thêm một phương pháp cấu tạo chữ Nôm nữa, trong đó một chữ Nôm mới sẽ được ghép từ hai chữ Hán sẵn có.
Trong hai chữ Hán đó, một chữ sẽ mang tính gợi âm, nghĩa là gợi ý cách đọc, còn một chữ sẽ mang tính gợi ý.
Phép này được gọi là “hài thanh”. Chúng tôi sẽ phân tích kĩ cấu tạo chữ Nôm theo phép hài thanh ở phần sau của video.
Chữ Nôm, trong thời gian đầu mới được hình thành, chắc chắn không thể hoàn thiện ngay.
Theo thời gian, khi âm Hán-Việt được ổn định và đời sống người Việt phát triển hơn thì chữ Nôm cũng dần được cải thiện, hoàn chỉnh và trở thành một phần của đời sống xã hội Việt Nam.
Trong công trình nghiên cứu “Chữ Nôm – Nguồn gốc, cấu tạo và diễn biến” của nhà nghiên cứu Đào Duy Anh có viết:
“Chữ Nôm chính thức chỉ xuất hiện khi mà những yêu cầu của xã hội đã khiến người ta phải tạo nên một số lượng chữ đủ để dùng trong các mặt sinh hoạt.”
“Do yêu cầu của hoạt động xã hội, hoạt động kinh tế, hoạt động tôn giáo, hoạt động chính trị, người ta cần một thứ chữ dễ hiểu dễ đọc hơn chữ Hán mà sự truyền bá chỉ hạn chế trong các tầng lớp trên mà thôi.”
Trải qua hàng trăm năm cải tiến, cuối cùng vào cuối thời nhà Lý, chữ Nôm đã được hoàn chỉnh cả về cấu tạo lẫn ngữ pháp và đưa vào sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.
Vậy chữ Nôm có cấu tạo như thế nào?
II. Cấu tạo của chữ Nôm
Điều đầu tiên chúng ta cần phải ghi nhớ đó chính là chữ Nôm được xây dựng trên cơ sở chữ Hán đọc theo âm Hán-Việt.
Về cơ bản, có ba cách cấu tạo một chữ Nôm, đó là giả tá, hài thanh và hội ý.
Như chúng tôi đã nói ở phần trước của video, thời kỳ đầu chữ Nôm bản chất là chữ Hán đọc dưới âm Hán-Việt để diễn tả các từ vựng thuần Việt.
Hãy lấy một ví dụ như thế này.
Chữ này 末 trong tiếng Hán nghĩa là “hết” hoặc “cuối”. m Hán-Việt của nó là “mạt”.
Bởi vì âm Hán-Việt của chữ này giống với “mặt” nên người Việt xưa đã dùng luôn chữ này với nghĩa là “mặt”.
Cách mượn âm một từ trong tiếng Hán để diễn tả một từ trong tiếng Việt như vậy được gọi là giả tá.
Cần lưu ý rằng, một chữ có thể có nhiều âm đọc, và một âm đọc có thể được viết bằng nhiều chữ Nôm khác nhau.
Cách thứ hai để cấu thành một chữ Nôm là hài thanh.
Hiểu đơn giản thì hài thanh là việc tạo thành chữ Nôm từ hai chữ Hán, một chữ gợi âm, một chữ gợi ý.
Hãy lấy chữ Nôm này 𡥵 làm ví dụ.
Chữ Nôm này đọc là “con”, được ghép từ hai chữ Hán tử 子 và côn 昆.
Chữ “tử” 子 tiếng Hán nghĩa là “con cái”. Đây là chữ mang tính gợi ý. Như vậy chúng ta có thể biết rằng chữ Nôm “con” có ý nghĩa liên quan tới con cái.
Còn chữ “côn” 昆 là chữ mang tính gợi âm. m “côn” và “con” gần giống nhau nên phần nào chúng ta có thể suy luận ra được cách đọc của chữ Nôm “con” 𡥵.
Ghép cả phần gợi ý và gợi âm, chúng ta sẽ có chữ Nôm “con” 𡥵 với ý nghĩa “con cái” hoặc “nhỏ bé”, “bé con”.
Nghĩa thứ hai của chữ “con” đã được nhà thơ Hồ Xuân Hương sử dụng trong câu cuối của bài thơ Nôm “Tự tình”:
𤗖 情 删 𢩿 孙 𡥵𡥵
“Mảnh tình san sẻ tí con con”
Ngoài hai phương pháp giả tá và hài thanh, chữ Nôm còn được cấu tạo theo một cách khác đó là hội ý.
Về cơ bản thì hội ý là việc ghép hai chữ Hán có ý nghĩa bổ sung cho nhau để tạo thành một chữ Nôm có nghĩa mới.
Hãy quan sát chữ Nôm này 𡗶.
Chữ Nôm này đọc là “trời”. Các bạn hãy nhớ rằng, tiếng Hán không có từ nào đọc là “trời”. Đây là một từ hoàn toàn thuần Việt.
Người Việt xưa đã mượn hai chữ Hán “thiên” 天 nghĩa là trời và “thượng” 上 nghĩa là trên, ghép chúng lại với nhau để tạo ra chữ Nôm “trời” 𡗶.
Tuy nhiên, phương pháp hội ý lại ít được sử dụng trong cấu tạo chữ Nôm. Hai phương pháp giả tá và hài thanh là hai phương pháp được sử dụng phổ biến hơn cả.
Được rồi. Vậy là chúng ta có chữ Nôm. Chúng ta cũng có luôn ba cách để cấu tạo được một chữ Nôm hoàn chỉnh.
Vậy thì chúng ta sẽ sử dụng loại chữ này vào việc gì?
III. Công dụng của chữ Nôm
Ban đầu, chữ Nôm mới chỉ được sử dụng để ghi tên người, tên địa danh làng, xã, vân vân.
Lúc này, chữ Hán vẫn là thứ chữ chiếm ưu thế hơn trong xã hội Việt Nam. Bởi tầng lớp cai trị vẫn tin tưởng rằng chữ Hán “xịn” hơn, tri thức hơn nên vẫn sử dụng loại chữ này cho các văn bản hành chính, sổ sách.
Chỉ khi nào người ta gặp một từ không có từ chữ Hán nào diễn tả được thì chữ Nôm mới được sử dụng đến.
Hoặc là khi các bạn đi lễ đình, đền hoặc chùa. Hãy để ý hai bên lối vào. Bạn sẽ thấy có một cặp câu đối. Những câu đối này có thể được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm hoặc đan xen cả hai thứ chữ.
Chữ Nôm còn phát huy công dụng của mình trong công tác biên dịch. Bạn hãy thử tưởng tượng, với phần lớn tầng lớp bình dân không được tiếp cận với chữ Hán, thì làm thế nào để truyền đạt tới họ các tác phẩm kinh điển từ truyện tới sách Nho giáo hay Phật giáo?
Đó chính là dịch các tác phẩm đó sang chữ Nôm.
Rất nhiều các tác phẩm đã được dịch sang chữ Nôm để tiếp cận tầng lớp bình dân như Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, hay sách Luận ngữ và Thi Kinh giải âm, vốn là cuốn sách dịch và giải nghĩa toàn bộ Kinh Thi bằng chữ Nôm được in vào thời Tây Sơn.
Chữ Nôm còn được sử dụng để ghi chép lại kho tàng truyện dân gian của người Việt.
Trước đây khi chưa có chữ viết, người Việt xưa đã dùng hình thức truyền miệng để lưu lại các câu truyện dân gian, truyện cổ tích cho hậu thế. Hình thức này ít nhiều gây ra khó khăn bởi mỗi người lại có một cách kể, chưa tính tới việc dễ khiến các tác phẩm dân gian bị thất truyền.
Chữ Nôm ra đời cung cấp cho người Việt xưa một công cụ tuyệt vời để ghi chép lại các tác phẩm dân gian. Với việc được thiết kế dành riêng cho các từ vựng thuần Việt, chữ Nôm tỏ ra hiệu quả trong việc ghi lại truyện dân gian Việt Nam, nhờ đó giúp cho kho tàng truyện dân gian của dân tộc ta được lưu truyền tới tận thế hệ hiện tại.
Nếu không có chữ Nôm, e rằng tới thế kỷ 21 sẽ không mấy ai biết nội dung của Tấm Cám, Thạch Sanh, hay các truyện cổ tích là như thế nào nữa. Một phần của văn hóa Việt Nam sẽ bị thất lạc.
Tuy nhiên, giá trị lớn nhất của chữ Nôm nằm ở việc loại chữ viết này đã góp phần sáng tạo nền văn hóa Việt Nam thông qua các tác phẩm văn học.
Nếu ở thời Lý, người Việt vẫn chỉ sử dụng chữ Nôm hạn chế trong việc ghi chép tên người, tên địa danh hay diễn tả các từ vựng mà chữ Hán không có thì tới thời Trần, các áng văn đầu tiên bằng chữ Nôm đã bắt đầu xuất hiện.
Đây là Hàn Thuyên.
Ông là một vị quan thời nhà Trần, đỗ tiến sĩ năm 1247. Hàn Thuyên là người đầu tiên sử dụng luật thơ Đường* để sáng tác thơ Nôm, góp phần phát triển và phổ biến chữ Nôm trong nước.
Cho tới ngày nay, người ta vẫn thường xuyên nhắc tới bài thơ Nôm “Văn tế cá sấu” và gọi ông là “Ông tổ thơ Nôm”.
Theo sau Hàn Thuyên, rất nhiều những tên tuổi, những tác phẩm lớn được sáng tác bằng chữ Nôm của chính dân tộc Việt Nam.
Thời Hậu Lê, không thể không nhắc tới “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi. Đây là tuyển tập thơ đầu tiên bằng tiếng Việt viết bằng chữ Nôm trong lịch sử sáng tác văn thơ Việt Nam.
Chúng ta cũng không thể bỏ qua vị vua đã tạo nên thời kỳ phong kiến rực rỡ nhất lịch sử Việt Nam – vua Lê Thánh Tông cùng với tập thơ “Hồng Đức quốc âm thi tập”. Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng để lại cho hậu thế một tập thơ Nôm nhan đề “Bạch Vân quốc ngữ thi”.
Các nữ thi sĩ cũng tỏ ra không hề kém cạnh. Dám chắc rằng ở Việt Nam, chẳng mấy ai là không biết tới “Bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương với kho tàng thơ Nôm vô cùng phong phú với các bài thơ đã gắn liền với tên tuổi của bà như “Bánh trôi nước”, chùm thơ “Tự tình”, “Quả mít”, cùng rất nhiều những bài thơ Nôm khác.
Thơ Nôm Việt Nam có thể được viết dưới nhiều hình thức. Không chỉ có áp dụng luật thơ Đường tạo thành thơ hàn luật mà các thể thơ dân gian như lục bát hay song thất lục bát cũng được sử dụng linh hoạt.
Với thể thơ song thất lục bát, chúng ta có thể nhìn vào bản dịch chữ Nôm tác phẩm “Chinh phụ ngâm khúc” do Đoàn Thị Điểm dịch. Còn với thể thơ lục bát, người Việt Nam có thể tự hào kể tên ra hàng loạt những tác phẩm kinh điển như “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, “Truyện Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu, hay các truyện thơ Nôm vô danh như Phạm Tải Ngọc Hoa, Tống Trân Cúc Hoa, vân vân.
Với chữ Nôm, rõ ràng người Việt Nam xưa đã có thể tự do thể hiện những suy nghĩ, phong cách, quan điểm của bản thân về tất cả các khía cạnh trong xã hội. Những bài thơ Nôm còn được gìn giữ tới ngày nay đã khẳng định trí sáng tạo cũng như ứng dụng tuyệt vời của người Việt Nam, cùng với đó là phản ánh các quá trình phát triển xã hội khác nhau xuyên suốt lịch sử nước Việt. Ngoài các sử liệu thì thơ Nôm hoàn toàn là một tư liệu lịch sử quan trọng làm bằng chứng cho một Việt Nam văn hiến, độc lập, sáng tạo, tự chủ và hướng thiện.
Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, đã từng có lúc chữ Nôm được sử dụng trong các văn bản hành chính của nước Việt. Đó là dưới hai triều đại nhà Hồ và Tây Sơn.
Hồ Quý Ly sau khi lên ngôi vào năm 1400 đã thực hiện nhiều cải cách táo bạo mà một trong số đó là sử dụng chữ Nôm để chấn hưng văn hóa Việt Nam.
Dưới thời Tây Sơn, tất cả các văn bản hành chính được viết bằng chữ Nôm, đồng thời Hoàng đế Quang Trung cũng lần đầu tiên đưa chữ Nôm vào hệ thống khoa cử. Chữ Nôm trở thành hệ thống chữ viết chính của người Việt trong suốt 24 năm của triều đại Tây Sơn.
Song rất đáng tiếc, cả hai triều đại nhà Hồ và Tây Sơn đều không tồn tại được lâu.
Thế nhưng nỗ lực của cả hai triều đại này trong việc sử dụng và truyền bá chữ Nôm như hệ thống chữ viết của riêng người Việt Nam là rất đáng ghi nhận. Bởi chúng thể hiện tinh thần dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ rất lớn của người Việt Nam.
Có lẽ bởi vì bất cứ người Việt Nam chân chính nào cũng sẽ có lòng tự hào dân tộc, nên chữ Nôm mới được ưu ái đặt cho cái tên khác là “quốc âm” hay “quốc ngữ”, nghĩa là “âm thanh của đất nước” hay “ngôn ngữ của đất nước”. Chữ Nho chưa bao giờ được gọi như vậy.
Và chữ Nôm sẽ còn trở nên phổ biến hơn nữa nếu nỗ lực của nhà Hồ và nhà Tây Sơn giành được thêm những thành công. Song đó là câu chuyện của lịch sử. Lịch sử đã có đường đi cho riêng mình và chúng ta chỉ có thể cố gắng thích ứng theo dòng chảy khó đoán của nó.
Thế nhưng, nếu cho tới bây giờ người Việt Nam vẫn dùng chữ Nôm thì sẽ thế nào?
Chúng ta đều biết rằng, các nhà truyền giáo phương Tây đã bắt đầu có những nỗ lực ghi lại âm của tiếng Việt bằng chữ cái Latin sớm nhất là vào khoảng thế kỷ XVI, từ đó tạo điều kiện để chữ quốc ngữ ra đời và trở thành chữ viết chính thức của người Việt Nam ngày nay.
Nhiều người vẫn hiểu rằng, sự ra đời của chữ quốc ngữ đồng nghĩa với sự ra đi của chữ Nôm. Rằng chữ Nôm giờ đã chỉ còn là một kỷ niệm đẹp hay một di sản văn hóa mà ông cha ta để lại.
Nhưng chúng tôi hôm nay muốn giới thiệu tới các bạn một quan điểm khác. Rằng chữ Nôm vẫn tồn tại. Ít nhất là về mặt âm tiết. Còn hình thức thể hiện chữ cái thì đã được chuyển sang chữ Latin.
Đúng vậy. Hãy nhớ rằng, khi các nhà truyền đạo phương Tây tới Việt Nam thì khi đó người Việt đã có hệ thống chữ Nôm hoàn chỉnh của riêng mình rồi.
Tuy nhiên với họ, chữ Nôm lại tương đối khó đọc. Và để phục vụ cho hoạt động truyền đạo, họ đã nghĩ ra một sáng kiến là ghi lại âm đọc của các chữ Nôm bằng chữ cái Latin.
Sở dĩ các nhà truyền đạo phương Tây có thể làm được điều đó là bởi tiếng Việt rất giàu âm tiết và chữ Nôm có tính biểu âm cao. Không giống như chữ Hán chỉ có tính biểu ý nên khi phiên âm Latin sẽ có nhiều từ đồng âm và khiến người đọc không hiểu gì giống như bản phiên âm này của một bài thơ chữ Hán.
Tất nhiên việc phiên âm chữ Nôm ra chữ Latin cũng cần nhiều thời gian. Khi bộ chữ Latin phiên âm được tinh chỉnh và hoàn thiện, nó tỏ ra nhỉnh hơn so với chữ Nôm về độ hiệu quả vì với 29 chữ cái, người dùng có thể sắp xếp các chữ để cho ra vô số từ vựng, trong khi với chữ Nôm thì mỗi từ vựng lại cần tới một chữ để thể hiện.
Như vậy, theo quan điểm này thì chữ Nôm cũng đóng vai trò là nền tảng hình thành của chữ quốc ngữ. Tiếng Việt vẫn có ngần đó âm tiết, đều có thể được thể hiện bằng chữ Nôm và chữ quốc ngữ, nhưng chữ quốc ngữ thuận tiện và hiệu quả hơn nên người Việt cũng nhanh chóng hưởng ứng và học loại chữ này.
Sau suốt hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, lịch sử đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia duy nhất trong vùng văn hóa Á Đông không sử dụng chữ tượng hình.
Nhưng dù người Việt hiện tại có dùng chữ Nôm hay chữ quốc ngữ, thì đó vẫn là thứ chữ của riêng người Việt để ghi lại tiếng Việt.
Để kết thúc video, chúng tôi xin trích dẫn ý kiến của nhà nghiên cứu Vũ Thế Khôi:
“Cần phân biệt và hiểu cho đúng, rằng tiếng Việt chỉ có duy nhất còn chữ ghi tiếng Việt có thể có chữ Nôm, chữ Latin hóa”
CDTeam – Kết Nối Tri Thức
Hệ thống kênh thông tin hệ sinh thái CDTeam
Kiến Thức Quân Sự:
- Youtube: https://www.youtube.com/c/KiếnThứcQuânSự
- Facebook: https://www.facebook.com/cdteam.kienthucquansu/
Vũ Trụ nguyên Thuỷ
- Youtube: https://www.youtube.com/@VuTruNguyenThuy
- Facebook: https://www.facebook.com/cdteam.vutrunguyenthuy/
CDTeam Why?
- Youtube: https://www.youtube.com/@CDTeam-Why
- Facebook: https://www.facebook.com/why.cdteam
Sử Đồ
- Youtube: https://www.youtube.com/c/CDTeamSửĐồ